Doanh nhân trẻ Tống Quốc Trường: Trẻ thì phải dám làm

(CTG) Đi làm 7 năm thì có đến 8 lần Tống Quốc Trường được điều chuyển qua các vị trí quản lý khác nhau. Nhưng ở bất kỳ cương vị nào, anh cũng cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mỗi đợt luân chuyển, anh chỉ cần có “5 phút” để bàn giao công việc. Lần chuyển công việc thứ 9, ở tuổi 35, Tống Quốc Trường đã vững vàng trên cương vị Tổng giám đốc Tổng công ty (TCT) Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) một định chế tài chính lớn của đất nước.

 Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (trái) trao giấy chấp thuận việc niêm yết của PVFC cho ông Tống Quốc Trường

PV: Nhiều người còn băn khoăn về xu hướng đầu tư  ra ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Với kinh nghiệm cá nhân, anh đánh giá vấn đề này như thế nào?

Anh Tống Quốc Trường: Vì PVFC là một định chế tài chính chuyên đi đầu tư các dự án nên  xác định ngay từ đầu và kiên định đi theo con đường mà mình đã chọn. Chúng tôi sẽ chỉ lựa chọn những lĩnh vực đầu tư đánh giá được khả năng quản trị và đầu tư hiệu quả. Ngay từ ngày đầu thành lập PVFC đã xác định chỉ đầu tư 5 lĩnh vực, đó là: Những dự án liên quan đến dầu khí, ngành công nghiệp phụ trợ, như cung cấp các sản phẩm dịch vụ khai thác, chế biến dầu khí; thêm nữa là các lĩnh vực khách sạn, resort (khu nghỉ dưỡng cao cấp), sản xuất điện (an ninh năng lượng), các lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang được Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ khuyến khích. Ngoài ra, PVFC không đầu tư dàn trải vào các dự án mà PVFC không thể quản lí được, bởi sức lực có hạn và làm kinh doanh thì phải đạt hiệu quả một cách cao nhất.

Từ một công ty 100% vốn nhà nước, PVFC đã thay đổi toàn diện trong việc điều hành hoạt động. Ngay sau khi điều lệ hoạt động của DN được điều chỉnh, hệ thống nhân sự đã thay đổi tương ứng trên nguyên tắc giao trách nhiệm tới từng thành viên; cơ chế lương thưởng được thực hiện theo kết quả công việc và vị trí đảm nhận nhằm tôn vinh những cán bộ xuất sắc. Từ đầu năm đến nay, PVFC đã buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với nhiều trường hợp không đáp ứng được nhu cầu công việc trong điều kiện phát triển mới của PVFC. Sức ép trong công việc và sự cạnh tranh tương đối trong đội ngũ cán bộ công nhân viên đã tạo nên yếu tố chuyên nghiệp, yếu tố cần phải có của một công ty quy mô lớn, một công ty đại chúng.

PV: Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ là rất quan trọng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, trong cơ chế hiện nay, nhiều cán bộ  trẻ ngồi vào ghế quản lí đã trở nên gìn giữ, e dè, “nhìn xuống, trông lên”, mất đi chất trẻ vốn là ưu điểm của họ. Anh  nghĩ gì về nhận xét này?
Anh Tống Quốc Trường:
Tôi không nghĩ như vậy, vì trong quá trình làm việc phải có va chạm nọ va chạm kia mỗi người có cách xử lí khác nhau. Là lãnh đạo trẻ thì mình phải trao đổi thẳng thắn. Mỗi khi họp giao ban, người lãnh đạo phải tập trung vào những mục tiêu chủ yếu như: tập trung đẩy mạnh doanh thu, đề cao sức trẻ, sự hăng say và lăn lộn với công việc, dám quyết dám làm. Tuy nhiên, có một khó khăn là đối tác nhìn nhận đánh giá sự tin tưởng với sức trẻ là hạn chế, xét nét hơn, áp lực lớn hơn, buộc mình phải chứng minh bằng hiệu quả công việc. Cũng là một nguời có tuổi đời khá trẻ nên quan điểm của tôi là phải cố gắng làm hết trách nhiệm của mình.

PV: Vậy làm như thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trẻ cho công ty để đối phó với khó khăn?

