Theo dấu chân cuộc đời mà tôi từng có 43 năm khoác áo lính, đã được đi qua nhiều miền đất của Tổ quốc dằng dặc bao la, khi vượt Trường Sơn lúc ra Trường Sa, lúc đứng trên chóp nón Lũng Cú ở Hà Giang, khi dầm chân trong bùn non Đất Mũi tận Cà Mau… những câu thơ ấy, bài thơ ấy luôn có trong hành trang người chiến sĩ.
Làm sao quên được Chế Lan Viên "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn…" trong thi phẩm "Tiếng hát con tàu". Làm sao quên được Nguyễn Khoa Điềm "Đất là nơi anh đến trường/Nước là nơi em tắm…" và đây nữa "Đất là nơi Chim về/Nước là nơi Rồng ở/Lạc Long Quân và Âu Cơ/Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng trong chương "Đất nước" của trường ca "Mặt đường khát vọng". Vẫn nhớ lắm Phạm Tiến Duật với bài thơ "Lửa đèn" có những câu "Mạch đất ta dồi dào sức sống/Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương". Đây nữa, Hữu Thỉnh tài hoa và trữ tình lắm khi viết "Đất vẫn đất của dân ca và mía mật/Đất bận quanh năm điệp khúc mùa màng/Chị búi tóc cao hơn, chịu thương chịu khó/Mẹ vẫn đong bữa ăn bằng chiếc lon nho nhỏ/Quá nửa những cánh đồng dành cho đứa con xa…" trong trường ca "Sức bền của đất".
Đất! Ta đã gặp một tâm hồn nồng hậu sâu dày trong thế thái nhân tình. Có bé bỏng, có lớn lao, từ khoảng sân nhà đến dài rộng giang sơn và bao la nhân loại. Bất cứ lúc nào đất cũng can dự vào cuộc sống con người, từ miếng ăn tấm mặc đến cái nết văn chương. Tâm hồn đất cũng là tâm hồn người. Soi vào đất chúng ta thấy tình yêu trong đó. |
Có lẽ, tôi cũng chỉ mới chạm đến những câu thơ quen thuộc nhất viết về đất mà tôi thuộc, nói đúng hơn là những câu thơ nằm lòng, còn có bao nhiêu câu nữa lẩn khuất đâu đó. Cũng như tôi làm sao đi hết được tận cùng yêu dấu đất đai. Chỉ biết mỗi khi nghĩ về Tổ quốc, quê hương rưng rưng cất lên hai tiếng "Đất ơi!".
Muôn vàn khởi đầu nếu như không muốn nói tất cả đều từ đất. Ngẫm mà xem, một hạt giống, một mùa màng, một lưu vực, một bước đi, một đường bay… không thể không bắt đầu từ đất. Nơi phì nhiêu màu mỡ, nơi cằn cỗi xác xơ, khi vững chãi yên bình, khi chao lắc biến động… nhưng bao giờ đất vẫn là cái nôi của cuộc sống. Cái nôi lớn nhất và của chung nhân loại mang tên Trái Đất. Cái nôi sinh dưỡng con Rồng cháu Tiên có từ mấy nghìn năm nay mang tên Việt Nam. Là người Việt, ai chẳng đau đáu lời dặn dò thiêng liêng: Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười, tháng ba. Đất Tổ Hùng Vương mãi mãi là cội nguồn dân tộc. Bắt đầu từ đây, ta cảm nhận được "Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi/ Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha/Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…" như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết.
Cái nôi được gọi là Làng gần gũi và thân thuộc với mỗi người hơn tất cả. Rất nhiều cậu bé, cô bé cất tiếng khóc đầu đời từ đấy, khúc oa oa bắt vào tiết tấu đồng quê trong hơi đất đẫm mùi mưa nắng xứ nhiệt đới, giữa nhịp điệu của những thời vụ nối tiếp nhau không ngưng nghỉ. Đất lề quê thói làm nên những dấu tích khó phai, tạo ra nét riêng biệt vùng miền và không hiếm hoi địa linh nhân kiệt. Từ cổng làng ra đi, ai chẳng mang theo những thầm thì của đất có từ cội rễ cỏ cây cao thấp dưới bầu trời rộng rãi như gửi gắm, dặn dò của quê hương. Đất đâu chỉ là đất. Đất là hồn nước, hồn làng, là những rung động sâu kín và bền vững nhất được truyền dẫn qua ta đấy chứ!
