Giải thưởng Lương Định Của năm 2010: Hội làm giàu hút thanh niên

(CTG) Trẻ, vốn ít và mang khao khát lập nghiệp trên chính mảnh đất quê mình, nhiều thanh niên đã tụ lại, cùng lập hội giúp nhau làm giàu. Mô hình này nhanh chóng thành công, nhiều thành viên của hội sau đó trở thành những tỷ phú ở nông thôn…




Nguyễn Quyết Tiến và con bên ngôi nhà khang trang của anh tại xã Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội).


Hội nuôi lợn ở Bắc Sơn

Bắc Sơn là một vùng đất sỏi đá, khô cằn của huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Trước đây, phần lớn các hộ dân của xã sống bằng nghề bới rác ở bãi rác Nam Sơn nằm cạnh xã bên, thanh niên làng đa phần đi làm thuê ở xứ người.

Khi ấy Nguyễn Quyết Tiến, mới 20 tuổi, đang phụ trách bưu điện xã đã bỏ ngang về nhà xây chuồng chăn lợn, quyết chí lập nghiệp. Chỉ có một mình Tiến dám vay tiền ngân hàng xây chuồng trại, một mình nuôi hàng trăm con lợn thịt.

Thiếu thức ăn cho lợn, anh nấu rượu, lấy bã ủ cám. Nuôi lợn chưa hết, anh còn mở cửa hàng làm đại lý cung cấp phân bón, thức ăn chăn nuôi, cây con giống, hàng tạp hóa cho dân trong xã…

Chỉ trong vòng 3 năm, mô hình của Tiến đã thành công, anh trở thành tỷ phú trẻ nhất xã. Noi gương Tiến, những thanh niên cùng trang lứa trong xã tìm đến anh học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Năm 2000, theo gợi ý của Tiến, "Hội nuôi lợn xã Bắc Sơn" với 16 thành viên ra đời.

"Lúc ấy, mỗi thành viên góp 2 chỉ vàng để làm vốn lưu động. Chúng tôi sử dụng vốn này để hỗ trợ thành viên nào đang cần vốn chăn nuôi nhất, với hình thức không tính lãi. Chỉ sau khoảng 2 năm, những thành viên của hội đều trở thành chủ những trang trại lợn nuôi hàng trăm con trở lên. Có những lúc chúng tôi phải thuê riêng một đội chuyên đi cân lợn để xuất sản phẩm cho những lò mổ tại Hà Nội", Tiến kể lại.

Từ hội nuôi lợn, nhiều thành viên đã đầu tư sang các lĩnh vực khác như trồng chè, kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải, xăng dầu, hàng tạp hóa… Hầu hết họ đều trở thành những tỷ phú trẻ của Bắc Sơn. Đầu năm 2007, hội phát triển lên 35 thành viên và đổi tên thành Hội Doanh nghiệp trẻ xã Bắc Sơn - Thành Công, trong đó xã Bắc Sơn có 28 thành viên, xã Thành Công có 7 thành viên.

Hầu hết thành viên của hội đều có ô tô riêng, nhà cửa khang trang. Thành viên nhiều vốn nhất có hàng chục tỷ đồng, người ít vốn nhất cũng ngót nghét 2 tỷ đồng.

"Hội liên tục tổ chức các khóa học, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, đầu tư cũng như phổ biến các kiến thức khoa học kỹ thuật mới, chia sẻ thông tin thị trường trong sản xuất cho mọi người", Nguyễn Quyết Tiến, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ xã Bắc Sơn - Thành Công nói.

Câu lạc bộ nhà nông trẻ

Buổi họp của những thành viên CLB thanh niên lập nghiệp xã Hải Yến (Cao Lộc, Lạng Sơn) diễn ra chớp nhoáng trong cửa hàng tạp hóa của Chủ nhiệm Hứa Văn Thư, một chàng trai người Nùng. Họ vừa thống nhất phương án do Thư đề xuất là bán chịu cám để hỗ trợ những thanh niên địa phương chăn nuôi, đợi mùa thu hoạch mới lấy lại tiền.



Hứa Văn Thư bên đàn lợn của gia đình.


Thư sinh năm 1984, tốt nghiệp Trường Trung cấp Thú y Hà Tây (trước đây) năm 2006. Mặc dù lúc đó được một công ty thức ăn chăn nuôi tại Hà Nội mời ở lại làm việc với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng nhưng anh từ chối, về quê lập nghiệp. Với bộ dụng cụ thú y và nỗ lực làm việc, sau hai năm, anh đã có tiền xây nhà, mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, mở tiệm xay xát gạo, mua máy cày…

Năm 2008, anh tập hợp bạn bè trong làng lại thành lập CLB thanh niên lập nghiệp để giúp đỡ nhau làm ăn. CLB ban đầu có 3 thành viên với số vốn khoảng 30 triệu đồng... "Lúc ấy dân trong xã toàn phải mua thức ăn chăn nuôi với giá khá cao. Chúng tôi bàn nhau nhập cám về bán cho dân với giá rẻ hơn 25-30 nghìn đồng/bao. Đó là thương vụ đầu tiên của CLB", Thư kể lại.

Sau thành công ban đầu, họ nhập tiếp cây con giống về cung cấp cho người dân, đồng thời mở trung tâm tư vấn chăn nuôi, trồng trọt cho bà con ngay tại cửa hàng của Thư. Kinh tế của người dân xã dần được thay đổi, CLB thanh niên lập nghiệp của họ làm ăn cũng khấm khá dần.

Chỉ sau 1 năm ra đời, họ đã nhận bao tiêu phần lớn sản phẩm nông nghiệp trong xã, cũng như cung cấp cây con giống cho người dân. CLB nhanh chóng trở thành điểm tụ hội của hơn trăm thanh niên trong xã, họ đến để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, nhờ tư vấn các kiến thức kỹ thuật nuôi trồng.

Với thành tích xuất sắc trong quá trình tự thân lập nghiệp, giúp đỡ những thanh niên tại địa phương làm giàu, Nguyễn Quyết Tiến và Hứa Văn Thư đã vinh dự được Trung ương Đoàn xét tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2010. Mô hình hội, nhóm thanh niên nông thôn giúp nhau lập nghiệp được Hội đồng trao giải thưởng Lương Định Của năm 2010 đánh giá cao do có sức lan tỏa, thu hút thanh niên làm giàu cho bản thân và địa phương.

 

Theo Tiền phong