Anh Tống Quốc Trường:
Quyết định năm nay của PVFC là cải cách thủ tục hành chính, lược bớt công việc không cần thiết như: các loại báo cáo mang tính chung chung mà chỉ nên đi sâu vào phân tích số liệu. Tăng việc phân cấp phân quyền, giám đốc giỏi thì được phân cấp, phân quyền nhiều hơn. Việc đánh giá trả lương, trả thưởng là rất quan trọng. Quan điểm của PVFC là cố gắng lượng hoá các chỉ tiêu giao kế hoạch, tổ chức trả lương trả thưởng hợp lí. Hàng quý, sẽ xét để thưởng cho những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. PVFC dành 60% quỹ lương 12 tháng còn 40% là thưởng. Bên cạnh đó, PVFC cũng phát động phong trào thi đua để mọi người tự giác làm việc để lựa chọn tôn vinh điển hình tiên tiến về lĩnh vực sản xuất kinh doanh của TCT. Mỗi tháng chọn 1 đến 2 người để tặng giấy khen của TGĐ, các phương tiện truyền thông của công ty quảng  bá..., từ đó khuyến khích sự nhiệt tình cũng như ý chí tiến thủ của các anh em trong Công ty. 

PV: Nói về đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, hình như PVFC đang hướng đến việc đưa ra nước ngoài đào tạo. Liệu đây có phải là tầm nhìn mang tính chiến lược?

Anh Tống Quốc Trường: PVFC là một Tổng công ty kinh doanh về lĩnh vực tài chính, do đó việc kiểm soát tín dụng rất quan trọng. Chúng tôi đã xác định đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực này mang tầm khu vực để giải quyết vấn đề dài hạn. Hiện nay, PVFC đã phối hợp với đối tác Morgan Stanley là một ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Hoa Kỳ. Đây là một trong những thể chế tài chính lớn nhất của thế giới, phục vụ những nhóm đối tượng là chính phủ, tổ chức tài chính khác và cá nhân. Theo đó, hàng năm PVFC sẽ cử đi đào tạo từ 5 đến 10 chuyên gia tại đây, hiện tại đã xong bước tuyển chọn về tiếng Anh, IQ, nghiệp vụ, trong đầu quý 2 sẽ cử các bạn trẻ đi học tập. 

Anh Tống Quốc Trường (đứng giữa) nhận giải Sao đỏ năm 2008

PV: Là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, vậy anh quan niệm như thế nào về vai trò của doanh nhân trẻ trong thời kỳ khủng hoảng này và doanh nhân trẻ cần có những phẩm chất gì để vượt khó?

Anh Tống Quốc Trường: Theo số liệu thống kê thì chúng ta đã có 7.000 doanh nhân trẻ, quy tụ chủ yếu là các doanh nhân ngoài quốc doanh (gần đây đã có  thêm các doanh nhân nhà nước). Về cơ bản đội ngũ doanh nhân trẻ qua tổng kết Đại hội trong năm 2008 doanh thu là 20 tỷ đô la Mỹ - một điều đáng tự hào. Tôi nghĩ, thế mạnh lớn nhất của doanh nhân trẻ là sự táo bạo, chủ động mở rộng các mối quan hệ và được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, các doanh nhân trẻ xuất thân từ nhiều nguồn khác nhau. Hội Doanh nhân trẻ hiện có nhiều chương trình để hỗ trợ các doanh nhân trẻ như tổ chức đào tạo một số doanh nhân trẻ chưa có kiến thức nhất định về mặt bằng quản lí. Họ tới đây để có điều kiện học tập, trau dồi thêm kiến thức, hai nữa cũng để tôn vinh họ. Hội cũng tổ chức giải thưởng Sao đỏ và bằng khen để truyền lửa cho các thế hệ trẻ để sau này tham gia vào các sự nghiệp doanh nhân, vận động hành lang để có chính sách đề nghị với Trung Ương đoàn, Chính Phủ  có những cơ chế hỗ trợ. Các doanh nhân trẻ phải xác định đối mặt với khó khăn, thử thách chủ động có biện pháp tự cứu mình trong khủng hoảng hiện nay, hỗ trợ và sử dụng sản phẩm dịch vụ cho nhau. Đó chính là tinh thần của khẩu hiệu: “đoàn kết, đổi mới, khát vọng, đột phá.”

PV: Năm 2009 là một năm đầy thử thách với các DN. Là một định chế tài chính lớn, nằm trong tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu là Petro VN, với PVFC hiện nay, đâu là khó khăn và thuận lợi lớn nhất?

