Đẩy mạnh vấn đề nhận thức cho người trẻ, nhận thức đầy đủ đúng đắn sẽ có hành động đúng đắn

(CTG) Tại Hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”, nhiều đại biểu cho rằng, việc bảo vệ biên cương về văn hóa tư tưởng trên không gian mạng ở Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, phức tạp, trong đó có sự "xâm lăng văn hóa".

Đẩy mạnh vấn đề nhận thức cho người trẻ, nhận thức đầy đủ đúng đắn sẽ có hành động đúng đắn ảnh 1

Hội thảo đã có nhiều ý kiến tham luận, trao đổi. Ảnh: Xuân Tùng

Ngày 11/5, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đài Truyền hình Việt Nam và Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã nêu ra những thực trạng báo động về sự xâm lăng văn hóa trên không gian mạng.

"Không hão huyền, không nô lệ, không ngoại lai..."

Đẩy mạnh vấn đề nhận thức cho người trẻ, nhận thức đầy đủ đúng đắn sẽ có hành động đúng đắn ảnh 2

Ông Đinh Bá Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

Ông Đinh Bá Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc DatVietVAC Group Holdings cho rằng, trong lịch sử 4.000 năm văn hiến, Việt Nam đã chiến thắng các cuộc xâm lăng quân sự ngoại bang, với ý đồ xâm lấn triệt tiêu văn hoá, thay thế bằng văn hóa ngoại lai, để dân tộc ta không còn là mình. Hiện trên không gian mạng, chúng ta đang đứng trước một nguy cơ mới; nguy cơ một cuộc xâm lăng văn hoá từ bên ngoài.

Theo ông Thành, văn hóa tư tưởng giúp thế giới thay đổi cách nhìn về Việt Nam. “Ta phải chiến thắng không khoan nhượng trong cơn bão văn hóa tư tưởng. Hãy mang Tiếng Việt đến nhân loại với sự trọng vọng bằng sức mạnh văn hóa tư tưởng Việt Nam. Hãy nuôi dưỡng khát vọng làm người Việt để xây dựng nền văn hóa thật Việt Nam, không hão huyền, không nô lệ, không ngoại lai và dẫn dắt bởi người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng có chỉ đạo để sớm thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển kinh tế, trước các nền tảng ứng dụng OTT xuyên biên giới.

Đẩy mạnh vấn đề nhận thức cho người trẻ, nhận thức đầy đủ đúng đắn sẽ có hành động đúng đắn ảnh 3

Bà Từ Thị Loan phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

GS, TS. Từ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, không gian mạng với các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới (OTT), đang tạo nên những thách thức lớn với việc bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng ở Việt Nam.

Hiện các kênh truyền thông cực đoan của các thế lực thù địch được phát hành tự do, thoải mái trên mạng. Việc gỡ bỏ, ngăn chặn các kênh thông tin xấu độc này là cực kỳ khó khăn. Điều đó có thể gây lung lạc, ảnh hưởng đến nhận thức, niềm tin của thế hệ trẻ.

Các hành vi phản cảm, ứng xử phi văn hóa trên không gian mạng ngày càng lan tràn như những thông tin "lá cải", scandal của những người nổi tiếng, các chiêu trò đánh bóng tên tuổi, tung ảnh nóng, hiện tượng "ném đá hội đồng", háo danh trên mạng, "anh hùng bàn phím". Ngôn ngữ mạng đang ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.

“Việc bảo vệ biên cương về văn hóa tư tưởng trên không gian mạng ở Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn, phức tạp. Biên cương đó khó có thể bảo vệ tốt nếu chúng ta không có sự kiểm soát chặt chẽ, biện pháp quản lý tương thích và chế tài xử lý phù hợp”, bà Loan nói.

Cần lực lượng "biên phòng biên cương văn hóa tư tưởng"

Đẩy mạnh vấn đề nhận thức cho người trẻ, nhận thức đầy đủ đúng đắn sẽ có hành động đúng đắn ảnh 4

NSƯT Xuân Bắc phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

Tại Hội thảo, NSƯT Xuân Bắc cho rằng, trong chương trình đưa ra khái niệm "biên cương văn hóa tư tưởng", nên rất cần có "lực lượng biên phòng" để bảo vệ và giám sát biên cương văn hóa tư tưởng.

Anh Bắc chia sẻ, từng bị tấn công trên mạng xã hội sau khi tham gia lên tiếng kêu gọi cách thể hiện tinh thần yêu nước văn minh, có cách đấu tranh bảo vệ chủ quyền đúng quy định pháp luật. "Trên fanpage Facebook của tôi lúc đó đã xuất hiện những bình luận chửi bới và tôi chỉ làm được một việc là khóa, xóa các bình luận đó mà không được bảo vệ", anh Bắc nói.

