Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đến năm 2020

(CTG) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo Dự thảo Quyết định về việc phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đến năm 2020 lấy ý kiến nhân dân. Cổng TTĐT Chính phủ xin giới thiệu toàn văn và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

 
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
________
Số:  /2010/QĐ-TTg
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_____________________________________
 
Hà Nội, ngày     tháng     năm 2010
DỰ THẢO
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình
tương tự mặt đất đến năm 2020
__________
 
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ luật Viễn thông ngày…;
Luật tần số…;
Nghị định về viễn thông;
Nghị định về tần số;
Căn cứ Quyết định 22/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
Điều 1. Phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU CHUNG
1. Chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình từ công nghệ tương tự sang công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số.
2. Mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước, đảm bảo cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của mọi người dân.
3. Phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ.
4. Hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật truyền hình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đảm bảo sự quản lý thống nhất, có hiệu quả của Nhà nước.
II. MỤC TIÊU CỤ THỂ
1. Đến năm 2015:
a) Đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm khoảng 55% các phương thức truyền hình số;
b) Phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư;
c) Áp dụng tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất trên cơ sở tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-2 và MPEG-4;
d) Bước đầu hình thành thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất với 3 - 5 doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc hoặc khu vực.
2. Đến năm 2020:
a) Đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Trong đó, truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình;
b) Phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư;
c) Sau năm 2015 áp dụng tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất trên cơ sở tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4 và phiên bản tiếp theo của các tiêu chuẩn trên;
d) Phát triển và hoàn thiện thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất quy mô tối đa từ 7 đến 8 doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc hoặc khu vực, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh và quản lý thống nhất của Nhà nước.
III. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ HÓA
1. Đảm bảo an toàn, không gián đoạn các kênh chương trình truyền hình, đặc biệt các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu đến người dân.
2. Sử dụng chung hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất giữa các đài truyền hình trung ương và địa phương, trên cơ sở đảm bảo lợi ích toàn cục và lâu dài của cả hệ thống truyền hình.
3. Bảo đảm chuyển đổi sang truyền hình số thực hiện theo nguyên tắc: các khu vực có trình độ phát triển cao, khan hiếm tần số thì triển khai và chuyển đổi trước; các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn hơn sẽ được triển khai và chuyển đổi sau.
4. Kết thúc phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự tại một tỉnh, khu vực để chuyển sang phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ số khi 95% số hộ gia đình tại địa phương, khu vực đó có máy thu hình có khả năng thu được các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu bằng những phương thức truyền dẫn, phát sóng số khác nhau.
5. Việc hỗ trợ số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất được thực hiện dựa trên nguyên tắc hợp lý, công khai, minh bạch.
6. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai truyền hình số mặt đất, trên cơ sở tận dụng cơ sở hạ tầng truyền hình đã được đầu tư.
IV. KẾ HOẠCH SỐ HÓA TRUYỀN DẪN PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH TƯƠNG TỰ MẶT ĐẤT
1. Các nhóm địa phương thực hiện lộ trình số hóa:
Việc chia nhóm dưới đây được căn cứ vào khả năng chuyển đổi sang truyền hình số như: trình độ phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện truyền sóng, khả năng phân bổ tần số.
Nhóm I: Hà Nội,Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Nhóm II: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Thừa Thiên - Huế.
Nhóm III: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Nhóm IV: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
2. Lộ trình số hóa:
2.1. Nhóm I:
a) Từ năm 2011:
- Đài truyền hình Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát sóng truyền hình số mặt đất toàn quốc và khu vực phải thực hiện việc phát sóng các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu của trung ương và địa phương bằng công nghệ số tại thành phố thuộc nhóm I;
- Đài truyền hình Việt Nam, Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC và các đài truyền hình địa phương tiếp tục phát sóng các kênh chương trình truyền hình tương tự song song với các kênh chương trình truyền hình số tại các thành phố trên;
b) Trước ngày 31/12/2014 các đài truyền hình địa phương tại các thành phố trên chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng truyền hình số mặt đất, trên cơ sở sử dụng hạ tầng kỹ thuật của Đài truyền hình Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn  phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn.
2.2. Nhóm II
a) Từ năm 2013:
- Đài truyền hình Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát sóng truyền hình số mặt đất toàn quốc và khu vực phải thực hiện việc phát sóng các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu của trung ương và địa phương bằng công nghệ số tại tỉnh thuộc nhóm II;
- Đài truyền hình Việt Nam, Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC và các đài truyền hình địa phương tiếp tục phát sóng các kênh chương trình truyền hình tương tự song song với các kênh chương trình truyền hình số tại các tỉnh trên;
b) Trước ngày 31/12/2016 các đài truyền hình địa phương tại các tỉnh trên chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng truyền hình số mặt đất trên cơ sở sử dụng hạ tầng kỹ thuật của Đài truyền hình Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn  phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn;
c) Trước ngày 31/12/2016 Đài truyền hình Việt Nam, Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất tại các tỉnh, thành phố thuộc nhóm I, II, đồng thời có giải pháp tiếp tục phủ sóng truyền hình tương tự phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu tại các tỉnh thuộc nhóm III, IV trong vùng phủ sóng của đài, doanh nghiệp.
