Anh Hờ A Do - Bí thư Đoàn xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), được xem là người “vác tù và hàng tổng”, luôn có mặt giải quyết mâu thuẫn của bà con nhân dân, giúp thanh niên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống trên mảnh đất quê hương.
Xuyên đêm hòa giải mâu thuẫn
Anh Hờ A Do vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng năm 21 tuổi, khi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Yên Bái. Tốt nghiệp năm 2017, trở về quê nhà công tác, Do trở thành một trong những trí thức trẻ hiếm hoi được học hành bài bản, sử dụng máy tính thành thạo.
Anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tà Cao (xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu), năm 24 tuổi. Thời điểm đó, Do là Bí thư chi bộ trẻ tuổi nhất tỉnh Yên Bái. Chi bộ thôn Tà Cao lúc đó có 14 đảng viên, trong đó, có những đảng viên nguyên là cán bộ xã. Vì thế, dù được tập huấn kỹ lưỡng nhưng những ngày đầu điều hành, tổ chức họp chi bộ, A Do không khỏi áp lực.
Một trong những thách thức lớn nhất của Bí thư Chi bộ thôn trẻ tuổi nhất tỉnh Yên Bái là hòa giải mâu thuẫn trong bà con nhân dân. Do trình độ hiểu biết của người dân nơi đây còn hạn chế nên khi có vấn đề, sự việc xảy ra dễ dẫn cãi cọ, tranh chấp về đất đai, nguồn nước sinh hoạt, nước tưới tiêu,… Cứ có tranh chấp, cãi cọ, là bí thư, trưởng thôn có mặt đầu tiên, lắng nghe, phân xử sao cho đôi bên cùng thấu hiểu, vừa lòng. Những thử thách đó giúp chàng trai trẻ trưởng thành nhanh chóng.
![]() |
Anh Hờ A Do cùng đoàn viên, thanh niên, người dân tham gia đổ đường giao thông nông thôn tại thôn Làng Mảnh |
Anh Hờ A Do kể, có những vụ việc anh phải đứng ra hòa giải xuyên ngày, xuyên đêm, phải huy động cả già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ cùng vào giải quyết. Điển hình như vụ việc anh em tranh chấp tài sản thừa kế sau khi cha mẹ qua đời, tại thôn Tà Cao, diễn ra từ 14h30 hôm trước đến 5 rưỡi sáng hôm sau mới xong. Phiên hòa giải diễn ra tại hội trường thôn, người dân hiếu kỳ vây kín hội trường.
“Sau cả buổi hòa giải không thành, đôi bên vẫn lời qua tiếng lại nặng nề, không ai chịu nhường ai, chúng tôi đưa ra giải pháp, ngồi riêng với từng người cho họ nói hết mọi ý kiến, nguyện vọng, xả hết mọi tức giận, chúng tôi ngồi lắng nghe. Khi người dân dần nguôi ngoai chúng tôi mới phân tích phải trái, vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn để họ hiểu. Vụ việc này tôi gần như vắt kiệt sức lực để giải quyết và cuối cùng phải nhờ cả sự vào cuộc của trưởng dòng họ mới thành. Đó là một trong những vụ việc cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm quý giá nhất”, A Do kể.
Anh Hờ A Do kể, có những vụ việc anh phải đứng ra hòa giải xuyên ngày, xuyên đêm, phải huy động cả già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ cùng vào giải quyết. Điển hình như vụ việc anh em tranh chấp tài sản thừa kế sau khi cha mẹ qua đời, tại thôn Tà Cao, diễn ra từ 14h30 hôm trước đến 5 rưỡi sáng hôm sau mới xong.
Niềm vui lớn nhất của anh là người dân thấu hiểu và xóa bỏ được khúc mắc, mâu thuẫn, sống đoàn kết với nhau hơn.
“Thời gian đầu đi xử lý các vụ việc tranh chấp, cãi cọ, mâu thuẫn, một số người lớn tuổi nhìn tôi lắc đầu nói: Cháu trẻ quá, không giải quyết được đâu. Nhưng thực tế đã chứng minh tôi làm được. Từ sự hoài nghi, thậm chí có khi bị… ghét vì xử cho người này thắng, người kia sai, người dân ngày càng yêu quý, tin tưởng tôi. Mỗi khi có việc gì, tôi được dân tín nhiệm hỏi ý kiến”, A Do chia sẻ.
Trưởng thành từ cơ sở, năm 2019 anh đạt giải Nhì hội thi Chi bộ giỏi của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Sáng kiến giúp dân thoát nghèo
Tháng 9/2020, anh Hờ A Do được tín nhiệm bầu đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN xã Tà Xi Láng. Tà Xi Láng nằm ở độ cao trung bình 1.500m so với mực nước biển, là xã đặc biệt khó khăn, nằm xa trung tâm nhất, ở trên những đỉnh núi cao nhất huyện Trạm Tấu. Xã có trên 70% hộ nghèo, 98% đồng bào dân tộc Mông, còn 1 thôn “3 không” (không điện lưới, không sóng điện thoại, không nước sạch).
