Sau nhiều năm bôn ba xứ người, đến năm 2020, anh Đặng Thế Truyền (SN 1991) quyết định bỏ phố về quê sinh sống tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Thời gian đầu, anh Truyền có ý tưởng thành lập các kênh cộng đồng trên Facebook để “review” địa điểm ăn uống, giải trí tại địa phương với mục đích cuối cùng là thu hút khách cho quán cơm của gia đình. Khi bắt tay vào làm, anh Truyền nhận ra khó khăn lớn nhất là huyện Cam Lâm bấy giờ chưa có một sản phẩm đặc trưng để quảng bá đến đông đảo du khách.
Mô hình của anh Truyền có nhiều đoàn tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm |
Anh Truyền chứng kiến hình ảnh những trái xoài rụng chất chồng đầy gốc, người nông dân rầu rĩ vì bế tắc tìm nơi tiêu thụ. “Trái xoài ở thành phố mua với giá không hề rẻ, nhưng tại sao ở quê mình xoài rụng đầy và phải đem bỏ nhiều như thế! Đó là điều luôn đau đáu trong suy nghĩ khiến tôi quyết tâm xây dựng thương hiệu xoài Cam Lâm”, anh Truyền chia sẻ.
Anh Trần Nhất Luân - Bí thư Huyện Đoàn Cam Lâm, cho biết: “Mô hình khởi nghiệp của nhóm bạn trẻ Truyền là một trong những mô hình đột phá, đi đầu gắn liền với phát triển giá trị nông sản tiêu biểu của địa phương. Các thành viên dám nghĩ, dám làm, áp dụng thành công chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh. Từ mô hình khởi nghiệp hiệu quả này, Huyện Đoàn cũng mong muốn sẽ lan tỏa đến thanh niên ở địa phương và hi vọng nhiều mô hình chuyển đổi số hiệu quả sẽ ra đời”. |
Việc chọn quả xoài để khởi nghiệp không chỉ giới thiệu đặc sản của địa phương, mà nhóm bạn trẻ còn mong muốn giúp người trồng xoài sống được với nghề. Đặc biệt, xoài sấy muối ớt có thể bảo quản lâu, phù hợp vận chuyển đi xa, làm quà, khắc phục được những nhược điểm của trái xoài tươi. Sau nhiều khó khăn trong quá trình thử nghiệm, sản phẩm xoài sấy muối ớt của camlamonline.com đã được người tiêu dùng thích thú đón nhận nhờ nguồn nguyên liệu sạch, mùi thơm nổi bật của xoài và gia vị muối ớt được chế biến theo công thức riêng.
Để quảng bá sản phẩm rộng rãi, nhóm bạn trẻ chú trọng làm truyền thông trên các trang, nhóm, website, mạng xã hội và nhiều sàn thương mại điện tử như: Postmart, Tiki, Lazada, Shopee… Nhờ tận dụng tốt sức mạnh của công nghệ 4.0, sản phẩm xoài sấy muối ớt Cam Lâm đang được bán rộng rãi trên khắp cả nước, với doanh thu khoảng 200 triệu đồng/tháng.
Để có được những thành công như hiện tại, khó khăn lớn nhất mà nhóm anh Truyền phải vượt qua là thay đổi định kiến của những người nông dân làm nghề trồng xoài truyền thống.
Anh Truyền cũng chia sẻ, đối với anh chìa khóa thành công khi lập thân, lập nghiệp là sự chủ động. Thấy người dân địa phương không chú trọng trong việc làm thương hiệu cho sản phẩm, nhóm chủ động để lại dấu ấn với người tiêu dùng bằng việc thiết kế logo, đăng ký nhãn hiệu, bao bì, mẫu mã… để từ đó nâng cao giá trị cho các sản phẩm xoài địa phương. Tham gia các hoạt động đoàn tại địa phương cũng giúp anh Truyền kết nối và có thêm nhiều mối quan hệ chất lượng để hỗ trợ hành trình khởi nghiệp. Tuy nhiên, anh không bao giờ ngồi yên chờ đợi mà luôn nắm bắt thông tin nhanh, hễ có bất cứ hội chợ hay cơ hội quảng bá nào cả nhóm đều hăng hái đem sản phẩm đi giới thiệu.
Theo TPO |