Đến ĐH Stanford tự tin nhờ câu chuyện của chính mình

(CTG) “Sự trưởng thành của các bạn là lãi ròng của chúng tôi”, câu cam kết của những người hướng dẫn (mentor) cùng những chia sẻ chân thành khiến các sinh viên cứ nấn ná không rời hội trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) dù trời đã về khuya.

Các bạn từng là sinh viên được hướng dẫn chia sẻ tại chương trình khởi động Mentoring mùa 5 - Ảnh: TỰ TRUNG

Gần 500 sinh viên đã lập tức đăng ký dự tuyển làm người được hướng dẫn (mentee), hứa hẹn một tháng bận rộn cho việc đọc, chọn hồ sơ và phỏng vấn.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ sau buổi khởi động chương trình UEH Mentoring mùa thứ 5, anh Nguyễn Đức Thắng, một trong những sáng lập viên của chương trình, vẫn còn nguyên vẻ hồ hởi.

Mục đích cuối cùng: một cộng đồng trưởng thành

* Xem ra các anh chị hướng dẫn còn hân hoan hơn cả các em được hướng dẫn nữa.

- Anh Nguyễn Đức Thắng: Hân hoan là tất yếu vì mục đích cuối cùng của chúng tôi là một cộng đồng trưởng thành, gắn kết và phát triển. Hôm nay là người hướng dẫn - người được hướng dẫn, ngày mai sẽ là đồng nghiệp, là đối tác, những gì cho đi ngày hôm nay là khoản đầu tư cho tương lai mà.

Tất cả chúng tôi đều đã có những khoảng thời gian khởi đầu khó khăn, vất vả, va vấp, sai lầm, đập đi làm lại... Qua rồi mới nhận ra thiếu thốn vật chất dễ khắc phục, còn thiếu người hướng dẫn thì dễ đi sai đường, khó mà đạt được điều mình mong muốn, làm được điều mình ước mơ.

Và đó là một trong những nguyên nhân thúc đẩy chúng tôi sáng lập ra UEH Mentoring để giúp các em đi sau rút ngắn, mau chóng vượt qua đoạn đường ấy.

* Và những nguyên nhân còn lại là...?

- Là sự sốt ruột khi đọc những con số: 20.000 cử nhân ra trường thất nghiệp, 71% sinh viên ra trường làm trái nghề, 69% doanh nghiệp nhận xét ứng viên thiếu các kỹ năng làm việc. Nhiều sinh viên rơi vào tình trạng lười biếng, thiếu động lực, mất định hướng, suy nghĩ phi thực tế, lãng phí thời gian...

Là sự ngưỡng mộ khi có cơ hội được đi học tại ĐH Stanford (Mỹ) và chứng kiến sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc rất hiệu quả giữa các cựu sinh viên - sinh viên dưới cái nhãn Stanford trên khắp thế giới.

Quay lại Việt Nam, tham gia và tổ chức những buổi họp lớp, họp khoa, họp trường, giữa bạn bè nhưng tôi lại cảm thấy ngày càng nhạt do tất cả không có một mục đích chung, chỉ ăn uống, chụp ảnh rồi lại về. Tôi nghĩ chỉ có hoạt động cộng đồng mới có thể liên kết mọi người.

Một nguyên nhân riêng tư nữa là bản thân tôi, sau khoảng thời gian dài cố gắng thoát nghèo, tôi mong mỏi những nỗ lực của mình có ý nghĩa hơn và đã may mắn gặp được một người anh lớn chấp nhận làm hướng dẫn của tôi.

Tôi học anh làm kinh doanh, đầu tư, và nhất là những hoạt động từ thiện xã hội vì cộng đồng... Tôi cảm thấy mình thay đổi, sống có ý nghĩa hơn từ đấy. Nhận những cơ hội anh trao cho, tôi có nhiệm vụ phải trao lại cho người khác.

* Đến nay đã qua 4 năm - bốn mùa rồi, những mục đích, mong muốn ấy đã bao nhiêu phần thành hiện thực?