NSƯT Xuân Bắc bày tỏ đồng tình ý kiến tại hội thảo, phải đẩy mạnh vấn đề nhận thức cho khán giả, người trẻ, vì nhận thức đầy đủ đúng đắn sẽ có hành động đúng đắn. Anh Bắc kiến nghị Đảng, Nhà nước có định hướng rõ để khán giả và người trẻ có hiểu biết, nhận biết về nghệ thuật và văn hóa; phân biệt tiểu phẩm, chi tiết, nội dung nhỏ với tác phẩm.

"Một tác phẩm nghệ thuật hội tụ đủ nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt mỹ học - cái đẹp nhận thức, cái đẹp trong văn hóa. Hiện nay có nhiều nội dung chỉ phổ biến, quảng bá cho tính giải trí, mà tính giải trí chỉ là một phần chức năng của nghệ thuật", anh Bắc nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước và các học giả, các nhà nghiên cứu cần thực sự quan tâm các vấn đề liên quan đến giới trẻ và nhận thức của giới trẻ đối với nghệ thuật văn hóa; tạo sân chơi lành mạnh cho lực lượng sáng tạo, tác giả kịch bản.

Nâng cao bản lĩnh sáng tạo

Đẩy mạnh vấn đề nhận thức cho người trẻ, nhận thức đầy đủ đúng đắn sẽ có hành động đúng đắn ảnh 5

GS,TS. Hoàng Chí Bảo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

GS, TS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ví văn hoá như gương mặt tinh thần, tấm căn cước của dân tộc, để dân tộc hiện hữu trong thế giới nhân loại với sự kết tinh các giá trị tinh hoa, truyền thống và bản sắc của dân tộc mình.

Ông Bảo cho rằng, trước tác động mãnh liệt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống như hiện nay, trong kỷ nguyên thông tin và chuyển đổi số, phải hết sức chú ý tới sức mạnh mềm của văn hoá. Bên cạnh đó, nâng cao trình độ và bản lĩnh sáng tạo của con người, nhất là thế hệ trẻ để bảo vệ biên cương văn hoá bằng sức mạnh nội sinh của văn hoá, con người Việt Nam.

“Đó không chỉ là bản lĩnh chính trị mà còn thực sự là một bản lĩnh văn hoá. Tinh thần cống hiến vì đất nước phải trở thành khát vọng cống hiến mà mỗi người dân, nhất là những người trẻ tuổi - thanh niên, sinh viên, trí thức cần được giáo dục và tự giáo dục về văn hoá. Đó là giáo dục lý tưởng, lẽ sống, niềm tin khoa học và hành động sáng tạo”, ông Bảo nhấn mạnh.

Đẩy mạnh vấn đề nhận thức cho người trẻ, nhận thức đầy đủ đúng đắn sẽ có hành động đúng đắn ảnh 6

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lĩnh vực văn hóa

Phát biểu tại Hội thảo, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn khẳng định: Những nội dung của Hội thảo là chất liệu vô cùng quý giá đối với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhất là trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đoàn các cấp và Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ tiếp thu, bổ sung các nội dung, giải pháp, công việc của Đoàn, của tuổi trẻ vào dự thảo Văn kiện, Chương trình hành động.

Đồng thời, Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ xây dựng báo cáo kết quả của Hội thảo, một số đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan để góp phần tham gia thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Tiếp thu những ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, anh Huy cho rằng, thanh niên cần tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa văn minh, tiến bộ và chủ động phòng tránh những giá trị không phù hợp, thiếu chuẩn mực, đó chính là góp phần bảo vệ biên cương văn hóa tổ quốc.

Tổ chức Đoàn cần tăng cường truyền tải, giáo dục thanh thiếu nhi về những cái hay, cái đẹp, những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa truyền thống. Từ đó, nâng lên thành niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hành động của tuổi trẻ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa để từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cần làm tốt công tác chủ động theo dõi và kịp thời nắm bắt, định hướng và xử lý các biểu hiện lệch lạc trong việc tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của thanh thiếu nhi. Kịp thời có các biện pháp, cách thức đấu tranh kiên quyết với các hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa, “xâm lăng văn hóa”.

Theo Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy, để thanh niên sẵn sàng tham gia vào công cuộc chấn hưng văn hóa trong giai đoạn hiện nay, cần nâng cao nhận thức và năng lực số cho thanh thiếu nhi, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động văn hóa; tăng cường truyền thông xã hội và tận dụng trí tuệ nhân tạo để triển khai các hoạt động giáo dục, bồi đắp văn hóa cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo môi trường để thanh niên khởi nghiệp trên lĩnh vực văn hóa.

Theo TP