Mô hình tăng trưởng của Việt Nam được cho là dựa trên bốn yếu tố cơ bản, bao gồm khai thác tài nguyên, thâm dụng vốn, lao động chất lượng thấp và dựa trên khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Cho dù đã đạt được những "kỳ tích" về phát triển trong hai thập kỷ vừa qua, mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa theo chiều rộng của nền kinh tế Việt Nam dường như đã chạm tới những ngưỡng tới hạn và khó có thể phát huy hiệu quả trong tương lai. Áp lực huy động vốn đầu tư ở mức quá cao đã làm cho các cân đối lớn của nền kinh tế trở nên mong manh. Kinh tế vĩ mô thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng. Vay nợ nước ngoài ngày càng lớn.
Đã đến lúc cần phải tái cấu trúc lại cơ cấu kinh tế để theo kịp bước tiến của kinh tế khu vực và thế giới trong bối cảnh các nền kinh tế khác đang có sự điều chỉnh sau đợt khủng hoảng vừa qua.
Và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn V1000, sẽ chính là đội quân chủ lực trực tiếp thúc đẩy những hoạt động tái cơ cấu của nền kinh tế.
Dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay, song thống kê cho thấy các doanh nghiệp V1000 trong 3 năm qua đã đóng góp trên 90% tổng số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn quốc.
Thậm chí, ở nhiều địa phương, nguồn thu ngân sách từ các "ông lớn" V1000 chiếm tỷ lệ chi phối trong tổng thu ngân sách địa phương, và do vậy là đòn bẩy kích thích tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống xã hội tại địa phương đó.
Do vậy, việc xem xét cơ cấu các doanh nghiệp V1000 rất có ý nghĩa trong việc nhận dạng cấu trúc và sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp V1000 là một "mẫu" đủ lớn và có tính đại diện cao cho nền kinh tế.
Cơ cấu ngành của DN V1000: chặng đường công nghiệp hóa còn xa
Nhìn chung cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Công nghiệp và xây dựng đã trở thành đầu tàu của tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 24,53% GDP năm 2000 xuống còn 22,1% năm 2008; tỷ trọng công nghiệp tăng từ 36,73% GDP lên 39,73% GDP, còn tỷ trọng dịch vụ đã giảm nhẹ từ 38,74% xuống 38,17% GDP trong cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, khi xét tới cơ cấu ngành của các doanh nghiệp V1000 - những doanh nghiệp thu được nhiều lợi nhuận và có hiệu quả cao nhất của nền kinh tế - thì bức tranh cơ cấu ngành lại có chiều hướng chưa thuận lợi.
Trong Bảng Xếp hạng V1000, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và chế tạo vẫn chưa thể hiện được vai trò xứng đáng trong trong nền kinh tế, với khả năng tạo lợi nhuận của nhóm ngành này còn khá hạn chế. Khu vực sản xuất chỉ có nhóm ngành "Sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, phương tiện vận tải" khiêm tốn chiếm vị trí thứ 9 trong Top 10 ngành đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất trong Bảng Xếp hạng V1000.
Các nhóm ngành đạt lợi nhuận cao trong V1000 chủ yếu là các ngành độc quyền nhà nước, khai thác tài nguyên, bất động sản và dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Thực trạng này cho thấy quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam dường như vẫn còn đứng trước một chặng đường dài để vượt qua, và các doanh nghiệp chế tạo Việt Nam cần nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh quốc tế, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn để trở thành nòng cốt cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
.jpg) Các DN trong TOP 500 DN lớn nhất Việt Nam tại hội thảo về nhân sự diễn ra ở Hà Nội (ảnh VNR500) |
Cơ cấu địa bàn kinh tế tiếp tục tập trung hóa quá mức
Hơn 2/3 sản lượng công nghiệp vẫn tập trung ở khu vực Hà Nội - Hải Phòng và vùng Đông Nam Bộ. Hai khu vực này cũng là nơi tập trung phần lớn các hoạt động kinh doanh của doanh nghiêp, và mức độ tập trung này đang có xu hướng tăng lên. Đầu tư dàn trải, phân tán của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong các dự án đóng tàu, sắt thép, cảng biển...v.v. đã không thay đổi được xu hướng tập trung sản xuất công nghiệp và dịch vụ tại hai vùng "kinh tế trọng điểm".
