Đề xuất xây dựng mô hình chính phủ điện tử bằng công nghệ Blockchain

(CTG) Trong diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” (Industry 4.0 Summit) vừa qua, cùng sự đồng thuận cao từ lãnh đạo nhà nước, LINA Network đã đưa ra những ý kiến về việc xây dựng Chính phủ điện tử bằng công nghệ Blockchain ở Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại diện tập đoàn, doanh nghiệp trong phiên họp về Cách mạng 4.0 tại Văn phòng chính phủ

Với những đặc tính đã được cả thế giới biết tới như chuẩn hóa, minh bạch, bất biến, an toàn và liên kết, công nghệ blockchain giúp kiểm soát luồng dữ liệu cá nhân tuyệt đối, đảm bảo tính riêng tư cũng như quản lý danh tính và thông tin xác thực với ứng dụng đơn giản. Do đó, việc ứng dụng định danh điện tử dựa trên blockchain dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Chính phủ và người dân trong lĩnh vực quản lý của mọi đất nước, đặc biệt là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu ở Việt Nam.

Trong diễn đàn cấp cao, thủ tướng Chính phủ khẳng định, “Cách mạng Công nghệ 4.0 đang diễn ra trên khắp thế giới, đây là xu hướng không thể thay đổi và trì hoãn. Tôi đã nghe nhiều chuyên gia nói Việt Nam đã có Cách mạng 4.0 nhưng ở mức độ thấp, chưa có quy mô và phổ cập... Đảng và Nhà nước, địa phương của Việt Nam sẵn sàng lắng nghe những khuyến nghị về Cách mạng 4.0. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam “đảo chiều” về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo để nâng cao vị thế, đi tắt đón đầu trên trường quốc tế. Vì vậy, đảo chiều trong tư duy và hành động rất quan trọng. Ứng dụng Cách mạng 4.0 có thành công hay không chính là nhận thức của chúng ta”.

Tại phiên thảo luận về “Những xu hướng lớn của cách mạng công nghệ 4.0”, ông Vũ Trường Ca – Chủ tịch HĐQT LINA Network Corporation đã có những phát biểu nhận diện tác động và đưa ra các khuyến nghị với chính phủ Việt Nam trong việc ứng dụng định danh điện tử vào việc quản lý Nhà nước. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh công nghệ Blockchain chính là nền tảng chủ đạo của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là “chuỗi mỏ kim cương” mà Việt Nam đang rất cần để phát triển tổng hợp các ngành nghề. Ông Ca chia sẻ những kinh nghiệm và hiểu biết của mình vào việc xây dựng chính phủ điện tử thông qua blockchain với những tiện ích nổi bật như: đăng kí giấy phép kinh doanh hoặc kê khai thuế trong vài phút, bảo mật tuyệt đối thông tin người dân hay tiết kiệm chi phí quản lý nhà nước,...

Hiện nay, hầu hết các chính phủ điện tử đều hướng đến xu thế "người dân là trung tâm" (citizen centric), người dân chỉ cần truy nhập dịch vụ một lần (single sign on) qua một cửa (single window) là có thể tương tác, sử dụng các dịch vụ từ Chính phủ 24/7. Quá trình này sẽ giúp tăng tính minh bạch, giảm chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm giảm tiêu cực... "Với công nghệ Blockchain, dữ liệu được số hóa một cách nhanh chóng, có tính bảo mật cao và an toàn. Chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin theo phương thức hàng ngang mà không cần bên thứ ba quản lý. Mọi thông tin chia sẻ từ người dùng sau khi được định danh điện tử bằng Blockchain được xem như một hồ sơ công khai trên nền tảng kỹ thuật số", ông Ca chia sẻ.

Ông Vũ Trường Ca – Chủ tịch HĐQT Lina Network chia sẻ về việc thành lập Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Để áp dụng và khai thác công nghệ Blockchain, chúng ta cần đáp ứng đủ các ba yếu tố quan trọng. Một là, Nhà nước cần đảm bảo các vấn đề hành lang pháp lý để việc định danh điện tử đạt tính riêng tư và bảo mật cao nhất. Thứ hai, một điều rất quan trọng để áp dụng công nghệ Blockchain hiệu quả chính là việc giới công nghệ kết hợp được với việc phát triển nhân sự tại chỗ, đảm bảo đủ nguồn lực để quản lý và vận hành hệ thống Chính phủ số... Yếu tố cuối cùng và cũng không kém phần then chốt, ông Vũ Trường Ca cho rằng việc xây dựng một hệ thống Chính phủ đồng bộ cần phải có tính thống nhất, nhất quán giữa bốn tầng sinh thái chủ yếu: Chính phủ; các Bộ, ngành; doanh nghiệp và người dân.

Vừa qua Lina Network đã kí kết thành công với Lào về việc xây dựng chính phủ điện tử và viện nghiên cứu blockchain cho nước này. Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Lào – ông Boviengkham Vongdara cũng nhấn mạnh quyết tâm của Lào trong việc tiếp cận blockchain bởi đây là công nghệ mới, ra đời trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 và có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, tới tài chính, ngân hàng cũng như y tế, giáo dục và quản lý nhà nước. Cùng với đó, blockchain sẽ giúp quản lý nhà nước trở nên minh bạch, hiệu quả và nhanh chóng.

Việt Nam là một đất nước có nhiều nét tương đồng với Lào trong bối cảnh, tình hình kinh tế - xã hội trong thời đại công nghiệp 4.0, do đó việc xây dựng Chính phủ điện tử ở nước ta là điều có tiềm năng và không còn là câu chuyện của tương lai xa.

Theo TP