Đi chơi ngày lễ, về sớm kẻo tắc đường

(CTG) Tết Dương lịch năm nay trùng với 2 ngày nghỉ cuối tuần, nên lượng khách từ TP.HCM đi các tỉnh khá lớn. Các đơn vị vận tải hành khách đã có kế hoạch tăng thêm phương tiện để đáp ứng nhu cầu người dân. Trong khi đó, mỗi cá nhân cũng nên kế hoạch riêng trong kỳ nghỉ để tránh kẹt xe trên đường đi và về.

Doanh nghiệp vận tải tăng chuyến


Kinh nghiệm của nhiều người trong việc nghỉ lễ là đi sớm về sớm để tránh kẹt xe. 

Trong các đơn vị vận tải, ngành Đường sắt có kế hoạch tăng cường phương tiện khá sớm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ đầu năm. Từ tháng 10/2010, ga Sài Gòn đã tung ra chương trình “giảm 90% giá vé tàu cho khách hàng khi đặt mua vé qua website www.vetau.com.vn” với các chuyến tàu từ TPHCM đến Huế và ngược lại trong thời gian đi từ 5/11 đến 31/12.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khoảng cách ngắn, ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng ga Sài Gòn cho biết, trong ngày 31/12 sẽ cho chạy thêm tàu SN4/3, xuất phát lúc 21h15, tới Nha Trang vào 8h19 hôm sau. Một số doanh nghiệp vận tải uy tín cũng đã có kế hoạch tăng phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Lương Tấn Đạt, phụ trách điều hành tuyến TP.HCM - Cần Thơ của Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Phương Trang cho biết, vì ngày nghỉ Tết Dương lịch trùng với 2 ngày nghỉ cuối tuần nên lượng khách đi tuyến này khá đông. Ngoài khách du lịch thì người lao động tại TP.HCM cũng tranh thủ về thăm quê, bình thường tuyến TP.HCM - Cần Thơ chỉ có 50 xe nhưng những ngày cao điểm Tết Dương lịch năm nay sẽ tăng lên 65 xe/ngày.

Trong khi đó, tại khu vực nội thành, ông Văn Công Điểm - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng cũng cho biết, từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 03/01/2011, sẽ tăng chuyến trên 31 tuyến xe buýt, với tổng số chuyến tăng là trên 1.600 xe. “Với lượng xe tăng cường, chúng tôi sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu đi lại của người dân trước và sau những ngày nghỉ Tết Dương lịch”, ông Điểm nói.

Nỗi lo ùn tắc ngày về thành phố

Để phục vụ cho các hoạt động lễ hội diễn ra trong dịp Tết Dương lịch tại khu vực trung tâm, TP.HCM đã có kế hoạch phân luồng giao thông để phục vụ chương trình đón chào năm mới 2011. Theo đó, các phương tiện bị cấm lưu thông trên đường Nguyễn Huệ từ 18h ngày 31/12/2010 đến 00h30 ngày 01/01/2011.

Một số tuyến đường khác như đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Pastuer, Tôn Thất Thiệp, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế... cũng bị cấm lưu thông từ 20h ngày 31/12/2010 đến 00h 30 ngày 01/12/2011. Người dân cũng được khuyến cáo nên hạn chế đi các phương tiện cá nhân vào khu vực trung tâm để tránh kẹt xe.

Ông Huỳnh Hải Oanh, Phó Giám đốc Bến xe miền Tây cho biết hiện tại mỗi ngày bến xe phục vụ nhu cầu đi lại của hơn 18 ngàn hành khách. So với ngày bình thường thì lượng khách trong mấy ngày nghỉ lễ sẽ tăng lên. Bến đã chủ động kế hoạch từ trước, phân công các ca trực cụ thể, đảm bảo trật tự an ninh trong bến. Và giá vé phục vụ trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch năm nay không tăng so với bình thường.

Trong khi đó, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông cũng cho biết, đã có kế hoạch trực và đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bến xe. Bến xe sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông để tiến hành kiểm tra hoạt động xe dù trước khu vực bến. Điều mà nhiều người cần lưu ý là tình trạng kẹt xe sau những ngày nghỉ để quay trở lại TP.HCM. Như vào các dịp lễ 30/4, 2/9... nhiều người sau khi nghỉ lễ từ các tỉnh trở về TP đều bị tắc tại các cửa ngõ hoặc tại các bến xe hàng giờ đồng hồ.

Từ đầu năm đến nay, trên tuyến xa lộ Hà Nội nằm trên cửa ngõ phía Đông, TP.HCM đã đưa vào sử dụng cầu vượt tại ngã ba Cát Lái và mới đây là hai nhánh của cầu Rạch Chiếc. Tuyến xa lộ Hà Nội cũng đã được mở rộng hơn so với trước.

Tuy nhiên, tình trạng kẹt xe tại khu vực của ngõ phía Đông này vẫn chưa mấy khả quan. Vào các giờ cao điểm vẫn xảy ra ùn tắc tại khu vực ngã tư Thủ Đức, trước khu du lịch Suối Tiên... Kinh nghiệm của rất nhiều người là cần có kế hoạch riêng cho mình để đi nghỉ lễ và trở về TP vào những thời điểm thích hợp.

Theo GTVT