Gậy 'SOS'

(CTG) Trước thực tế người lớn tuổi gặp khó khăn trong việc di chuyển và có nguy cơ đột quỵ, tai biến... khi té ngã, nhóm sinh viên ngành Tự động hóa (ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng) đã nghiên cứu chế tạo gậy thông minh giúp người già đi lại an toàn hơn.

 

Lê Như Thiên Sao giới thiệu về sản phẩm gậy thông minh dành cho người già tại Vòng chung kết cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng năm 2018 Ảnh: NVCC

Giảm nguy cơ té ngã cho người già

Trưng bày tại Festival Khoa học Công nghệ trong sinh viên ĐH Đà Nẵng năm 2019, sản phẩm gậy thông minh cho người già của nhóm sinh viên năm cuối ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng, gồm: Lê Như Thiên Sao, Lê Đặng Thái Phong, Nguyễn Trọng Nhiên nhận được nhiều sự quan tâm của những người tham gia. Nhiều khách tham quan tò mò dừng lại ở gian hàng của ĐH Sư phạm Kỹ thuật để trải nghiệm sản phẩm gậy thông minh. Trước bất kỳ thắc mắc, nghi vấn nào, Lê Như Thiên Sao (trưởng nhóm) đều giải đáp nhiệt tình.

Chia sẻ về ý tưởng sáng chế gậy thông minh, Thiên Sao cho biết: “Người già rất dễ té ngã trong lúc di chuyển. Đôi khi việc té ngã này gây ra nguy cơ tai biến, đột quỵ... Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gây ra những biến chứng rất lớn. Từ thực tế đó, chúng em mong muốn tạo ra một sản phẩm giúp phát hiện nhanh lúc người già có nguy cơ té ngã, giảm thiểu những nguy cơ tai nạn cho người già”.

Nhóm bạn trẻ phải mất gần 2 tháng để lên ý tưởng, lựa chọn linh kiện phần cứng và phần mềm để sản xuất sản phẩm. Sau gần 5 tháng, chiếc gậy thông minh cho người già phiên bản đầu tiên ra đời với những chức năng cơ bản. Sản phẩm được mang đi tham dự các cuộc thi nghiên cứu khoa học của trường, của thành phố và tiếp tục hoàn thiện, cải tiến.

Sản phẩm gậy thông minh hoàn chỉnh có cấu tạo gồm 3 bộ phận: thân gậy, chân đế và tay cầm. Thân gậy được làm bằng inox, dài khoảng 1m. Chân đế với phần kiềng 3 chân bọc cao su giúp giữ gậy ổn định ở tư thế thẳng đứng. Tay cầm là bộ phận quan trọng nhất, chứa tất cả những thiết bị điều khiển và linh kiện. Gậy thông minh được trang bị bộ thu phát tín hiệu gắn khe sim có khả năng định vị GPS cùng các thiết bị cảm biến gia tốc, loa, bảng mạch điện...

“Nguyên lý hoạt động của thiết bị dựa trên góc nghiêng. Khi té ngã, gậy sẽ tạo ra góc rất lớn so với phương thẳng đứng. Lúc đó, gậy sẽ phát ra loa thông báo cho mọi người xung quanh, đồng thời gọi điện và gửi tin nhắn tọa độ GPS vị trí té ngã đến số điện thoại của người thân đã cài đặt sẵn. Chúng em cũng có tính toán kỹ càng để khi gậy nghiêng, ngả theo chiều di chuyển của người già, thiết bị sẽ không gửi cảnh báo”, Thiên Sao cho biết.

Ngoài ra, trên tay cầm có 3 nút nhấn màu đỏ, xanh dương và trắng với các chức năng khác nhau. Khi nhấn nút màu đỏ, gậy sẽ tự động phát loa, đồng thời gọi điện và gửi tọa độ GPS của người bị té ngã về số điện thoại của người thân. Nút xanh dương có tác dụng tắt loa và nút trắng có tác dụng hủy tín hiệu cấp cứu nếu ấn nhầm. “Những nút này có tác dụng hỗ trợ người già gửi tín hiệu lúc cảm thấy sức khỏe không tốt, đồng thời, giải quyết những phiền toái trong trường hợp gậy bị đổ hoặc người sử dụng bấm nhầm. Ngoài ra, người đi đường có thể sử dụng những nút này để giúp người té ngã gửi tín hiệu cấp cứu”, Thiên Sao giải thích thêm.

Hoàn thiện app kết nối với gậy thông minh

Gậy thông minh hoạt động bằng pin, sau khi sạc đầy có thể sử dụng liên tục trong 12 tiếng. Hiện, thiết bị mới chỉ có thể gửi địa chỉ GPS được mã hóa vào số điện thoại được đăng ký. Muốn xác định vị trí, người sử dụng cần nhập địa chỉ này vào bản đồ google để định vị chính xác. “Nhóm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thiết kế app (ứng dụng) dành cho điện thoại để kết nối với thiết bị gậy thông minh. Thông qua app, việc gửi tin nhắn cấp cứu hay vị trí người bị nạn đến cho người thân sẽ trở nên thuận tiện hơn. Nhóm cũng đang tiếp tục cải tiến để có thể kết nối thiết bị với nhiều số điện thoại, giúp việc cấp cứu dễ dàng, nhanh chóng hơn”, Thiên Sao nói.

Toàn bộ chi phí để sản xuất và lắp đặt gậy thông minh dành cho người già khoảng 500 nghìn đồng, nếu được đưa vào sản xuất đại trà, chi phí sẽ thấp hơn. “Nếu được sản xuất đại trà, giá thành của một chiếc gậy thông minh chỉ khoảng 500 nghìn đồng hoặc thấp hơn. So với các thiết bị có tính năng tương tự được sản xuất trên thế giới, sản phẩm này có mức chi phí rẻ hơn vài lần. Nhu cầu thị trường của sản phẩm này rất lớn. Chúng em mong muốn tìm kiếm được nhà đầu tư để có thể mở rộng sản xuất và đưa sản phẩm vào cuộc sống”, Thiên Sao bày tỏ.

Sản phẩm gậy thông minh cho người già của nhóm từng giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học, sáng tạo khởi nghiệp như: Giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học do trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tổ chức; giải Ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng năm 2018 do Sở KH&CN tổ chức; giải Nhì cuộc thi “Kết nối ý tưởng sáng tạo – Khởi nghiệp” trong khuôn khổ Ngày hội Kết nối ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp cụm Duyên hải Nam Trung bộ năm 2018...

Theo TP