Để có những làng quê đáng sống: Đường quê tối hù giờ đã sáng trưng

(CTG) “Trước đây đường quê tối hù, tụi con nít có dám đi đâu. Giờ thì sáng trưng rồi, mừng quá chừng”, nỗi niềm của ông Nguyễn Văn Thum cũng là niềm vui của nhiều người dân ở ấp Tân Thuận A, xã Tân Mỹ, H.Lấp Vò, Đồng Tháp, khi thanh niên tình nguyện về xây dựng những làng quê đáng sống .

 

Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè của sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM mang đến niềm hạnh phúc vỡ òa cho người dân ở xã Tân Mỹ. Tuyến đường Rạch Cưỡi trước đây tối om thì giờ đây đã sáng trưng; cầu giao thông cũng nối liền đôi bờ, không còn cảnh lo sợ cây cầu tự lắp ván sẽ “sụm” bất cứ lúc nào.

Những “thầy cô giáo” làm… thợ hồ

Làn da rám nắng vì những ngày cố làm xuyên trưa để thi công thắp sáng tuyến đường Rạch Cưỡi 1,2 km cho người dân ở ấp Tân Thuận A, Lê Tuấn Kiệt, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết để thắp sáng được tuyến đường này phải trải qua nhiều công đoạn như đóng cọc, đổ đế trụ bê tông, lắp trụ và bóng điện. Với những thầy cô giáo tương lai chưa một lần làm những công việc này thì bước đầu đa phần công đoạn nào cũng gặp khó khăn.

Để có những làng quê đáng sống: Đường quê tối hù giờ đã sáng trưng - ảnh 1

Đội hình sinh viên tình nguyện không ngại lăn xả để thi công các công trình ý nghĩa cho người dân. NGỌC DIỆU

“Công việc khá đặc thù mà đội hình tụi em nam ít hơn nữ. Đổ bê tông thì khá vất vả mà giữa chừng trời lại mưa, nên phải vừa đổ vừa phủ đậy lại. Hôm dựng trụ thì trời nắng gắt, lúc lắp xong đi về là da cháy hết luôn, đen sạm và bị rát nhưng tụi em vẫn cố gắng để hoàn thành cho xong, có hôm làm quên trưa từ 7 giờ đến 14 giờ…”, Kiệt kể và cho biết mặc dù khá mệt nhưng người dân quan tâm, hỗ trợ rất nhiệt tình nên càng được tiếp thêm động lực.

Vì lực lượng không nhiều (23 sinh viên) mà tuyến đường thì dài, công việc lại nhiều nên các bạn nữ cũng cùng tham gia hỗ trợ thi công thắp sáng tuyến đường.

Hồ Ngọc Anh Thư, Trưởng đội hình sinh viên tình nguyện tại H.Lấp Vò, hài hước chia sẻ: “Nhìn làn da của em giờ đen đi rất nhiều luôn. Vẫn xác định đi tình nguyện là phải đen nhưng không nghĩ đen đến như thế này. Vì dù nắng gắt cỡ nào, hay có mưa to thì đội hình vẫn dầm mưa, đội nắng để làm. Lúc đầu tụi em còn so đứa nào trắng hơn, xinh hơn, còn giờ thì toàn đọ xem bạn nào đen nhất”.

Không chỉ làn da đen sạm, mà đôi tay của họ cũng phồng rộp vì làm những công việc trộn hồ và đẩy xe bê tông rất nặng. “Dẫu tụi em đứa nào cũng chuẩn bị đồ bảo hộ, nhưng đến lúc làm phải tháo bao tay hết ra vì rất trơn. Làm xong về tay đứa nào cũng bị phồng rộp hết, nhưng mà bạn nào cũng vui vì tinh thần tình nguyện rất cao”, Thư kể.

Để có những làng quê đáng sống: Đường quê tối hù giờ đã sáng trưng - ảnh 2

Tuyến đường quê từ nay đã sáng trưng

Người dân mở tiệc ăn mừng

Công việc có mệt thế nào thì cũng chẳng đáng là gì khi các sinh viên tình nguyện chứng kiến được sự chờ đợi và niềm vui hạnh phúc của người dân nơi đây lúc nhìn thấy tuyến đường được thắp sáng.

Kiệt xúc động nói: “Sau khi tụi em làm xong, chiều tối đó bình thường mọi người đi làm đồng về sẽ vào nhà tắm rửa rồi ăn uống, nhưng hôm nay ai cũng đứng trước sân nhà để chờ đèn đường sáng lên xem như thế nào. Cảm giác người dân chờ đợi đến như vậy khiến tụi em càng hạnh phúc hơn khi biết việc làm của mình ý nghĩa với người dân nơi đây như thế nào”.

Hôm chúng tôi đến, chỉ vừa định hỏi về cảm xúc khi tuyến đường từ nay đã sáng trưng, chú Nguyễn Văn Thum mừng rỡ mời chúng tôi vào nhà, hái trái cây trong vườn tiếp đón, rồi với nụ cười chân chất của người miền Tây, chú nói: “Trời ơi, mừng quá chừng mừng luôn chứ. Mấy cháu tình nguyện về đây làm hay quá chừng, bắt năng lượng mặt trời nên tối qua bóng đèn trước nhà tôi sáng trưng mà không phải tốn tiền điện”.

Chú Thum kể trước đây chỉ những hộ khá giả là tự mua bóng đèn câu ra, nhưng đến 20 hay 21 giờ là tắt vì sợ tốn điện. Còn rất nhiều hộ gia đình như nhà chú vì không có kinh phí để trả tiền điện nên chấp nhận tối.

“Bên kia Rạch Cưỡi là ấp Tân Thuận B thì sáng trưng, còn bên này tối đến chỉ biết nhìn qua và ước. Tụi con nít tối đến cho đi cũng không dám đi, tối hù mà ai dám, đi vệ sinh cũng không dám nữa là. Giờ thì sáng trưng rồi, mừng quá chừng mừng”, chú Thum bày tỏ.

Còn chú Mai Văn Toàn (ngụ xã Tân Mỹ) cũng không tả được niềm vui sướng khi đội hình sinh viên tình nguyện về xây dựng cầu bê tông bắc ngang qua Rạch Chùa, điều mà chú Toàn và người dân nơi đây chưa bao giờ dám nghĩ đến.

“Vui quá, tốt quá chừng luôn. Trời ơi, nghe nói có đội tình nguyện về làm cầu là người dân vui quá chừng. Ngay hôm đầu đổ bê tông, người dân kéo đến ầm ầm để phụ, ai cũng xúm lại để làm phụ chứ mừng quá mà. Chúng tôi thì làm gì có khả năng mà đổ cầu bê tông, trước đây là cầu khỉ, sau này cái bến phà ngoài kia người ta dỡ bỏ rồi tụi tôi ra xin ván về bắt thí qua vậy đó. Làm đại thành cây cầu để có mà đi chứ đâu có tiền mà đúc được cầu bê tông kiên cố”, chú Toàn kể.

Theo chú Toàn thì cây cầu do người dân xin ván về tự đóng chỉ phục vụ lưu thông bình thường chứ không dám chở đồ nặng vì sợ bị sập. “Trước đây chỉ chạy được xe không nhưng làm được cây cầu này là chạy phà phà luôn à, xe du lịch còn chạy vào đây được nữa ấy chứ. Làm xong cây cầu là ăn mừng, liên hoan lớn luôn á”, chú Toàn háo hức.

Theo TN