Là một giáo viên dạy tiếng Anh của trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Thanh Sơn, cô giáo Hà Thị Lan Hương luôn trăn trở làm sao để tạo hứng thú cho học sinh khi các em học tại nhà, nhất là khi trình độ của các em ở địa bàn miền núi không đồng đều, còn rụt rè trong giao tiếp, điều kiện học tập thực hành học nghe nói – một trong những kỹ năng còn hạn chế. Đón nhận cơ hội khi được lựa chọn dạy học trên truyền hình của tỉnh Phú Thọ với các đồng nghiệp trong tỉnh, những bài giảng trực tuyến của cô giáo Hà Thị Lan Hương đã được chọn phát trên kênh VTV7 của Đài Truyền hình Việt Nam; rồi đến những lớp học online. Thật ý nghĩa ngay trong đại dịch, cô đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé giúp các em học sinh trên quê hương Thanh Sơn có một môi trường học tập an toàn, hữu ích.
Cô giáo Hà Thị Lan Hương sinh năm 1980, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ (nay là Đại học Hùng Vương), năm 2001, cô được tuyển dụng vào ngành Giáo dục và Đào tạo, nhận công tác tại trường THCS Xuân Đài - một xã miền núi vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn (nay là huyện Tân Sơn). Mong muốn để các em được tiếp cận và yêu thích môn tiếng Anh, cô Hương đã tích cực soạn giảng cho các em học sinh xem các video, phim ngắn có phụ đề Tiếng Anh, học hát hoặc chơi các trò chơi bằng Tiếng Anh để các em làm quen với việc nghe nói nhiều hơn, đồng thời tăng khả năng giao tiếp và giúp các em tự tin hơn.
Cô Hương hướng dẫn các em học Tiếng Anh trên lớp. |
Cô chia sẻ: Năm 2007, tôi được chuyển công tác về trường THCS Lê Quý Đôn, thị trấn Thanh Sơn. Mười lăm năm công tác tại ngôi trường này, tôi say mê tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm, rút ra nhiều bài học cho chuyên môn nghiệp vụ để trở thành giáo viên dạy giỏi, quan trọng hơn cả tôi nhận thấy niềm đam mê, yêu thích học tiếng Anh từ chính học sinh của mình, khiến tôi có thêm động lực để phấn đấu, sáng tạo “Vì đàn em thân yêu”.
Vào khoảng thời gian các em học ở nhà để chống dịch, cô Hương đã tìm hiểu một số trang mạng xã hội để thử dạy học online. Cô thử sử dụng cuộc gọi Messenger nhưng số lượng người tham gia hạn chế; rồi tiếp tục tìm hiểu các kênh, các ứng dụng khác trên mạng xã hội như Facebook, Zalo nhưng cũng chưa hiệu quả. Cơ hội đến khi cô là một trong sáu giáo viên Tiếng Anh được chọn dạy học trên truyền hình của tỉnh, các bài giảng lần lượt được phát trên Đài tỉnh, Đài Trung ương. Vừa dạy học truyền hình, cô tiếp tục tìm hiểu các ứng dụng dạy học online khác để giúp học sinh đại trà được tham gia học tập được nhiều hơn, cho dù đó chỉ là giải pháp tạm thời. Cô tìm đến phần mềm zoom.us, google meet, Ms Teams, Olm.edu.vn, Shub,edu.vn, Quizizz, Google form …
Cô chia sẻ thêm: Tất cả các ứng dụng này đều yêu cầu học sinh phải có điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng Internet. Khó khăn lại đặt ra vì không phải mọi học sinh đều có thể tham gia được. Nhưng những em tham gia được đều được tận hưởng không gian học tập rất riêng mà từ trước tới nay các em chưa từng thấy, chưa từng trải nghiệm trong các giờ học online. Giáo viên vẫn giảng bài, giao bài tập, chia nhóm hoạt động, kiểm tra online; học sinh tương tác, giơ tay phát biểu, trả lời, nhận xét, chữa bài cho bạn; được tham gia thi đấu qua các trò chơi trực tuyến. Rồi tôi lại chia sẻ và hướng dẫn bạn bè đồng nghiệp sử dụng các ứng dụng đó trong giai đoạn giãn cách xã hội. Mọi người đều đón nhận hăng hái và nhiệt tình.
Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành, phương pháp giảng dạy mới này đã và đang thực sự gắn liền với quá trình giảng dạy trong thời đại công nghệ 4.0. Học sinh được tham gia các cuộc thi qua mạng Internet, rồi giao lưu các câu lạc bộ Tiếng Anh từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Tháng 12/2020, học sinh nhà trường tham gia giao lưu Câu lạc bộ Tiếng Anh dành cho học sinh THCS cấp tỉnh và đạt giải Nhì toàn đoàn. Kết quả thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 điểm trung bình môn Tiếng Anh của trường vươn lên xếp thứ 5/258 trường THCS trong toàn tỉnh.
Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp hiện nay và ngay cả sau này, việc dạy - học online thực sự mới mẻ nhưng mang lại nhiều ý nghĩa và hiệu quả. Với sự đam mê yêu thích Tiếng Anh của bản thân và tinh thần lan tỏa, cô Hương đã được đón nhận những tình cảm từ phía đến học sinh với bộ môn này. Những lớp học online của các thầy cô trên địa bàn huyện Thanh Sơn nói riêng và cả nước nói chung vẫn sẽ vui nhộn mà không thiếu phần hiệu quả. Hy vọng trong tương lai gần, quy mô, chất lượng, hiệu quả dạy và học môn Tiếng Anh trên địa bàn huyện miền núi Thanh Sơn sẽ không ngừng được nâng lên, tiến gần với vùng xuôi, góp phần thực hiện thành công Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2020-2025”.
Tỉnh Đoàn Phú Thọ