Gen Z đa nhiệm, táo bạo nhưng thiếu kết nối
Gen Z đang là nhóm nhân sự trẻ nòng cốt tiếp theo tham gia thị trường lao động hiện nay và cũng là nhân tố sở hữu nhiều tiềm năng mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường làm việc cạnh tranh khốc liệt, các chuyên gia đã đưa ra các yếu tố mà thế hệ này cần trau dồi để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Bà Huỳnh Thị Xuân Liên, thành viên HĐQT Công ty vàng bạc đá quý PNJ, nhìn nhận: "Gen Z là một thế hệ quan trọng trong giai đoạn phát triển hiện nay vì sở hữu góc nhìn đa chiều, linh động hơn những thế hệ trước".
Bà Liên cho rằng thị trường lao động hiện nay đang tồn tại rất nhiều thành phần, độ tuổi, trình độ và kỹ năng, trong đó bao gồm: gen X (1965 - 1980), gen Y (1981 - 1996) và gen Z (1997 - 2001). Mỗi thế hệ này đều có đặc điểm, sự nổi trội, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc khác nhau. Theo góc nhìn của bà cũng như các nhà quản lý, gen X được đánh giá là những người có sự kiên trì, chịu khó và gắn bó lâu dài về công việc. Gen Y có sự cởi mở hơn, tiếp cận nhiều hơn với công nghệ và dành sự quan tâm nhiều về ý nghĩa công việc. Còn gen Z là thế hệ trẻ tiếp nối của lực lượng nhân sự hiện tại, họ đã để lại nhiều ấn tượng vì những sự khác biệt lớn.
Bà Liên nói thêm gen Z có khả năng tìm kiếm, nghiên cứu thông tin một cách nhanh chóng, nhạy bén về công nghệ. Một đặc điểm nổi bật của thế hệ này là khả năng kiêm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc và có những suy nghĩ táo bạo. Tuy nhiên, đây lại là thế hệ bị phụ thuộc vào công nghệ và thiếu sự kết nối với xã hội xung quanh hơn so với những người đi trước.
Những kỹ năng gen Z cần trang bị
Nhận xét về thị trường lao động VN, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Talentnet, cho rằng tuy hiện nay một số ngành đang phải chịu ảnh hưởng bởi kinh tế gặp khó khăn nhưng trong thời gian tới đây vẫn là môi trường có nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Người lao động VN, nhất là gen Z, thừa sức có thể chọn các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp trong khu vực ASEAN và các doanh nghiệp tại VN. Bởi vì các doanh nghiệp này cũng đang áp dụng cơ chế linh hoạt với 3 nguồn lực lượng lao động chính. Đó là: nhân sự cố định; nhân sự linh hoạt, làm việc bán thời gian, làm trực tuyến, làm việc tự do, thực tập sinh và cuối cùng là thuê nhân sự bên ngoài. Những vị trí công việc này tuy không quá mới mẻ nhưng đảm bảo chắc chắn phù hợp với gen Z.
Cũng theo bà Trinh, cơ hội luôn đi kèm với thách thức khi thị trường lao động luôn có sự cạnh tranh khốc liệt. Để tạo được ấn tượng trong mắt các nhà tuyển dụng, bà Trinh đưa ra mô hình: "A-B-C-D-E-F". Tức là bao gồm các yếu tố mà người trẻ cần trau dồi như: Agility (nhanh nhạy), Business mindset (hiểu kỹ càng ngành, lĩnh vực), Connection (kết nối), Digital (kỹ năng về kỹ thuật số), Empathy (thấu cảm) và Focus (tập trung cao độ).
"Khi kỹ năng của bạn càng nhiều thì giá trị bản thân của bạn càng tăng và thu nhập sẽ cao hơn nữa", bà Trinh nhìn nhận.
Bà Trinh cũng lấy ví dụ: "Ngành bán lẻ hiện là lĩnh vực đang phát triển thần tốc tại VN. Vì vậy, người ứng tuyển vào lĩnh vực bán lẻ cần trang bị sự linh hoạt cùng kiến thức rộng mở về thị trường. Ngoài ra, tư duy phản biện cũng là một kỹ năng quan trọng để thúc đẩy bản thân tìm ra những ý tưởng sáng tạo hơn, phù hợp hơn".
Một lời khuyên ở hầu hết các nhà tuyển dụng dành cho gen Z là nên tìm kiếm cơ hội việc làm từ khi còn đi học. Mục đích để bản thân có thêm trải nghiệm về lĩnh vực mình theo đuổi, từ đó có thể vạch ra lộ trình sự nghiệp trong vòng 3 đến 5 năm tới. Đây cũng là một điểm cộng lớn giúp ứng viên nổi bật. Bên cạnh đó, việc nỗ lực, đặt tâm huyết vào công việc mình đang gắn bó cũng là điều quan trọng để tạo nên thành công trong hành trình của mỗi cá nhân gen Z.