- Lớn mạnh nhiều. Mùa thứ 5 này chúng tôi đã có 152 bạn cam kết tham gia hướng dẫn, tức có thể nhận hơn 300 bạn sinh viên. Những bạn được hướng dẫn từ mùa thứ nhất cũng đã ra trường, phần lớn có việc làm tốt, hợp năng lực, sở thích và vẫn mỗi ngày phát triển bản thân.

Những quyền lợi chúng tôi có thể đưa đến cho các thành viên cũng ngày một tốt hơn, không chỉ là những buổi trao đổi, học hỏi mà còn những chuyến tham quan công ty, doanh nghiệp, cơ hội thực tập chuyên ngành, học bổng tiếng Anh trọn đời sinh viên, cơ hội giao lưu với các doanh nhân trong - ngoài nước, và cả ra nước ngoài tham quan...

Trong các cuộc gặp, tiền cà phê cũng do các bạn hướng dẫn trả, các bạn sinh viên được hướng dẫn chỉ có một nhiệm vụ: nắm lấy những cơ hội học hỏi của mình.

Từ năm 2017, chương trình đã có thêm nhánh của các cựu sinh viên ĐH Bách khoa, năm 2018 có thêm nhánh bên ĐH Hoa Sen... Chúng tôi sẵn sàng rộng mở, dù cả người hướng dẫn lẫn được hướng dẫn đều phải được phỏng vấn trước khi tham gia, điều kiện quan trọng nhất là nhiệt tâm và cầu tiến.

Anh Nguyễn Đức Thắng (giám đốc điều hành Công ty RedSquare - sáng lập viên UEH Mentoring) - Ảnh: TỰ TRUNG

Hãy là chính mình

* Quá trình làm việc với các sinh viên được hướng dẫn, các bạn hướng dẫn đã nhận ra khúc mắc chung nhất của sinh viên hiện nay là gì?

- Các em hay hỏi chúng tôi: "Em học ngành này rồi không biết ra trường có việc làm không? Em thi vào nhưng giờ học rồi thì không chắc rằng đây có phải là sở thích, sở trường của em hay không nữa". Có một thực tế là nhiều em đã chọn ngành do gợi ý từ gia đình, có em thì chọn vì hoàn cảnh, có em lại chọn do ảnh hưởng của một bộ phim...

Đây là những điều cơ bản, nhưng thật sự các bạn sinh viên chưa được chuẩn bị kỹ trong suốt quá trình học tập của mình. Chính tôi ngày xưa cũng vậy.

Sau này khi ra ngoài mới thấy rằng học sinh, sinh viên ở nước ngoài đã được mở rộng trước mắt mình rất nhiều con đường, rất nhiều hướng đi, kèm theo đó là vô vàn cách học, cách rèn luyện, tích lũy để được thành chính con người mà mình mong muốn.

Sinh viên thế hệ hiện giờ có nhiều điều kiện hơn chúng tôi ngày xưa, các em cũng nên biết tự mở rộng lối đi cho mình như vậy.

* Ngay trong buổi mở màn mùa Mentoring thứ 5 vừa rồi, với chủ đề "Không có kinh nghiệm làm sao xin việc làm?", nhiều sinh viên cũng đưa ra lo lắng của mình: Học ở trường làm sao tích lũy kinh nghiệm? Học trong nước làm sao cạnh tranh với các du học sinh từ nước ngoài về?...

- Đó cũng là mối lo của chính tôi khi đăng ký một khóa học ngắn dành cho các lãnh đạo tại ĐH Stanford và may mắn được chọn.

Nhìn danh sách khóa học có tên những doanh nhân lớn khắp thế giới, chỉ duy tên mình lọt thỏm đến từ Việt Nam, chưa đi tôi đã thấy mặc cảm, tự ti tràn ngập. Nhưng anh hướng dẫn cho tôi động viên: câu chuyện của chính em mới là độc đáo, em đến được Stanford mới là đặc biệt hơn họ.

