Hà Nội như một phần là máu thịt, là tâm hồn

(CTG) “Hút” người đến nỗi, không cần những con số thống kê, bạn chỉ cần làm một phép so sánh đơn giản: cách đây mấy năm, khi cầu vượt Ngã Tư Sở được thông, bạn thở phào vì đường về nhà không còn tắc nữa thì nay, đoạn đường này có thể bị tắc nghẽn bất cứ lúc nào. Và tình trạng ấy cũng có thể xảy ra với bất cứ tuyến đường nào, bất cứ giờ giấc nào cho dù ngành giao thông đã liên tục phân luồng, “bịt, gỡ” nhiều ngã ba, ngã tư.




Hà Nội là nơi "hút" người


Người đông, đường xá và nhà ở, công trình công cộng... không kịp nhu cầu, thế là Hà Nội trở nên chật chội, lem nhem, chênh lệch nhau giữa cái mới và cái cũ, thiếu hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ và gây khó khăn cho cuộc sống của con người đến nỗi người ta muốn dứt bỏ thành phố này mà đi. Vậy mà, sức hút của thành phố này vẫn mãnh liệt đến nỗi, chỉ cần đi xa Hà Nội vài ngày người ta đã không chịu nổi. Và nhiều người, xa Hà Nội một tuần, một tháng, một năm, thậm chí vài chục năm lại muốn quay về. Để được òa vào Hà Nội, dù chỉ với một ô cửa cũ kĩ, tróc lở, một góc phố “hàng” còn nguyên dấu ấn thời gian như thưở “ba sáu phố phường” hay chỉ đơn giản là tìm chút bình yên trong nơi chốn thân quen của mình.

Khi mang phim “Bi, đừng sợ!” sang Liên hoan phim Cannes so tài ở trường điện ảnh thế giới và đạt được thành công rất lớn với hai giải của Hiệp hội các nhà phát hành phim độc lập và giải cho biên kịch xuất sắc nhất, được mời ở lại thêm ba tháng để viết một kịch bản phim nữa, đạo diễn Phan Đăng Di đã từ chối cơ hội hiếm có này để về với Hà Nội. Suốt ba tháng trời ở Pháp, bận rộn với “đứa con tinh thần” đầu tiên do mình tự tay biên kịch, đạo diễn, Phan Đăng Di thường mơ Hà Nội với những buổi chiều nhạt nắng, từ trong quán cà phê Phố cũ ở 80 Lý Thường Kiệt, nơi anh gọi vui là “văn phòng” của mình nhìn ra thấy dòng người chảy trôi trong nhịp đập phố phường.

Nhạc sĩ Phạm Duy, ở tuổi 80 gần đất xa trời ông trở về Hà Nội sau nửa thế kỷ ly hương. Hà Nội vẫn dang rộng vòng tay đón ông bằng một “Ngày trở về” trong khán phòng Nhà hát lớn, ấm áp và chan chứa tình người. Rồi những con đường Hà Nội dẫn bước ông về ngôi nhà cũ ở phố Hàng Dầu, cho ông được chạm tay, được sống, được hít ngửi không khí ở nơi mà bao nhiêu năm xa xứ ông luôn hồi tưởng bằng hoài niệm. Tất nhiên, bây giờ không gian ấy đã có nhiều đổi thay, nhưng khi ngồi ven Bờ Hồ để chụp tấm hình sau này trưng ra bìa đĩa nhạc, hẳn Phạm Duy đã thấy quê hương mình ấm áp biết chừng nào...

Cứ tưởng người già mới hay hoài niệm, hóa ra, chàng nhạc sĩ lãng tử đất Hà thành Lê Minh Sơn khi ra đến đảo Trường Sa, bận rộn tưng bừng phục vụ cán bộ chiến sĩ trên đảo đến nỗi quên cả thời gian mà vẫn canh cánh thèm cảnh tắc đường, nhớ tiếng còi xe đặc trưng của Hà Nội. Tôi cũng từng sống với đất và người nơi đất mũi Sa Vĩ-điểm bắt đầu khi ta viết hình chữ S trên bản đồ Việt Nam-không tắc đường, không khói bụi, cảnh sắc thơ mộng với những hàng phi lao cao vút ngạo nghễ giữa biển trời mênh mông, và bạt ngàn hoa sim tím ngắt ngơ nơi vành đai biên giới, vậy mà sau một tuần đã thấy nhớ Hà Nội để ngẩn ngơ bật iPhone nghe đi nghe lại những giai điệu thiết tha: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội...”.

 

 

Theo Vietnamnet