Năm học 2021-2022, con số này là hơn 132.000, so với khoảng 56.000 của mỗi nước ở những vị trí theo sau là Malaysia và Indonesia.
Con số này đáng suy ngẫm, liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khác, như: chảy máu ngoại tệ, chảy máu chất xám, niềm tin với hệ thống giáo dục... Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có một câu hỏi đáng suy ngẫm không kém, đó là: Vì sao có ít du học sinh đến Việt Nam?
Trung bình hàng năm chỉ có từ 4.000 đến trên 6.000 du học sinh mới tới Việt Nam học tập. Số này gồm một nhóm chủ yếu để học tiếng Việt; một nhóm đi theo chính sách đào tạo nhân lực cho hai nước anh em Lào và Campuchia. Còn bỏ tiền, du học tự túc để lấy bằng đại học hay cao đẳng không đáng kể, gần như không có.
Thực trạng đó được chấp nhận như một mặc định.
Khi cán cân thương mại mất cân đối, sự lo ngại sẽ xảy ra, thúc đẩy tìm kiếm giải pháp. Nhưng khi cán cân giáo dục mất cân đối, câu hỏi vì sao lại như vậy, thậm chí cũng không được đặt ra.
Theo tôi, có hai lý do lớn dẫn đến quyết định du học của người Việt.
Đầu tiên là để thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến, mục tiêu lấy tri thức và hội nhập quốc tế. Nhóm này thường chọn tới các nước Anh, Mỹ, Australia, Canada. Một phần nhỏ khác sẽ chọn Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc. Bậc học chủ yếu là Đại học và Sau đại học.
Thứ hai là du học để học nghề và tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Nhóm này thường chọn Nhật Bản, Hàn Quốc. Bậc học chủ yếu là Cao đẳng hoặc Trung cấp nghề. Thực tế đây là một hình thức khác của xuất khẩu lao động, triển khai dưới dạng đào tạo làm việc, và quảng cáo bằng mỹ từ du học.
Như thế, người Việt đi du học gắn với hai mục đích rất cụ thể, là hội nhập quốc tế và kiếm việc làm ở nước ngoài.
Vậy nếu muốn người nước ngoài đến Việt Nam, về đại thể, lý do để họ lựa chọn cũng phải tương tự.
Nếu là lý do đầu tiên thì giáo dục đại học phải đủ tiên tiến và hội nhập quốc tế để sinh viên bỏ tiền ra theo học. Nhưng trong một nền giáo dục mà sự khác nhau giữa "Đại học" và "Trường đại học" còn là chủ đề tranh luận của toàn xã hội, với nhiều nội dung đã "tuyệt chủng" trong chương trình đào tạo của thế giới, thì chưa thể hy vọng sẽ thu hút được sinh viên nước ngoài đến theo học.
Nếu là lý do thứ hai thì cơ hội nghề nghiệp phải rộng mở và thu nhập của người lao động phải hấp dẫn tương tự Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng theo báo cáo của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), lấy số liệu năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam chỉ gần bằng một nửa của Thái Lan và gần một phần mười Singapore; không phải do khả năng làm việc của người Việt kém, mà do sự kém hiệu quả của nền kinh tế so với các nước này.
Vậy khi nào chúng ta có thể thu hút du học sinh đến Việt Nam theo học?
Năm 2000, tôi thuộc nhóm sinh viên Việt Nam đầu tiên du học ở Hàn Quốc. Khi đó thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc là 12 nghìn USD/người, tương ứng 20 nghìn USD/người vào 2024.
Sở dĩ Hàn Quốc khi đó thu hút được du học sinh, dù mới chập chững bước đầu tiên, vì kinh tế Hàn Quốc đã tương đối phát triển, trở thành một nước công nghiệp mới và gia nhập nhóm các nước phát triển. Ngoài ra, Hàn Quốc có các chính sách thu hút sinh viên ngoại quốc, chẳng hạn chương trình học bổng Brain Korea.
Chính sự phát triển về kinh tế, điều kiện tiên quyết thúc đẩy sự phát triển về văn hóa và giáo dục, kết hợp chính sách học bổng hợp lý, đã thuyết phục những sinh viên ngoại quốc như chúng tôi ngày đó.
Như vậy, có thể ước đoán, nếu chỉ xét về mặt kinh tế, khi thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 15-20 nghìn USD/người, Việt Nam sẽ thu hút được du học sinh.
Theo dự báo của một số tổ chức tài chính quốc tế, GDP của Việt Nam năm 2045 có thể đạt mức 2.500 tỷ USD, tương đương 18 nghìn USD/người/năm. Khi đó, Việt Nam có thể thu hút được du học sinh đến theo học.
