Ngày càng có nhiều vật dụng làm từ vật liệu xanh, vật liệu tái chế, kết hợp hài hòa giữa ý tưởng và tính ứng dụng trong thiết kế. Phía sau đó là những bạn trẻ với mong muốn góp sức xây dựng một xã hội bền vững và "sống xanh" hơn.
Sản phẩm "sống xanh" đa dạng chất liệu
Qua những lần được tiếp cận các vấn đề về môi trường, anh Nguyễn Hoàng An Khương (25 tuổi) nhận thức rõ tác hại của rác thải nhựa đối với cộng đồng lẫn bản thân.
Anh Khương bắt đầu tìm hiểu các vật liệu, sản phẩm có thể thay thế nhựa. Từ đó quyết định sáng lập The Greenmart Vietnam, mang đến các sản phẩm thân thiện môi trường, giảm thiểu việc sử dụng nhựa có hại trong cuộc sống và định hình lối sống xanh.
Anh Khương hướng đến các dòng sản phẩm tiêu dùng, văn phòng phẩm, thời trang làm từ nguyên liệu thiên nhiên như tre, cỏ bàng, cói, lục bình, bồn bồn… Đây là các loài thực vật bản địa vừa có thể thay thế nhựa có hại, vừa thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người dùng.
Trong khi đó, chị Trần Thị Thanh Trâm (34 tuổi) - sáng lập Tiệm Nửa Thước, đã nghĩ cách tái tạo rác thải nhựa, tăng tính ứng dụng cho những vật liệu khó phân hủy trong môi trường.
Chị Trâm cùng đội ngũ sản xuất tìm ra jesmonite trong quá trình thử nghiệm các vật liệu mới. Chị cho biết jesmonite có độ bền, thân thiện với môi trường, an toàn khi tiếp xúc với da và hô hấp. Loại vật liệu này có tính tái tạo và tái chế cao, có khả năng kết dính nhựa, ni lông tạo thành những sản phẩm mới.
Những mảnh nhựa vỡ sẽ được cho vào khuôn, kết hợp với màu và hỗn hợp jesmonite. Các vật liệu sẽ kết dính lại với nhau, tạo nên sản phẩm mới, có kiểu dáng, màu sắc, họa tiết đặc trưng.
"Khi không thể loại bỏ hoàn toàn nhựa, ni lông ra khỏi cuộc sống, chúng ta có thể tận dụng, tái tạo chúng thành những sản phẩm thiết thực, có công năng sử dụng. Từ đó sẽ giảm thiểu được lượng rác thải gây hại đến môi trường", chị Trâm bày tỏ.
Xu hướng sản xuất bền vững
Chị Trâm cùng các cộng sự đã và đang giới thiệu các chất liệu, công nghệ mới đến các bạn sinh viên, đồng thời tổ chức các workshop làm đồ thủ công bằng vật liệu thân thiện môi trường. Qua đó tạo môi trường ứng dụng các vật liệu tái chế, lan tỏa xu hướng sản xuất bền vững, đặc biệt là đối với những người trong ngành thủ công, mỹ thuật, thiết kế nội thất.
Vừa qua, một nhóm sinh viên ngành thiết kế công nghiệp (Trường đại học Tôn Đức Thắng) đã lên ý tưởng thiết kế hai sản phẩm nội thất làm từ hơn 100kg rác thải nhựa. Đó là tủ phát nhạc đĩa và tủ quần áo đa năng.
Bạn Nguyễn Ngọc Yến Phương - thành viên của nhóm - nói nhóm muốn sáng tạo ra sản phẩm mới lạ, đa chức năng với vật liệu sản xuất là ni lông, chai nhựa. Đồng thời lồng ghép thông điệp về việc tái chế thông qua các đường nét trên sản phẩm.
Phương cho biết chi tiết hình tròn, đường cong thể hiện vòng tuần hoàn của vật liệu khi được tái tạo. Đó là quá trình từ một sản phẩm trở thành rác thải, sau đó tiếp tục trở thành một sản phẩm có công năng mới.
"Với hai sản phẩm này, tụi mình vừa có thể phát huy tính sáng tạo, vừa thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc đổi mới, đưa ra giải pháp cho các vấn đề về môi trường hiện nay", Phương bộc bạch.
Yến Phương (thứ 2 từ trái qua) và các bạn trong nhóm đã thiết kế tủ quần áo kết hợp bàn ủi làm từ rác thải nhựa
Móc khóa được lấy cảm hứng từ nguy cơ rác thải trên đại dương, làm từ nhựa tái chế như ống hút, nắp chai, màng bọc, túi ni lông
Thạc sĩ Dương Liên Trang Nhã - giảng viên khoa mỹ thuật công nghiệp, Trường đại học Tôn Đức Thắng - cho rằng lối sống xanh đang được nhiều người trẻ quan tâm. Các bạn trẻ có khả năng quan sát, nhận thấy những biến đổi của môi trường xung quanh, từ đó đưa ra giải pháp và hình thành lối sống xanh cho riêng mình.
Thêm vào đó, sử dụng vật liệu tái chế đang là xu hướng trong ngành thủ công, thiết kế. Vì thế, giáo dục là yếu tố cần chú trọng để việc sản xuất bền vững được lan tỏa rộng hơn.
"Đây là yếu tố giúp người trẻ có nhận thức đúng đắn về việc tái chế vật liệu để sống xanh không chỉ là trào lưu nhất thời. Khi đó các bạn có thể sáng tạo ra các sản phẩm mới lạ, an toàn và có tính ứng dụng", thạc sĩ Trang Nhã nhận định.
Theo TT