Đưa robot vào hỗ trợ bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19

(CTG) Robot sẽ thay thế bác sĩ trong một số hoạt động chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19, hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Đây là một trong những hoạt động triển khai ứng dụng thiết bị hiện đại để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch.

 

Cố gắng giảm thiểu tối đa chuyển nặng và tử vong

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự phối hợp của TPHCM, Bộ Y tế đã triển khai 4 Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 do các bệnh viện trung ương phụ trách đóng trên địa bàn TPHCM. Ngày 24/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đến kiểm tra Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Trung Ương Huế phụ trách tại Bệnh viện Dã chiến số 14 và động viên tinh thần các y bác sĩ đang làm nhiệm vụ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (đứng đầu) kiểm tra công tác hoạt động tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 của Bệnh viện Trung Ương Huế.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, cũng như các trung tâm còn lại, Trung tâm này của Bệnh viện Trung ương Huế được chuẩn bị kỹ lưỡng về trang thiết bị và nhân lực. Các thiết bị đều rất hiện đại, vật tư y tế, thuốc men được huy động đầy đủ để điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã vận hành với tần suất làm việc cường độ cao của các y bác sĩ. Trung tâm tổ chức đón nhận bệnh nhân nặng từ các bệnh viện dã chiến và các cơ sở y tế tuyến huyện chuyển lên, các lối đi vào đều được phân luồng khoa học. Trước khi tiếp nhận, thông tin về tình hình từng ca bệnh đã được bác sĩ nắm vững nên phân loại, đưa ngay vào phòng điều trị.

Trung tâm Hồi sức đã đi vào hoạt động, tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch.

GS- BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: Máy thở, oxy, robot lẫn các thiết bị khác đã lắp đặt hoàn chỉnh và chạy thử, đáp ứng tốt nhu cầu điều trị. Tất cả y bác sĩ đều đã xác định làm việc với tinh thần cao nhất. Hiện đã có gần 400 y bác sĩ có mặt tại Trung tâm, trong đó lực lượng chủ lực là các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế. Bên cạnh đó còn có Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam…

Trung tâm được phân chia thành 4 nhóm gồm: 90 giường hồi sức nguy kịch, 162 giường hồi sức nặng, 252 giường thoát hồi sức và bệnh nhân nặng phải thở Oxy, 100 giường theo dõi. Ngoài ra còn 8 giường cấp cứu và đón bệnh. Các trang thiết bị tối tân nhất quy tụ tại đây sẽ là “vũ khí” quan trọng điều trị cho người bệnh.

Robot tham gia điều trị bệnh nhân nặng

Ngoài chuyên gia, y bác sĩ giàu chuyên môn, nhiệt huyết, các công nghệ và thiết bị hiện đại đặc biệt là Robot đã đưa vào hoạt động tại Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế. Robot do Th.s Huỳnh Thúc Minh trực tiếp nghiên cứu, sản xuất. 3 con Robot vừa đưa vào hoạt động có thể nói chuyện với bệnh nhân và thông tin cụ thể về tình hình của người bệnh ra ngoài cho bác sĩ. Đồng thời Robot còn vận chuyển thức ăn, đồ uống, vật tư tiêu hao vào phòng bệnh.

Robot sẽ thay nhân viên y tế thực hiện việc giao thuốc và nhu yếu phẩm cho bệnh nhân COVID-19.

Cùng thời điểm trên, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã triển khai robot vận chuyển y tế Vibot hỗ trợ chống dịch COVID-19. Robot sẽ được đưa vào khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 do Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) phụ trách thuộc Bệnh viện Dã chiến số 7.

Đại tá Trần Minh Vỹ, Trưởng Đại diện phía Nam của Học viện Kỹ thuật Quân sự, cho biết: “Robot Vibot-2 giúp vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm cho bệnh nhân COVID-19 cũng như giúp nhân viên y tế theo dõi và giao tiếp từ xa với bệnh nhân. Tổ công tác của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã thiết lập cơ sở hạ tầng để robot hoạt động và bắt đầu vận hành hệ thống robot hỗ trợ quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19".

Robot sẽ hạn chế tối đa tiếp xúc, giảm thiểu lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị.

Theo Đại tá Minh Vỹ, nhóm nghiên cứu đã thiết kế các giải pháp kỹ thuật đáp ứng nhiều phương án khác nhau, đảm bảo robot tự động và sẵn sàng phục vụ bệnh nhân COVID-19 trong khu vực điều trị. Những chú robot sẽ hoạt động bền bỉ, hỗ trợ lực nhân viên y tế trong các bệnh viện dã chiến, lượng công việc của các nhân viên tại khu vực chăm sóc, điều trị bệnh nhân sẽ giảm đi rất nhiều.

Từ tháng 4/2020, robot thế hệ thứ nhất Vibot - 1 được nhóm nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu sáng chế. Sau một thời gian cải tiến, robot thế hệ thứ hai, Vibot - 2 đã ra đời và hoạt động trong nhiều môi trường. Từ tháng 5/2021, robot đã bắt đầu hoạt động hỗ trợ các bác sĩ ở cơ sở số 2, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau đó, từ tháng 6/2021, hai chú robot đã vào tâm dịch Bắc Giang để hỗ trợ các bác sĩ tuyến đầu trong chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Theo TP