Anh Tống Quốc Trường:
Ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế trong thời gian qua, đã có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Là một tổ chức kinh doanh về tài chính hơn ai hết PVFC đã cảm nhận rõ rệt được sự khủng hoảng này. Nhiều DN sản xuất hàng hóa làm ra không bán được, liên tiếp cắt giảm kế hoạch sản xuất, sa thải nhân viên… Trước khó khăn đó PVFC đã xác định, khó khăn đang ở ngay trước mắt, bằng mọi cách phải tìm được lối đi cho mình. 

PVFC tự nghiên cứu và xây dựng kịch bản sẽ gặp phải, từ việc chứng khoán đi xuống các DN thua lỗ tài chính đến việc cho đầu tư tài chính như thế nào cho hiệu quả, đó là bài toán sống còn của DN. Có lẽ thuận lợi nhất của PVFC là 1 trong 17 công ty tài chính lớn nhất Việt Nam về quy mô vốn, tổng tài sản và mạng lưới hoạt động, gần như là cánh chim đầu đàn trong các công ty tài chính Việt Nam. Hơn nữa, PVFC có khả năng về tổ chức, kĩ năng nghiệp vụ trong hoạt động như tín dụng về đầu tư, đội ngũ cán bộ trẻ lại được đào tạo một cách bài bản. Được sinh ra và hoạt động trong ngành dầu khí đó là điều quan trọng nhất của PVFC, Petro Việt Nam là một tập đoàn có nguồn tài chính mạnh, nguồn tiền lớn hơn so với các tập đoàn khác… Đây chính là thuận lợi của PVFC so với các công ty tài chính khác. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng giao cho PVFC thực hiện đầu mối thu xếp vốn dự án đầu tư của ngành. 

PV: Trong không gian như vậy, PVFC sẽ hoạch định tầm nhìn 5 đến 10 năm nữa như thế nào?

Anh Tống Quốc Trường:
Để chinh phục kế hoạch lâu dài, PVFC xây dựng ngay mục tiêu trước mắt với khẩu hiệu: “An toàn, đảm bảo thanh khoản và hiệu quả”. Nói một cách dân dã, phải làm sao ổn định, bảo toàn được vốn và cố gắng tránh được những tổn thất, không rơi vào tim bão của cuộc khủng hoảng này. Muốn làm được điều đó PVFC cũng đã tìm ra những mục tiêu, chương trình hành động cho năm nay, được “update” liên tục theo thị trường, gồm tất cả các mảng công việc từ quản lí đến tổ chức kinh doanh của TCT, phải duy trì quy mô hoạt động như tổng tài sản, đảm bảo hiệu quả về chiến lược xác định. Trong điều kiện hiện nay, PVFC phải đào tạo và sử dụng cán bộ một cách hợp lí nhất, đây là cơ hội để cấu trúc lại mô hình, việc đào tạo cán bộ được tập trung trong mấy nội dung: xác định đào tạo cán bộ quản lí cấp trung, tức là những đầu tàu trong các phòng ban để họ có đủ kiến thức về quản trị, đào tạo các chuyên viên ở các lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính của công ty như tín dụng, đầu tư, quản trị rủi do, kiểm soát nội bộ….

Anh Tổng Quốc Trường (cầm sổ bên trái) trong Lễ khánh thành trung tâm Dịch vụ Dầu khi Quảng Ngãi

PV: Là người đứng đầu tổ chức tín dụng phi ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam, quản lí trong tay hàng chục nghìn tỷ đồng. Vậy anh giải  bài toán đó như thế nào để hạn chế thấp nhất rủi ro?

Anh Tống Quốc Trường
: PVFC thực hiện tuân thủ đúng quy định dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước và Bộ tài chính, các trường hợp khách hàng vi phạm thì xử lí cương quyết theo đúng hợp đồng đã kí. Có trường hợp phải kiện ra toà nếu người ta không tuân thủ hợp đồng và không  hợp tác. Ngoài ra, có số khách hàng vì khả năng quản trị và điều hành kém nên PVFC phải cử cán bộ tín dụng xuống làm việc để giúp đỡ, bổ sung, hoặc cử hẳn người sang điều hành. Một ví dụ như đơn vị sản xuất về Tơ sợi nhân tạo, làm nguyên liệu dệt may, trước đây quản lí không được bị thất thoát về vốn, giá đội lên, DN đứng trước nguy cơ phá sản... Chia sẻ với các đối tác của mình, PVFC cử người sang cơ cấu lại nhân sự và góp ý xây dựng mục tiêu định hướng, chiến lược giúp DN dần đi vào ổn định.