2.3. Nhóm III
a) Từ năm 2015:
-Đài truyền hình Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát sóng truyền hình số mặt đất toàn quốc và khu vực phải thực hiện việc phát sóng các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu của trung ương và địa phương bằng công nghệ số tại tỉnh thuộc nhóm III;
- Đài truyền hình Việt Nam, Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC và các đài truyền hình địa phương tiếp tục phát sóng các kênh chương trình truyền hình tương tự song song với các kênh chương trình truyền hình số tại các tỉnh trên;
b) Trước ngày 31/12/2018 Đài truyền hình Việt Nam, Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC và các đài truyền hình địa phương tại các tỉnh trên chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng truyền hình số mặt đất trên cơ sở sử dụng hạ tầng kỹ thuật của Đài truyền hình Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn  phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn.  
2.4. Nhóm IV
a) Từ năm 2017:
- Đài truyền hình Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát sóng truyền hình số mặt đất toàn quốc và khu vực phải thực hiện việc phát sóng các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu của trung ương và địa phương bằng công nghệ số tại tỉnh thuộc nhóm IV;
- Đài truyền hình Việt Nam, Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC và các đài truyền hình địa phương tiếp tục phát sóng các kênh chương trình truyền hình tương tự song song với các kênh chương trình truyền hình số tại các tỉnh trên;
b) Trước ngày 31/12/2020 Đài truyền hình Việt Nam, Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC và các đài truyền hình địa phương tại các tỉnh trên chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng truyền hình số mặt đất trên cơ sở sử dụng hạ tầng kỹ thuật của Đài truyền hình Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn  phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn.
V. CÁC GIẢI PHÁP
1. Nhóm giải pháp vềthông tin, tuyên truyền:
a) Các cơ quan báo chí: Có các chuyên trang, chuyên đề, phóng sự, bài viết về kế hoạch số hóa truyền hình;
b) Các đài truyền hình trung ương và địa phương trên địa bàn phát các đoạn phim ngắn, bản tin thông báo về thời điểm, lộ trình chấm dứt truyền hình tương tự để chuyển sang truyền hình số tại địa phương ngay sau chương trình thời sự vào lúc 19h của đài truyền hình Việt Nam;
c) Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ thúc đẩy quá trình số hóa bao gồm: thiết lập số điện thoại nóng hỗ trợ người dân, xây dựng trang thông tin điện tử về số hóa truyền hình mặt đất, phát tờ rơi, quảng cáo ngoài trời và trên các phương tiện thông tin đại chúng;
d) Tổ chức hội nghị, hội thảo cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan hoạt động trong lĩnh vực truyền hình.
2. Nhóm giải pháp về thị trường và dịch vụ:
a) Đẩy nhanh việc hình thành thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên cơ sở cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất toàn quốc và khu vực theo Quy hoạch;
b) Thúc đẩy việc sử dụng các phương thức truyền dẫn, phát sóng truyền hình khác để đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất:
- Tạo điều kiện cho việc triển khai các hệ thống truyền hình cáp tại các đô thị trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ;
- Ưu tiên sử dụng vệ tinh Vinasat với giá cước hợp lý trên cơ sở giá thành để quảng bá và trao đổi chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các tỉnh miền núi phía bắc và tây nguyên. Sửa đổi các quy định liên quan đến việc thu các chương trình truyền hình qua vệ tinh theo hướng cho phép người dân có thể tự mua thiết bị thu vệ tinh (TVRO) để thu các chương trình từ vệ tinh Vinasat nhằm phổ cập các chương trình phát thanh, truyền hình của đài truyền hình Việt Nam và địa phương tại những khu vực khó khăn về địa lý.
c) Các đơn vị, doanh nghiệp đã có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất có trách nhiệm:
- Triển khai dự án ở địa phương nào thì phải dành dung lượng để truyền tải một kênh chương trình truyền hình của địa phương (một kênh truyền hình của địa phương được truyền tải trên một mạng phát sóng) và các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị của đài truyền hình Việt Nam theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Không khóa mã các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị để đảm bảo tất cả thiết bị thu hình số (Tivi số, Set top Box) đều thu được các kênh chương trình này của các mạng truyền hình số khác nhau.
3. Nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực:
a) Thành lập Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đến năm 2020 để thống nhất và tập trung chỉ đạo triển khai đề án trên cả nước, bao gồm: Lãnh đạo Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông -Thường trực ban chỉ đạo, đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo trung ương, Văn phòng Chính phủ, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC-Ủy viên ban chỉ đạo;
b) Đài truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng thành lập các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng trực thuộc đài để tham gia vào thị trường và cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng trên toàn quốc hoặc khu vực;
c) Các đài phát thanh truyền hình địa phương khác từng bước sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng theo lộ trình số hóa với các nội dung sau:
- Về nhân lực bộ phận truyền dẫn, phát sóng, từng bước thực hiện tinh giảm biên chế và đào tạo lại cán bộ phù hợp với lộ trình số hóa để có thể đáp ứng yêu cầu tổ chức lại bộ máy của đài theo hướng tập trung chủ yếu vào chức năng sản xuất nội dung chương trình sau khi kết thúc truyền hình tương tự tại địa phương;
- Về cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng, trong giai đoạn phát song song truyền hình tuơng tự và số mặt đất trên địa bàn chỉ cho phép đầu tư để nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng đối với các máy phát tương tự hiện có. Trong trường hợp đặc biệt cần thiết đầu tư mới cho những khu vực chưa được phủ sóng truyền hình hoặc thay thế các máy phát đã hỏng phải được sự phê duyệt về chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhằm sử dụng hiệu quả hạ tầng đã đầu tư, sau khi kết thúc truyền hình tương tự các đài cho các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất thuê lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật thụ động  hiện có (như nhà, cột) trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên.
4. Nhóm giải pháp về công nghệ và tiêu chuẩn:
a) Xác định công nghệ truyền dẫn phát sóng truyền hình số sử dụng các phương tiện mặt đất, vệ tinh, cáp, di động, internet là công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin để được ưu tiên đầu tư phát triển;
b) Áp dụng thống nhất tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T và các phiên bản tiếp theo, tuy nhiên phải đảm bảo tính tương thích ngược với hệ thống hiện nay;
c) Từ ngày 1/1/2014 tất cả các máy thu hình sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất hoặc cung cấp cùng với đầu thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4. Từ ngày 1/1/2016 ngừng hoàn toàn việc sản xuất và nhập khẩu các máy thu truyền hình tương tự tại Việt Nam, trừ việc sản xuất để xuất khẩu;
d) Quy hoạch tần số cho truyền hình số mặt đất trên cơ sở ưu tiên áp dụng công nghệ mới, sử dụng mạng đơn tần, kỹ thuật ghép kênh tần số liền kề và những kỹ thuật khác nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện. Kết hợp sử dụng mạng đa tần, mạng đơn tần diện rộng và mạng đơn tần cục bộ, phù hợp với điều kiện thực tế.
5. Nhóm giải pháp về tài chính:
a) Áp dụng mức ưu đãi theo quy định của Luật công nghệ cao đối với các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các máy phát, máy thu truyền hình số, đầu thu truyền hình số và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số;
b) Áp dụng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế đối với việc nhập khẩu các máy phát, máy thu truyền hình số, đầu thu truyền hình số;
c) Huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, vốn ODA để phát triển hạ tầng truyền hình số mặt đất phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu;
d) Khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng truyền hình số để thực hiện lộ trình số hóa truyền hình tương tự;
đ) Hỗ trợ kinh phí từ quỹ dịch vụ viễn thông công ích cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đầu tư triển khai các máy phát số tại những khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn để phát các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu;
e) Hỗ trợ kinh phí từ quỹ dịch vụ viễn thông công ích cho các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ dân thuộc vùng khó khăn và các đối tượng chính sách xã hội khác đang sử dụng máy thu hình tương tự để trang bị đầu thu truyền hình số;
g) Xây dựng các chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2015 và những năm tiếp theo, trong đó xác định rõ phần kinh phí để thực hiện lộ trình số hóa truyền hình tương tự mặt đất;
h) Sử dụng một phần kinh phí thu được trong trường hợp đấu giá tần số vô tuyến điện để thục hiện lộ trình số hóa truyền hình.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đến năm 2020 giúp Thủ tướng Chính phủ:
a) Thống nhất chỉ đạo việc thực hiện lộ trình số hóa truyền hình tương tự mặt đất trên phạm vi cả nước;
b) Ban hành cơ chế, chính sách và luật pháp thúc đẩy lộ trình số hóa truyền hình mặt đất;
c) Quyết định thời điểm kết thúc truyền hình tương tự mặt đất trên phạm vi cả nước;
d) Quy định các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu, địa bàn và đối tượng cần được hỗ trợ để thực hiện lộ trình số hóa.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông:
a) Tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện Đề án, căn cứ vào tình hình phát triển thực tế của các địa phương, báo cáo Ban chỉ đạo để điều chỉnh lộ trình, nội dung của kế hoạch số hóa phù hợp;
b) Xây dựng và triển khai kế hoạch thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thúc của các cơ quan đơn vị và người dân;
c) Quy định điều kiện, thời điểm cho địa phương kết thúc truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang truyền hình số;
d) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung sửa đổi quyết định số 191/2004/QĐ-TTg ngày 8/11/2004về thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ viễn thông công ích theo hướng bổ sung đối tượng và nhiệm vụ của Quỹ nhằm hỗ trợ việc thực hiện lộ trình số hóa truyền h&