![]() |
Anh Hờ A Do, Bí thư Đoàn xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái |
Xã Tà Xi Láng được chia thành 5 thôn: Chống Chùa, Làng Mảnh, Tà Cao, Tà Lù Đằng, Xá Nhù. Dân cư thưa thớt, trong cùng 1 thôn nhưng các nhà cách nhau 1-2 quả đồi. Mỗi lần triển khai nhiệm vụ, bắc loa thông báo nhiều nhà không nghe đến, sóng điện thoại không có, những cán bộ như anh phải leo đồi núi đi đến từng nhà. Ở những địa bàn xa, đặc biệt khó khăn như thôn Làng Mảnh, anh thường đến đó ăn ở hàng tuần để tuyên truyền, phổ biến, triển khai nhiệm vụ.
Mùa mưa đường lầy lội, để đi được vào thôn, bản, anh phải dùng dây xích cuốn vào lốp xe máy để tạo độ bám, không bị trơn trượt. “Tôi phải sắm 2 xe máy, 1 xe sạch đẹp hơn để đi lên cơ quan làm việc nhưng thú thực chẳng mấy khi được đi. Một xe cà tàng hơn để đi về cơ sở, xe này thì được trưng dụng thường xuyên. Cứ mùa mưa đến, tôi cưỡi con xe xấu, lấy xích cuốn vào lốp, mặc áo mưa, đi thêm đôi ủng nữa là cày trên mọi nẻo đường, chinh phục từng khúc cua tay áo, đến từng thôn bản, nhà dân”, Bí thư Đoàn xã Tà Xi Láng kể.
“Mục tiêu, mong muốn lớn nhất của tôi là luôn không ngừng nỗ lực dẫn dắt đoàn viên, thanh niên vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn”.
Anh Hờ A Do - Bí thư Đoàn xã Tà Xi Láng
Dù vậy, bất kỳ chủ trương, đường lối, chính sách nào, anh đều tiên phong tuyên truyền, thực hiện đến từng người dân, như cài đặt định danh điện tử VNeID, sổ tay điện tử đảng viên… Để tập hợp, đoàn kết đoàn viên, thanh niên trong xã, anh linh hoạt triển khai song song 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Với hình thức trực tuyến anh lập các nhóm Zalo, fanpage để tuyên truyền, phổ biến đến cả những người đi làm ăn xa. Nhờ đó, dù địa hình khó khăn, hiểm trở nhưng mọi kế hoạch, chương trình, hoạt động… của Đoàn, Hội đều được phổ biến kịp thời đến đoàn viên, thanh niên trong toàn xã.
Một trong những điều khiến anh trăn trở nhất là giúp người dân, đoàn viên, thanh niên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. “Chỉ trông chờ vào ngô, lúa thì không thể thoát nghèo được, cần phải phát triển các mô hình, dịch vụ khác”, anh nói. Anh đã có nhiều sáng kiến giúp người dân trồng cây đào phai để bán; phát triển các dịch vụ du lịch ở Tà Xi Láng. Trong đó, có công trình mở mới đường vào mạch nước thiêng thôn Tà Cao, xã Tà Xi Láng, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm; thành lập các đội hình thanh niên phục vụ khách du lịch; xây dựng homestay...
Anh vận động đoàn viên, thanh niên khai hoang mở ruộng bậc thang giúp những bạn trẻ chưa có ruộng, có đất để canh tác kiếm kế sinh nhai trên mảnh đất quê hương mình. Nhờ những giải pháp đa dạng đó, cuộc sống của người dân nói chung, đoàn viên, thanh niên phần nào giảm bớt khó khăn, không chỉ trông chờ vào mỗi ngô, lúa.
Anh Do kể, cả xã Tà Xi Láng không có một doanh nghiệp nào, chỉ có 1 vài hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Người dân nghèo khó như nhau. Mỗi lần tổ chức hoạt động Đoàn, Hội đều gặp khó khăn về kinh phí, gần như không có nguồn xã hội hóa. Trong khi đó, các bí thư chi đoàn thôn không có bất cứ một đồng trợ cấp nào. Anh Do thường tự trích một phần lương làm kinh phí hoạt động. Từ sự tiên phong, gương mẫu của bí thư, nhiều bạn đoàn viên, thanh niên đi làm ăn xa gửi tiền về ủng hộ, những bạn ở địa phương có điều kiện hơn chút cũng tình nguyện góp thêm. Nhờ đó, Đoàn Thanh niên có kinh phí tổ chức được các chương trình, hoạt động ý nghĩa thiết thực giúp quê hương ngày càng khởi sắc hơn.
“Là cán bộ Đoàn, mình không chỉ tiên phong, gương mẫu ở cơ quan, đoàn thể mà về nhà tôi cũng đi đầu trong lao động sản xuất. Lên cơ quan là cán bộ, về nhà làm 1 anh nông dân thực thụ, xắn quần quá đầu gối cày ruộng, cấy lúa, đổi công. Tôi cũng triển khai mô hình kinh tế trồng cây đào phai để bà con nhân dân và thanh niên học hỏi”, anh Do chia sẻ.