Tìm về bình yên

Hồi mới lấy vợ, Tổng giám đốc Tống Quốc Trường đã có một “giao kèo” với bà xã của mình rằng: “Việc lớn anh làm, việc bé em làm”. Nhưng cho suốt từ đó đến nay, chẳng có công việc nào được coi  là “lớn”  cả. Mọi việc trong gia đình, từ chăm sóc chồng, con cho đến việc xây lại... ngôi nhà, tất tật đều một tay người vợ hiền của  anh “quyết” cả. Công việc bận rộn, khiến Tổng giám đốc trẻ Tống Quốc Trường trở  nên “nhỏ bé” trong mái ấm thân yêu của mình.

PV: Là Uỷ viên BCH TƯ Đoàn, Phó chủ tịch Hội DN trẻ VN, lại là TGĐ một tổng công ty sở hữu một nguồn vốn rất lớn, làm thế nào để anh  cân bằng thời gian cho công việc? 

Anh Tống Quốc Trường:
Với tôi, mỗi khi bắt tay vào việc, bao giờ  tôi cũng tập trung cao độ, để làm sao có thể  giải quyết nhanh nhất, để rồi xếp công việc đó lại, mình còn làm việc khác. Tôi nghĩ, dù ở trên cương vị nào thì mái ấm gia đình cũng là chốn bình yên nhất. Tôi rất ít có thời gian rảnh rỗi, nên cứ hễ cứ có thời gian “dôi dư” một tý là tôi muốn được bên vợ con, để được nói chuyện, vui đùa với các con thân yêu của mình. Thi thoảng muốn được yên tĩnh, thư thái về nhà nằm dài, vùi đầu vào trong những cuốn sách…

PV: Là một doanh nhân trẻ, công việc bận rộn, cách giải trí của anh là gì?

Anh Tống Quốc Trường:
Bóng bàn và Tennis là hai môn thể thao ưa thích mà tôi dùng để xả stress trong lúc căng thẳng. Lúc đó, rủ rê ai đó đi làm vài “séc” với mình thì thật là thú vị!. Nhưng thú thật, thời gian gần đây, công việc nhiều đến nỗi, tôi chẳng có thời gian nữa. Tôi có một thói quen nữa, là vào những ngày lễ, tết hay vào những ngày nghỉ... thường rủ gia đình bạn bè đến nhà hoặc gia đình mình đến nhà người bạn nào đó, tổ chức nấu cơm ăn. Mình rất thích không khí bữa cơm tất cả mọi người quây quần, đầm ấm. Mọi người ngồi, hàn huyên đủ thứ chuyện trên trời, dưới bể. Đó là khoảng thời gian mà tôi cảm thấy thú vị nhất, sau những tháng ngày lao động, bề bộn với những số liệu, dự án tài chính khô khan.Tôi không thích nhậu nhẹt, tiệp tùng nơi quán xá bởi ở đó mình cảm thấy không được thoải mái như ở nhà. Với tôi, tìm về chốn bình yên, bao giờ mình cũng cảm thấy thanh thản và nhẹ nhõm nhất./.

Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này.

Tống Quốc Trường
Sinh năm 1972 Tại Nam Định
Chức vụ hiện nay: Bí thư đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
4/1997:  Phó phòng phụ trách phòng kinh tế kế hoạch –Xí nghiệp Kinh doanh, Công ty Thạch bàn.
10/2001:  Trợ lý giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí.
12/2002:  Phó phòng Tổ chức hành chính Công ty Tài chính Dầu khí.
12/2003:  Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Công ty Tài chính Dầu khí.
1/2004:  Phó văn phòng Giám đốc và HĐQT Công ty Tài chính Dầu khí.
12/2004:  Chánh văn phòng Giám đốc và HĐQT Công ty Tài chính Dầu khí.
7/2005:  Trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty Tài chính Dầu khí.
2/2006:  Trưởng phòng Đầu tư Công ty Tài chính Dầu khí.
8/2006:  Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí.
6/2007:  Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí.
05 năm liền được tập đoàn tặng bằng khen theo các quyết định số: QĐ 059/QĐ-LĐTL ngày 09/01/2004, QĐ 349/QĐ LĐTL ngày 28/02/2005.
Năm 2004 và 2005 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen theo QĐ số 431/TTg ngày 20/05/2005 và 1247/TTg ngày 19/09/2006.
Huân chương Lao động hạng III theo quyết định số 542/QĐ CTN ngày 11/06/2007 của Chủ tịch nước.
Là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2007
Giải thưởng Sao Đỏ năm 2008



Theo Thời báo Doanh nhân