Số liệu thống kê cho thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp lọt vào Bảng xếp hạng V1000 của TP.HCM lớn hơn 1,5 lần số DN của Hà Nội, nhưng số thuế thu nhập doanh nghiệp đóng góp của tổng các DN trong Bảng xếp hạng V1000 của Hà Nội lại lớn hơn một cách tương đối so với các DN của TP.HCM.
Trong tổng số hơn 84 nghìn tỷ của 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất giai đoạn 2007-2009, các DN ở Hà Nội đóng góp tới 42,8%, trong khi các DN ở TP.HCM đóng góp 34,15% trong tổng số này.
Trong khi đó, tại các tỉnh/thành phố khác, số lượng các doanh nghiệp lọt vào Bảng Xếp hạng V1000 là không đáng kể, ngoại trừ Đồng Nai và Bình Dương, các tỉnh thành khác có số DN đều trên dưới 20 và lượng đóng thuế thu nhập DN chỉ chiếm không đến 10% tổng số thuế của 1.000 doanh nghiệp.
Cơ cấu sở hữu: doanh nghiệp tư nhân chưa đủ mạnh
Trong những năm qua, tất cả các thành phần kinh tế đều tăng trưởng, mở rộng quy mô trên tất cả các mặt. Cơ cấu thành phần kinh tế đã chuyển biến theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường. Về giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng khu vực nhà nước đã giảm một cách nhanh chóng, từ hơn 34% năm 2000 xuống còn hơn 20% năm 2008; tỷ trọng khu vực ngoài nhà nước tăng từ 24,5% lên khoảng hơn 35% và của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhẹ từ 41,3% lên gần 45% trong cùng thời kỳ.
Cơ cấu doanh nghiệp V1000 cũng cho thấy xu hướng tương tự. Số lượng các doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu điển hình là doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sở hữu tư nhân có số lượng không chênh lệch lớn, gần với tỷ lệ 1:1:1. Như vậy, cũng có thể nói rằng khối doanh nghiệp tư nhân đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng kinh doanh để vươn tới vị trí quan trọng hơn trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân trong V1000 tuy đông về số lượng, nhưng chưa đủ mạnh. Các doanh nghiệp tư nhân V1000 chỉ đóng được khoảng 17.000 tỷ đồng thuế thu nhập trong giai đoạn 2007-2009, chưa bằng 50% số thuế thu nhập các doanh nghiệp nhà nước trong cùng thời kỳ (đạt khoảng 46 nghìn tỷ đồng).
Các doanh nghiệp nhà nước lớn, chủ yếu là các Tập đoàn và Tổng công ty nhà nước, vẫn là những doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam, chiếm đại đa số Top 10 doanh nghiệp đứng đầu Bảng xếp hạng V1000. Và riêng Top10 doanh nghiệp này đã đóng tới 25.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, cao hơn toàn bộ khối doanh nghiệp tư nhân trong V1000.
Tóm lại, trong giai đoạn tới, kinh tế Việt Nam không thể chỉ phát triển theo chiều rộng, mà cần phải tạo ra năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh mới cao hơn, thoát khỏi và tách rời hẳn lợi thế cạnh tranh hiện tại của nền kinh tế.
Muốn chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thay đổi phương thức phát triển, không thể không nhắc tới vai trò của khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp V1000 - những doanh nghiệp quan trọng và có lợi nhuận cao nhất trong nền kinh tế Việt Nam - sẽ phải gánh vác vai trò chiến lược trong quá trình chuyển đổi này.