Thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, cô giáo Phạm Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San, huyện Phong Thổ (Lai Châu) vẫn đang tất bật cho các công việc trong trường.
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, cô Xuân cho hay, các thầy cô nơi đây không có khái niệm về việc thưởng Tết và đây là điều “xa xỉ” đối với giáo viên vùng cao. Vào dịp Tết hàng năm, nhằm động viên các giáo viên trong trường, nhà trường “lì xì” từ 50 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng trích từ quỹ công đoàn cho mỗi giáo viên.
|
|
Cô Bùi Thị Minh Khuyên chăm sóc học sinh |
Cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường PTDT bán trú tiểu học Pa Ủ, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, Lai Châu chia sẻ, những năm trước, dựa vào số tiền chi tiêu tiết kiệm, cuối năm nhà trường có một khoản gọi là chi tăng thêm thu nhập cho giáo viên.
Khi đó, nhà trường căn cứ vào kết quả đánh giá thi đua của mỗi nhà giáo để có mức chi, tuy nhiên không đáng kể. Năm nay nhà trường thông báo sẽ không có thưởng Tết, không có cả mức chi đó vì hết tiền. Trước Tết trường có nguồn hỗ trợ từ Phòng GD&ĐT, dự kiến sẽ chi đều cho mỗi nhà giáo 500.000 đồng.
Tại huyện vùng sâu, vùng xa Nậm Nhùn, chia sẻ với phóng viên, thầy giáo Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Hua Bum cho biết, giáo viên ở đây không có hai từ thưởng Tết. Các thầy cô chủ yếu được động viên bằng tinh thần. Lý do bởi nhà trường không có điều kiện, nguồn quỹ hạn hẹp.
Cô và trò Trường Tiều học Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu |
Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, các quy định của pháp luật chưa quy định về lương “tháng 13” hay thưởng Tết cho giáo viên. Đối với giáo viên trong tỉnh, thưởng Tết chủ yếu do các nhà trường tự cân đối nguồn và thưởng cho giáo viên để động viên tinh thần.
Bên cạnh Lai Châu, các giáo viên “cắm bản”, công tác tại các địa phương vùng cao Yên Bái cũng cùng chung nỗi lòng. Cô P.T.Y (giáo viên tại huyện Mù Cang Chải) tâm sự, từ khi vào nghề (năm 2009) đến nay, cô chưa được nhận tiền thưởng tết. Theo cô Y, hằng năm, nhìn các trường dưới xuôi có thưởng mà trên vùng cao không được nên bản thân cô cũng như nhiều đồng nghiệp rất chạnh lòng, tủi thân. Cô Y mong ngành có cơ chế đặc thù để động viên cho các giáo viên để có động lực cống hiến, gắn bó.
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Hà - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết, hiện huyện mới hoàn thiện chế độ chi trả lương cho cán bộ, giáo viên. Chế độ thưởng Tết sẽ theo quy chế chi tiêu nội bộ của từng trường.
Theo bà Hà, đối với Tết Âm lịch, nhà trường sẽ cân đối các khoản thu chi để thưởng cho cán bộ, giáo viên. Khen thưởng cho các Giáo viên có thành tích xuất sắc theo quy định. Tuy nhiên, các khoản thưởng chỉ mang tính tượng trưng.
Còn thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, nhà trường có 34 giáo viên. Mỗi nhà giáo sẽ được thưởng khoảng 400.000 đồng, cộng 200.000 đồng tiền của Công đoàn trường động viên thầy cô.
Lý giải về số tiền thưởng Tết của giáo viên vùng núi, vùng khó khăn thấp, thầy Phương nói rằng, hằng năm nhà trường tiết kiệm chi khoảng 10% để cuối năm có thêm một khoản cho giáo viên. Nguồn chi hoạt động phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương và số lượng học sinh do đó hiện nay cân đối, chắt chiu lắm cũng chỉ được có thế.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cho biết, lâu nay nghề giáo không có chế độ thưởng Tết. Mỗi dịp Tết, các nhà trường thường có khoản chi tăng thêm cho giáo viên và khoản này được tiết kiệm từ tiền chi hằng năm. Mức thu nhập tăng thêm của từng trường không đồng nhất tuy nhiên không đáng kể.
“Năm nay, các trường học trên địa bàn chưa có tổng kết, báo cáo. Riêng Ngành giáo dục, cuối năm thường tổ chức các hoạt động thăm hỏi, quan tâm thầy cô có hoàn cảnh khó khăn”, ông Khanh nói.
Theo TPO |