Từ giờ đến lúc đó, chúng ta có nên chủ động làm gì đó để thúc đẩy thu hút sinh viên ngoại quốc, hay chỉ đơn thuần ngồi chờ đến ngày đến giờ, kinh tế đủ phát triển thì sinh viên nước ngoài sẽ tự đến?
Theo tôi, chúng ta có thể chủ động thúc đẩy việc này, ngay cả khi kinh tế chưa đủ phát triển, để khi điều kiện kinh tế hội đủ, việc thu hút du học sinh sẽ hiệu quả hơn.
Đầu tiên là cải tiến giáo dục đại học sao cho tiệm cận chương trình quốc tế. Đặc biệt là cho phép các cơ sở đủ điều kiện thì đào tạo bằng tiếng Anh. Đây là xu thế tất yếu. Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, năm 2023 cũng đã chuyển hơn 700 môn học sang dạy bằng tiếng Anh.
Việc cải tiến này có thể tiến hành thông qua hợp tác sử dụng chương trình đào tạo với các đại học danh tiếng nước ngoài, hoặc sử dụng khóa học mở đại trà trên các nền tảng giáo dục trực tuyến như là học liệu của chương trình đào tạo. Nhờ đó, các đại học có thể nâng cấp chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận quốc tế trong thời gian ngắn.
Thứ hai là chủ động tham gia các tổ chức kiểm định quốc tế để nâng cao uy tín cho các đại học. Khi đã tham gia cuộc đua toàn cầu thì việc sử dụng cùng một bộ tiêu chuẩn để đánh giá là điều không tránh khỏi.
Thứ ba là các cơ sở giáo dục đại học có điều kiện, hoặc có chiến lược quốc tế hóa, cung cấp một số học bổng mồi. Học bổng không nhất thiết phải cho toàn khóa học, mà có thể ở dạng trao đổi ngắn hạn 1-3 tháng cho sinh viên từ các nước đang phát triển, hoặc các tài trợ về nghiên cứu, hội nghị hội thảo cho học giả nước ngoài. Chi phí cho học bổng, tài trợ này được tính vào chi phí truyền thông, xây dựng thương hiệu trong dài hạn.
Cuối cùng, và có lẽ ít tốn kém nhất, là hợp tác với cơ sở đào tạo nước ngoài để biến các đại học và doanh nghiệp trong nước thành cơ sở thực tập, hoặc điền dã thực tế, cho các cơ sở đại học nước ngoài. Việc này vừa hỗ trợ quảng bá văn hóa, thúc đẩy du lịch, lại từng bước thu hút du học sinh sau này.
Đó là các bước đi bài bản, cần thời gian lâu dài để thực hiện. Vậy có giải pháp nào nữa trong ngắn hạn, thay vì phải chờ khoảng 20 năm như dự đoán?
Rà soát lại, có thể thấy, yếu tố mạnh nhất để thuyết phục sinh viên nước ngoài là học phí thấp. Chi phí giáo dục đại học ở Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Nếu chỉ xét học phí công lập thì mức trần hiện được quy định là 1,2-2,4 triệu/tháng, tức chỉ khoảng 500-1.000 USD/năm - thấp hơn hàng chục lần so với chi phí đào tạo đại học ở các nước phát triển. Học phí một số trường tư thục cũng thấp hơn nước ngoài 5-10 lần.
Điều này có nghĩa, để thu hút du học sinh, phải tích cực quảng bá yếu tố cạnh tranh có tính quyết định này đến du học sinh nước ngoài và coi đó là mũi nhọn để thu hút du học sinh.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, chi phí trong giáo dục không chỉ đơn thuần là học phí, mà còn là thời gian, tuổi trẻ của người học, nên nếu chương trình giáo dục không tiệm cận chương trình giáo dục quốc tế, không được giảng dạy bằng tiếng Anh, thì học phí có thấp đến bao nhiêu đi chăng nữa, vẫn không có người đến học.
Do đó, để khắc phục sự mất cân đối trong cán cân giáo dục, không có cách nào khác là tập trung phát triển kinh tế để Việt Nam trở thành nước phát triển, đồng thời cải cách chương trình đào tạo và tiêu chuẩn vận hành đại học sao cho tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Nếu không, không chỉ không thu hút được du học sinh, mà hiện tượng đổ xô đi du học, đến mức nhiều người gọi là "tị nạn giáo dục", sẽ còn tiếp diễn.
Theo Vnexpress |