Ta nghe đất như lắng hút vào mình giọng ru của mẹ, lời cổ tích của bà. Văng vẳng bên mình một à ơi… Thương ai bằng nỗi thương con/ Nhớ ai bằng nỗi gái son nhớ chồng…Và, cổ tích nào bà chẳng bắt đầu bằng Ngày xửa ngày xưa…Ta lớn lên bằng những thương yêu mộc mạc như được gieo từ đất. Mảnh vườn in bóng lom khom của bà và thửa ruộng có dáng lui cui của mẹ là nỗi nhớ hằn sâu trong ta. Cũng giăng mắc níu náu kỹ càng như vậy mùi hương ổi chín và cơn gió mùa gặt thơm đến nao lòng. Giọt mồ hôi nào cũng mặn. Hạt đất nào cũng thấm mồ hôi. Đất mặn. Mặn để làm nên bao bông trái thơm lành. Nối tiếp nhau bao lớp người sương gió, bao thế hệ bão bùng, bao thân phận chiến chinh… để đất nhận vào mình những ký thác, khát khao của cuộc đời. Đất âm thầm lưu giữ bút tích của quá khứ để cho hôm nay và mai sau soi vào đó còn nhận ra được những giá trị dâng hiến của hàng triệu người làm nên Đất Nước muôn đời.
Có ai chưa từng một lần đào hố trồng cây không nhỉ? Nếu có, thật đáng tiếc. Mỗi chiếc hố trồng cây chính là một cửa sổ của đất đấy. Đất nhìn ngắm bầu trời qua đôi vai người trồng cây, thấy nắng và mây, thấy bao la và thăm thẳm… Thiên - Địa - Nhân; mối quan hệ này nếu thiếu sự hài hòa, cân đối chắc chắn sẽ gây loạn. Ai hội tụ được ba yếu tố Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa sớm muộn sẽ thành công. Xã hội cũng như cái cây vậy, đứng giữa trời đất mênh mông, bị bão xô lũ cuốn, đất cằn cỗi bạc màu, người biếng nhác trễ nải thì làm sao trụ vững, xanh tươi được. Đấy là chưa kể tới tai họa "Cây đổ về nơi không có vết rìu" (thơ Hữu Thỉnh).
Chiếc hố đào xong rồi nhưng chớ nên vội vàng đặt cây xuống ngay nhé. Hãy để chút ít thời gian cho đất thở. Sau đó ta mới đặt bầu cây xuống, nhẹ nhàng lấp đất lại giống như một sự biết ơn chân thành vậy. Đất sẽ nhận ra thông điệp của ta từ hành vi này. Mỗi cây trồng là một thông điệp xanh, một nhành xuân của cuộc sống. Cũng như sau khi lưỡi cày xẻ đất xong người nông dân không bao giờ tra hạt, cấy cây xuống luôn. Đất cũng cần khoảng trống, khoảng nghỉ, khoảng lặng trước khi làm nhiệm vụ nuôi cây của mình. Đất nuôi cây cũng giống như người mẹ nuôi con. Những mạch ngầm thổ nhưỡng làm nên tươi tốt, sum suê mùa màng không phải là vô tận. Bởi thế, con người phải biết yêu thương, bồi đắp cho đất khỏi bị bạc màu.
Ở tầm quốc gia, phải biết coi từng tấc đất của ông cha để lại là tài sản vô giá, không có gì đánh đổi được. Đất bờ cõi, máu và mồ hôi bao thế hệ đã thấm từng cột mốc chủ quyền. Mỗi ngọn lau nơi biên giới xa xôi cũng là Tổ quốc huống chi từng đỉnh núi, con suối, ngọn thác, dòng kênh và xa khơi kia đảo nổi, đảo chìm đã thành dấu mốc non sông như một khẳng định Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Mạch linh thiêng huyền bí tỏa rộng vươn dài trong đất trong nước, truyền vào mỗi chúng ta để thành tâm hồn, tính cách và dũng khí con người Việt. Bao giờ, đất cũng mang sứ mệnh dung dưỡng và chở che con người. Cứ ngẫm kỹ mà xem, có phải chúng ta đã dựa vào đất để đánh giặc xâm lăng. Đất là điểm tựa muôn đời của dân tộc Việt. Bởi đất là núi Tổ Tản Viên, là những cánh cung sơn lâm Đông Bắc, là đỉnh Phan Si Păng cao trên ba nghìn mét, là trùng điệp vạn lý Trường Sơn, là mênh mang châu thổ Hồng Hà, Cửu Long… Khai khẩn, mở mang từ ngàn xưa, dựng tạo giữ gìn qua nhiều thiên niên kỷ để có ba trăm ba mươi mốt nghìn hai trăm cây số vuông đất liền cùng với xấp xỉ một triệu cây số vuông biển đảo không phải là chuyện dễ dàng, suôn sẻ.
Theo Dân Việt |