Đoàn đã góp phần hiệu quả vào chuyển đổi số quốc gia: 'Phủ sóng 4.0'

(CTG) Ở khắp các địa bàn TP.Hà Nội, từ đường phố đến chợ dân sinh, người dân dễ dàng được tiếp cận và sử dụng công nghệ do đoàn viên, thanh niên triển khai chuyển đổi số...

Tuyến phố 4.0

Thời gian gần đây, tuyến phố Việt Hưng (Q.Long Biên, Hà Nội) trở thành "Tuyến phố 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt". Các hộ kinh doanh trên tuyến đường này được tư vấn chuyển đổi số, cập nhật mã QR vừa giúp việc thanh toán trở nên nhanh chóng, hiện đại, vừa thuận tiện cho việc tra cứu thông tin của doanh nghiệp.

Đoàn đã góp phần hiệu quả vào chuyển đổi số quốc gia: 'Phủ sóng 4.0'- Ảnh 1.
 

Một tuyến phố 4.0 ở Hà Nội được đoàn viên, thanh niên xây dựng khánh thành trong Tháng Thanh niên 2024

CTV 

 

Đây là một tuyến phố kiểu mẫu do Đoàn thanh niên phường đã đăng ký với UBND P.Việt Hưng để thực hiện, nhằm giúp người dân chuyển đổi số. Trên tuyến phố này, khi các đơn vị chức năng vào kiểm tra, chỉ cần quét mã QR là ra toàn bộ thông tin về cửa hàng, giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và các bản ký cam kết. Điều này rất thuận tiện trong công tác quản lý và kiểm tra.

Trước đó, các đoàn viên đã thu thập thông tin của tiểu thương trên tuyến phố, bao gồm số tài khoản ngân hàng, giấy phép kinh doanh để phục vụ cấp mã QR. Sau đó, các bạn trẻ sẽ đến và hỗ trợ chủ cửa hàng dán mã, cũng như tận tình hướng dẫn thao tác cơ bản trong thanh toán điện tử. Đến nay, Đoàn thanh niên P.Việt Hưng đã khởi tạo miễn phí 150 mã QR cho các tiểu thương kinh doanh tại tuyến đường và sẽ mở rộng thêm tại địa điểm khác trong thời gian tới.

Từ khi tuyến phố này được chuyển đổi số, việc kinh doanh của tiểu thương và mua bán của khách hàng trở nên dễ dàng hơn. Chị Trương Thu Hiền, chủ quán bia phố Việt Hưng (Q.Long Biên), phấn khởi: "Các bạn thanh niên đến hỗ trợ dán mã QR đã giúp cửa hàng tiện lợi hơn trong thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, khi quét mã, khách hàng cũng sẽ cập nhật được thông tin về quán với địa chỉ rõ ràng".

Chị Vũ Lan Anh, một khách hàng, cho biết: "Khi các cửa hàng ở đây có mã QR, mình thấy rất tiện lợi. Nếu mình không mang ví hoặc không có tiền mặt thì có thể thanh toán QR đơn giản, thuận tiện. Mình cũng có thể xem được thông tin cửa hàng, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm để yên tâm hơn khi mua hàng".

Không chỉ trên các tuyến phố, thanh niên còn đến các chợ truyền thống hướng dẫn người dân sử dụng mã QR để thanh toán qua mô hình "Chợ truyền thống - thanh toán hiện đại". Việc hỗ trợ các tiểu thương tiếp cận hình thức thanh toán mã QR là nỗ lực của tuổi trẻ thủ đô nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác chuyển đổi số. Việc này cũng cho thấy vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong tiến trình hội nhập cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từng bước xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Mã hóa những công trình lịch sử

Trong Tháng Thanh niên, các bạn trẻ thủ đô đã thực hiện nhiều công trình chuyển đổi số rất sáng tạo và ý nghĩa. Quận đoàn Bắc Từ Liêm triển khai thực hiện mã hóa thông tin 10 tuyến phố mang tên danh nhân trên địa bàn, bao gồm: phố Lưu Cơ, phố Văn Tiến Dũng, phố Phạm Văn Đồng, phố Đặng Thùy Trâm, phố Đoàn Công Chất, phố Hoàng Minh Thảo, phố Hoàng Tăng Bí, phố Đỗ Nhuận, phố Chế Lan Viên, phố Nguyễn Xuân Khoát. Ngay dưới biển tên tuyến phố là một biển phụ với thông tin kèm mã QR.