Thế là tôi bước vào khóa học ấy với câu chuyện của mình: xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Nông trường cao su Phú Riềng (Bình Phước), lớn lên trong thời kỳ Việt Nam sau chiến tranh đầy gian khó, vào đại học mới học chữ tiếng Anh đầu tiên... Ấn tượng mà câu chuyện ấy gây ra quả là đặc biệt và hiệu quả tốt không ngờ.

Tôi chia sẻ với các em sinh viên được hướng dẫn câu chuyện của mình để các em thấy bản thân mình có lợi thế để cạnh tranh: khi dự tuyển vào một công việc tại Việt Nam hay khai thác thị trường Việt Nam, sự am hiểu về văn hóa, tập quán, lối sống của các em là một lợi thế. Điểm yếu có thể là ngoại ngữ, vậy thì hãy chăm chỉ rèn luyện ngay hôm nay.

* Với tất cả những bạn hướng dẫn, hẳn nhiên thời gian là

- Khi mình khởi động một việc tốt, những người mình tập hợp được để cùng làm tự nhiên cũng sẽ là những người tốt. Tôi nghĩ rằng các doanh nhân, trong thâm tâm ai cũng mong muốn được làm việc có ích cho cộng đồng. UEH Mentoring là một cơ hội đó.

Nói vô vụ lợi hoàn toàn cũng không phải, vì góp tay xây dựng một cộng đồng tốt hơn, trưởng thành hơn thì chính là làm cho mình, vì mình sống trong cộng đồng đó. Các bạn sinh viên được hướng dẫn sau này có thể sẽ là đồng nghiệp, đối tác của chúng tôi, và cả mối gắn kết giữa các mentor với nhau nữa... cũng đều là những việc rất có ích cho một ngày mai tốt hơn hôm nay.

Mở đường - Kết nối - Chia sẻ

UEH Mentoring bắt đầu từ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2016, tạo ra một môi trường tích cực với phương châm "Mở đường - Kết nối - Chia sẻ", gồm các mentor - người hướng dẫn và các mentee - người được hướng dẫn, với các hoạt động góp phần giúp cung cấp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết đến các bạn sinh viên.

Mùa 2019-2020, UEH Mentoring có 152 mentor và dự kiến sẽ nhận 300 mentee.

 

Chị Đặng Phạm Minh Loan (phó giám đốc điều hành Vina Capital - sáng lập viên UEH Mentoring):

Cả hai cùng cố gắng

Ước tính có tới 20% các em sinh viên được hướng dẫn bỏ cuộc vì không đủ quyết tâm và nỗ lực thay đổi bản thân, cũng có tới 20% mentor bỏ cuộc vì không đủ kiên nhẫn, không đủ thời gian.

Vì vậy, để có kết quả tốt, cả hai cùng phải cố gắng, cùng phải thay đổi để giảm cái tôi của mình, người hướng dẫn kiên nhẫn hơn, các sinh viên chủ động hơn để đạt được mục đích cuối cùng là sự trưởng thành. Một mùa hướng dẫn kết thúc nhưng các mối liên hệ thì vẫn còn và ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn. Chúng tôi rất vui vì điều này.

Ngô Ngọc Băng Châu (sinh viên được hướng dẫn mùa 1, nay là kiểm toán viên của Deloitte VN):

Tôi thật sự thay đổi

Tôi thật sự đã thay đổi khi tham gia chương trình, thành một người năng động hơn, tự tin hơn, tìm được công việc thích hợp với mình và đặt ra được lộ trình chuẩn bị đủ kiến thức, kỹ năng, tác phong để phỏng vấn được vào chỗ làm mơ ước.

Mỗi tháng một lần gặp người hướng dẫn, cần nỗ lực rất nhiều để chứng minh mình có thay đổi, có tiến bộ sau mỗi buổi gặp, chứng minh những chia sẻ của người hướng dẫn thật sự có ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Có áp lực nhưng tôi đã làm được. Nay đã ra trường, đi làm nhưng vẫn mong đến ngày được gặp người hướng dẫn đó. 

Theo TTO