Diễn đàn thu hút rất nhiều đại biểu tham gia góp ý chủ đề. |
Tham dự diễn đàn có anh Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn. Tham dự diễn đàn, 82 đại biểu tham gia góp ý kiến, đề xuất giải pháp về 3 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”; “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”.
Trong nhiệm kỳ, toàn Đoàn đã tập trung tuyên truyền về 3 chương trình đồng hành với thanh niên với phương thức đa dạng, nhiều hoạt động đột phá đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng chính đáng của thanh niên. Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng so với nhu cầu, mong muốn của thanh niên và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các nội dung đồng hành với thanh niên vẫn còn hạn chế.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nhìn thẳng và phân tích những hạn chế về việc triển khai các chương trình đồng hành với thanh niên yếu thế, khu vực đặc thù chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao, các mô hình thanh niên phát triển kinh tế chưa đáp ứng được hết nhu cầu, tiềm năng của thanh niên. Các thiết chế tư vấn hướng nghiệp, đào tạo, giới thiệu việc làm, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn thiếu. Việc thiết lập và sử dụng các hình thức tư vấn về tâm lý, hỗ trợ pháp lý cho thanh thiếu nhi chưa được triển khai hiệu quả…
20 ý kiến góp ý của đại biểu tại tổ thảo luận số 6 đã góp ý cụ thể, bày tỏ mong muốn, nhu cầu và những khó khăn của thanh niên hiện nay và cách để tuyên truyền về Đoàn, Hội trên nền tảng số sao cho hiệu quả.
PGS.TS Đào Việt Hằng (Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu) xây dựng và đóng góp giải pháp tại diễn đàn. |
PGS.TS Đào Việt Hằng (Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu) cho rằng, tổ chức Đoàn cần tìm hiểu, khảo sát nhu cầu đào tạo kĩ năng của thanh niên sâu hơn theo khu vực, độ tuổi, tôn giáo, lĩnh vực hoạt động chuyên môn từ chính app Thanh niên. Từ đó, biến app Thanh niên là một nền tảng không chỉ để kết nối thanh niên với Trung ương Đoàn mà còn để các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, các đơn vị tìm đến người cần thiết. Có như vậy, thanh niên mới nhận thấy được họ cần và muốn gắn kết với tổ chức Đoàn để mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân.
Không chỉ vậy, chị Hằng đề xuất việc tích hợp thêm nhiều tính năng mới trên app Thanh niên như khảo sát trực tiếp nhu cầu thực tế của đoàn viên, thanh niên trong quá trình hoạt động để có sự định hướng phù hợp. Sau đó xây dựng các chương trình phát triển kĩ năng với đối tượng thanh thiếu niên ở từng đơn vị, từng lĩnh vực, đảm bảo tính thực tế và đáp ứng đúng nhu cầu. “Đoàn cần đóng vai trò giúp thanh niên gửi gắm tâm tư nguyện vọng, đề xuất kiến nghị phù hợp đến Chính phủ, các bộ ban ngành để việc triển khai các chương trình nâng cao kỹ năng thanh niên được kịp thời, toàn diện”, chị Hằng nói thêm.
Anh Trần Kim Phẳng chia sẻ tại diễn đàn. |
Chia sẻ tại diễn đàn, anh Trần Kim Phẳng, cho hay từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã đưa hàng triệu lao động đi lao động xuất khẩu và thống kê mỗi năm lực lượng này đã gửi về nước khoảng 10 tỉ USD. Cũng có thống kê cho rằng mỗi thanh niên đi lao động xuất khẩu đều có thu nhập trung bình hơn 200 triệu đồng/năm.
Từ các thông tin này, anh Phẳng nhấn mạnh, xuất khẩu lao động rõ ràng giúp thanh niên có thu nhập cao, thoát được nghèo và quan trọng hơn là học hỏi được nhiều kỹ năng, ý thức kỷ luật và nâng cao tay nghề lao động hơn so với làm việc ở trong nước. Nhưng ở các địa phương hiện nay, vấn đề lao động xuất khẩu là công việc của ngành lao động, thương binh và xã hội và tổ chức Đoàn có rất ít để hoạt động để đồng hành hỗ trợ thanh niên.
Anh Phẳng cũng cho rằng tổ chức Đoàn hoàn toàn có thể tham gia tuyên tuyền, để thanh niên hiểu rõ lợi ích của việc đi lao động xuất khẩu theo thời hạn, để có nhiều thanh niên tham gia xuất khẩu lao động. “Để đồng hành hỗ trợ thanh niên về việc làm, tôi cho rằng tổ chức Đoàn nên coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và đây là giải pháp để nâng cao trình độ, tay nghề. Chỉ tiêu thứ 8 của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII có đặt chỉ tiêu hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, trong đó nên đặt riêng chỉ tiêu giới thiệu 500.000 lao động đi xuất khẩu lao động”, anh Phẳng nói.
Cũng tại diễn đàn, anh Nguyễn Trần Duy Anh, Bí thư Thành đoàn Sóc Trăng, (tỉnh Sóc Trăng), để hỗ trợ một cách thực chất và hiệu quả cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp thì tổ chức Đoàn tích cực tham mưu với UBND và các ngành chức năng trong việc giới thiệu các sản phẩm của thanh niên. Đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền đạt chứng nhận OCOP vào các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi để đưa được sản phẩm đi muôn nơi.
Ngoài ra, để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình sản xuất của thanh niên, tổ chức Đoàn nên đề xuất triển khai “Túi quà thanh niên”. “Trong túi quà này là các sản phẩm khởi nghiệp, của thanh niên mà các cơ quan, đơn vị sử dụng trong các chuyến thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thanh niên yếu thế…vừa làm công tác an sinh xã hội vừa hỗ trợ thanh niên lập nghiệp”, anh Anh nói.
Anh Trần Hữu đề nghị các tỉnh, thành Đoàn tích cực, chủ động đeo bám tham mưu lãnh đạo các địa phương để bố trí thêm vốn vay giúp khởi nghiệp, lập nghiệp. |
Chia sẻ tại diễn đàn, anh Trần Hữu, Trưởng Ban TNCN&ĐT Trung ương Đoàn, cho rằng nguồn vốn cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp hiện nay chủ yếu vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa là 100 triệu đồng/mô chưa đáp ứng nhu cầu của thanh niên. Ngoài ra, Trung ương Đoàn cũng đang quản lý một số quỹ cho vay nhưng nguồn vốn vay cũng không được nhiều.
Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương, các tỉnh, thành Đoàn có rất nhiều cách làm sáng tạo để tìm kiếm nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp. Điển hình là Bắc Ninh tham mưu cho tỉnh lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp có 52 tỉ đồng, đến nay không cần vay vốn Trung ương.
“Kinh nghiệm là các tỉnh, thành Đoàn phải nắm chắc khó khăn cụ thể của thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên địa phương và tích cực, chủ động, đeo bám trong tham mưu với lãnh đạo tỉnh bố trí vốn, tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp”, anh Hữu nói.
Ban tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành, hỗ trợ, góp phần vào thành công chung của đại hội: Công ty CP Sữa quốc tế (IDP), Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An, Công ty CP xăng dầu Tân Nhật Minh, Tập đoàn Trường An. Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Long Thành Golf, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tập đoàn ALPHANAM, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng thương mại CP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại CP Công thương Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Phát điện 2, Công ty TNHH Tập đoàn Rita Võ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Long Phương, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Thiên Long và Công ty TNHH TCP Việt Nam. |
CTG