Định kiến "thế hệ bông tuyết" về Gen Z: Dễ nản hay can đảm rời bỏ môi trường độc hại?

CTG - Gen Z ngày nay thường bị mặc định là thế hệ lo âu và dễ thất bại. Tuy nhiên, không ít người trẻ cho rằng đó chỉ là ý kiến một chiều và khẳng định họ vẫn đủ sức mạnh để đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.

Năm 2023, Harmony Healthcare IT đã thực hiện một cuộc khảo sát với 997 bạn trẻ Gen Z. Kết quả, 43% người tham gia cho biết họ đối diện với cơn hoảng loạn tâm lý hằng tháng và cứ 3 người thì sẽ có 1 người phải dùng đến thuốc điều trị.

Với những báo cáo cho thấy Gen Z gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần, xã hội đã gán cho Gen Z cái tên "thế hệ bông tuyết". Từ điển Cambridge giải nghĩa đây là cụm từ chỉ thế hệ những người trẻ dễ bất ổn về mặt cảm xúc và nản chí khi gặp những thách thức trong đời.

Định kiến "thế hệ bông tuyết" về Gen Z: Dễ nản hay can đảm rời bỏ môi trường độc hại? ảnh 1

Gen Z ngày nay thường bị mặc định là thế hệ lo âu và dễ thất bại - Ảnh: Freepik.

Tuy nhiên, theo Phạm Thiên Trang (22 tuổi, sống tại TP.HCM), việc kết luận Gen Z là thế hệ mong manh dễ vỡ cần được xem xét lại trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là môi trường người đó sinh sống. Thiên Trang nêu ví dụ, trong công ty, nếu bạn gặp phải sếp hay đồng nghiệp độc hại thì cũng khó có thể chịu đựng lâu dài dù có mức lương ổn.

"Khi còn ở năm cuối Đại học, mình từng khóc mỗi sáng thức dậy vì deadline chuyên ngành chồng chất và còn sát giai đoạn đi thực tập. Nhưng mình luôn tự nhủ mọi chuyện sẽ qua nên đã cố gắng rất nhiều và hiện tại mình đã có thể bình ổn trước những khó khăn".

Định kiến "thế hệ bông tuyết" về Gen Z: Dễ nản hay can đảm rời bỏ môi trường độc hại? ảnh 2

Phạm Thiên Trang cho biết việc người trẻ dám bộc lộ sự yếu đuối lại là một biểu hiện của lòng can đảm - Ảnh: FBNV.

Thiên Trang cũng cho biết việc người trẻ bộc lộ sự yếu đuối lại là một biểu hiện của lòng can đảm. Quan trọng là sau mỗi lần như thế, họ lại biết cách vực dậy bản thân và tìm cách xử lý mọi chuyện.

Đặng Hương Giang (26 tuổi, sống tại Hà Nội) cho hay thế hệ nào cũng sẽ có người này người kia và Gen Z thật ra lại chịu áp lực rất tốt theo cách riêng của họ.

"Theo mình, Gen Z ngày nay dám lên tiếng để cải thiện môi trường làm việc chứ không im lặng chịu đựng. Hoặc họ sẵn sàng rời bỏ một môi trường độc hại và thành lập các cộng đồng trên mạng xã hội để cảnh báo những người khác tránh xa môi trường đó. Đồng thời, nhiều nhà sáng tạo nội dung cũng biến áp lực nơi công sở thành các nội dung hài hước cho những video mà họ làm ra".

Hương Giang cũng khẳng định đôi lúc bản thân áp lực vì gặp không ít trở ngại trong công việc. Tuy nhiên, Giang xem đó là thử thách mình cần phải chinh phục để trưởng thành hơn mỗi ngày.

Định kiến "thế hệ bông tuyết" về Gen Z: Dễ nản hay can đảm rời bỏ môi trường độc hại? ảnh 3

Hương Giang xem áp lực là thứ giúp bản thân trưởng thành hơn mỗi ngày - Ảnh: FBNV.

Với Đặng Nguyễn Tuyết Nhi (23 tuổi, sống tại TP.HCM), thay vì chê trách Gen Z, xã hội hãy có cái nhìn cởi mở hơn về thế hệ trẻ khi họ phải đối diện với quá nhiều kỳ vọng về học vấn, việc làm cùng với sự cạnh tranh của AI. Về phần bản thân, Nhi thừa nhận từng cảm thấy vô định về tương lai. Song nhờ sự mạnh mẽ, kiên nhẫn, Nhi giờ đây đã trở nên tích cực hơn bao giờ hết.

 

"Hiện tại, bên cạnh thời gian ở văn phòng 8 tiếng, mình còn kiêm luôn cả việc làm gia sư tiếng Anh. Tuy quay cuồng trong khối lượng công việc chồng chất nhưng mình vẫn sắp xếp học piano 5 buổi/ tuần. Đúng là mình khá áp lực nhưng về lâu về dài mình đã quen dần với nhịp độ đó. Trong trường hợp mất động lực làm việc, mình sẽ rủ bạn bè đi chơi để tìm lại niềm vui sống".

Định kiến "thế hệ bông tuyết" về Gen Z: Dễ nản hay can đảm rời bỏ môi trường độc hại? ảnh 4

Tuyết Nhi mong xã hội hãy có cái nhìn cởi mở hơn về thế hệ trẻ khi ngày nay họ phải đối diện với quá nhiều kỳ vọng - Ảnh: FBNV.

Chia sẻ về quan điểm gọi Gen Z là "thế hệ bông tuyết", ThS. Nguyễn Thị Anh Thư, Giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho hay, đây chỉ là cái nhìn chủ quan: "Gen Z ngày nay không ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài để giải quyết các vấn đề về tâm lý. Đây có lẽ là lý do khiến xã hội cảm thấy họ có phần yếu đuối. Thực chất, điều này cho thấy họ đã thẳng thắn đối diện với cảm xúc của mình".

Theo ThS Anh Thư, dù tồn tại nhiều thách thức và khó khăn trong việc thích nghi với các yêu cầu không ngừng thay đổi của xã hội, người trẻ vẫn sẽ có nhiều chiến lược khác nhau để ứng phó với căng thẳng.

Theo TPO