Đoàn đã góp phần hiệu quả vào chuyển đổi số quốc gia: 'Phủ sóng 4.0'- Ảnh 2.

Đoàn viên, thanh niên đến chợ dân sinh hỗ trợ người dân dùng QR code để thanh toán

NGUYỆT ÁNH

Trải nghiệm quét mã QR tuyến phố Lưu Cơ, ông Trịnh Văn Huy (63 tuổi, P.Xuân Tảo, Q.Bắc Từ Liêm) đánh giá đây là cách làm rất hay của thanh niên thời đại mới, phù hợp xu hướng hiện nay.

"Tôi chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là biết được thông tin về tuyến phố, về những danh nhân được ghi danh. Đây là cách làm rất hay giúp người dân có thêm kiến thức, hiểu biết về nơi mình sinh sống", ông Huy nói.

Đây chỉ là một trong hàng trăm công trình đã được tuổi trẻ thủ đô thực hiện trong Tháng Thanh niên. Theo Thành đoàn Hà Nội, tuổi trẻ thủ đô đã tăng cường xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ. Riêng trong tuần 4 của Tháng Thanh niên, tổng số công trình được số hóa là 104, với trị giá kinh phí 515 triệu đồng.

 Livestream bán sản phẩm OCOP

Một trong những mô hình nổi bật của tuổi trẻ thủ đô trong công tác chuyển đổi số năm nay là tích cực giúp người dân livestream bán sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP.Hà Nội, cho biết mô hình Chợ phiên điện tử livestream bán OCOP được triển khai với mong muốn phát huy vai trò tiên phong xung kích của thanh niên ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế. Đoàn viên, thanh niên sẽ thực hiện các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng số và giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân và nhiều lượt theo dõi trực tuyến.

"Thông qua các phiên livestream sẽ giúp tăng sản lượng, doanh số bán hàng của các sản phẩm OCOP, đồng thời giúp người sản xuất tiếp cận, thấy được hiệu quả của kênh phân phối mới, để từ đó áp dụng vào quá trình marketing, tiêu thụ sản phẩm của mình", anh Tiến nhìn nhận.

Với đặc thù có nhiều làng nghề truyền thống, đoàn viên, thanh niên các xã của H.Phú Xuyên đã chủ động bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương qua các mạng xã hội Facebook, TikTok. Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó bí thư Huyện đoàn Phú Xuyên, chia sẻ: "Thực hiện kế hoạch của Thành đoàn và để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chúng tôi tổ chức hai lớp hướng dẫn kỹ năng bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội; giúp đoàn viên, thanh niên xây dựng kênh, video..., đồng thời hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm". Theo đó, Huyện đoàn Phú Xuyên đã livestream bán 5 sản phẩm của địa phương và đã thành công "ngoài sức tưởng tượng".

"Buổi livestream bán những mặt hàng đặc trưng từ các làng nghề truyền thống của địa phương như: kẹo lạc, túi da, đồ thủ công mỹ nghệ… Chương trình đã nhận được 13.000 lượt theo dõi, hơn 2.000 lượt bình luận và bán được hàng trăm sản phẩm", chị Mai thông tin và nhấn mạnh, đây là một hoạt động rất có ý nghĩa của tổ chức Đoàn vì không chỉ làm phong trào, mà cán bộ Đoàn còn trực tiếp giúp người dân làm kinh tế. 

Theo TN