Dự trữ nước ngọt trên huyện đảo Trường Sa

(CTG) Ở đất liền, bình thường mỗi người, một ngày cũng phải dùng đến 100 lít nước và nhiều hơn nhưng quân và dân huyện đảo Trường Sa hiện nay thì phải dùng từ 10 đến 20 lít nước/người/ngày (với đảo chìm) và từ 20 đến 30 lít nước/người/ngày (với đảo nổi). Được như vậy cũng đã là sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước trong đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho Trường Sa cũng như sự nỗ lực của quân, dân huyện đảo bởi trước đây còn khó khăn hơn...



 Bộ đội đảo Trường Sa Lớn tiết kiệm nước, trồng rau xanh khá hiệu quả

Khan hiếm nước nên lính đảo rất mong mưa. Nhưng mưa trên đảo xa cũng thật lạ kỳ. Đang nắng như đổ lửa, bỗng mây đen vần vũ kéo đến che kín cả một góc trời, chắn khuất cả một góc biển và mưa… chắc phải mưa to lắm… Thế là người trên đảo nhanh chóng làm các thao tác để hứng nước ngọt. Nhưng mưa thì vô tình... không thèm để ý, nó cứ mưa vòng quanh, cách đảo chừng một vài hải lý cứ như mưa sợ sự phòng thủ vững chắc của đảo mà không dám vào vậy. Một chiến sĩ mới ra đảo hồn nhiên thốt lên: “Ông trời cũng hóm ra phết, biết anh em mình khao khát nước nên ổng cứ bỡn hoài”.

Lượng mưa hằng năm ở Trường Sa tương đối thấp lại phân bố không đều cho các tháng, chủ yếu mưa tập trung vào các tháng có bão và áp thấp nhiệt đới (từ tháng 5 đến tháng 10). Mặt khác, lượng nước ngọt khai thác được từ mưa nhiều hay ít còn phụ thuộc vào diện tích mái của các nhà ở và công trình chiến đấu cũng như hệ thống hầm chứa, bể, téc chưa thể đáp ứng hết nhu cầu sử dụng, nên người Trường Sa vẫn phải sử dụng nước theo định mức. Hơn thế, ở các đảo trên quần đảo Trường Sa nước ngọt còn trở thành mặt hàng được đưa vào lượng dự trữ SSCĐ. Tâm sự với chúng tôi, Đại úy Nhâm Phi Dũng, Đảo trưởng đảo Tiên Nữ cho biết: “Do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu phòng thủ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, cùng với vũ khí trang bị, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men… nước ngọt cũng phải có lượng dự trữ hợp lý...”. 


Theo ĐCSVN