Hải Minh - cô gái nhỏ và thời trang bền vững từ cói

(CTG) Vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói dịu êm, Hải Minh lại là một cô gái rất cứng rắn và kiên định khi chọn con đường khó: xây dựng thương hiệu thời trang thân thiện với môi trường từ những giá trị nghề thủ công của Việt Nam.

 

Hải Minh trong thiết kế áo và nón cói từ những chất liệu thời trang bền vững của cô - Ảnh: L.I.

Thay vì hẹn hò ở quán, Hải Minh (còn được biết đến với biệt danh Mimi Vesper) thường mời mọi người về "căn hộ" xây từ thời Pháp thuộc được cải tạo lại ở trung tâm quận 1, uống một tách trà, nhâm nhi vài cái bánh ngọt xinh xắn, cùng ngắm các sản phẩm thời trang thủ công thơm phức mùi cỏ cây hoa lá và tìm hiểu những câu chuyện về chúng.

Minh không gọi nơi bày bán các sản phẩm của mình là cửa hàng. Cô gọi nơi đây là "căn hộ" - nơi chứa đầy các thiết kế, các bản phác thảo vẽ tay của Minh dưới thương hiệu Leinné, cũng như sách và đồ vật mà Minh đã thu thập được từ các chuyến du lịch.

Hải Minh và thiết kế túi cói raffia cùng quai đeo cotton - Ảnh: L.I.

Hành trình về quê hương

Hải Minh đã có hơn 10 năm "vòng quanh thế giới" để thấm nhuần phong cách sống xanh, và truyền đi tinh thần đó đến với những tâm hồn đồng điệu lẫn chưa đồng điệu.

Minh kể: "Tôi rời Việt Nam năm 15 tuổi khi nhận học bổng trung học tại London (Anh). Lần đầu tiên được ở một mình trong một thành phố lớn vừa thú vị vừa thách thức.

Sau đó, tôi chuyển đến Paris (Pháp) để học về ngành sáng tạo. Pháp lại là một phong cách khác, thoải mái hơn. Tôi yêu năng lượng sáng tạo ở Paris. Có một cái gì đó về thành phố thúc đẩy mọi người sáng tạo hơn, tự giác hơn, tự do hơn".

Sau khi ra trường vào năm 2016, Minh ở lại Pháp làm việc. Đó cũng là thời điểm ba mẹ cô quyết định đóng cửa xưởng sản xuất hàng thủ công 20 năm. Mọi hành trình đều có một điểm xuất phát, và với Hải Minh, đó là nghề làm mũ thủ công của gia đình.

Hải Minh trong một thiết kế nón và túi từ raffia khác của cô - Ảnh: L.I.

"Hương vị" tự nhiên và tối giản

Xưởng của gia đình Minh suốt 20 năm qua chỉ gia công cho các nhà thiết kế nước ngoài, làm hàng xuất khẩu. Mẹ của Minh, dù mừng rỡ khi con gái trở về tiếp quản xưởng, cũng không khỏi lo ngại cô sẽ làm sao để phát triển một thương hiệu riêng, bán lẻ.

Không chỉ học về thiết kế mà còn cả về quảng cáo, tiếp thị, xây dựng thương hiệu từ một quốc gia hàng đầu về thời trang, Hải Minh hiểu "gu", "hương vị" và tinh thần của nhà thiết kế, nhà sáng lập sẽ quyết định sự thành bại của một thương hiệu thời trang.

"Tôi nghĩ rằng "hương vị" của tôi được xác định qua kinh nghiệm du lịch. Khi còn trẻ, tôi đã thử nghiệm nhiều phong cách, thường đi du lịch với một chiếc vali lớn. Khi tôi có nhiều kinh nghiệm hơn với những gì tôi thích, những điểm đến, tôi biết cách giữ mọi thứ tối thiểu, đơn giản và tập trung vào các yếu tố cần thiết".

Một thiết kế cực duyên từ cói - Ảnh: L.I.

Nhờ phong cách tối giản cùng những thiết kế xanh, thân thiện với môi trường, hướng đến dòng thời trang bền vững mà chỉ trong khoảng hai năm, Hải Minh cùng thương hiệu của riêng mình đã trở thành một "người bạn" của những ai theo đuổi phong cách sống xanh.

"Cô bạn" khả ái của cộng đồng sống xanh

Trước thắc mắc không ít về cái tên Leinné, Minh chưa từng có giải thích quá cụ thể cho "sáng tạo" này, chỉ gợi mở đó là sự kết hợp giữa từ tiếng Anh "leisure" và từ tiếng Pháp "inné" - như một cách thể hiện niềm đam mê sống, mong muốn trải nghiệm thế giới với sự quả cảm, đam mê và nhạy cảm.

Với các chất liệu từ thiên nhiên, Hải Minh làm ra quần áo, mũ nón, túi xách, giày dép và cả trang sức - Ảnh: L.I.

Cô chia sẻ: "Tôi muốn tạo ra một thương hiệu phong cách sống, kết hợp sự khéo léo của người Việt với các thiết kế hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chúng tôi làm ra những thiết kế gợi cảm và duy mỹ từ những loại nguyên liệu bền vững (chỉ dùng nguyên liệu tự nhiên hoặc tái chế) như: linen, cotton và cọ cứng từ lúa mì, cói nhân tạo từ giấy và đặc biệt là raffia tự nhiên dẻo dai và bền chắc… dành cho những người phụ nữ hiện đại, khám phá thế giới với đôi mắt và trái tim rộng mở".

Raffia - chất liệu cói yêu thích của Hải Minh. Để mang đến những sản phẩm nhiều màu sắc hơn, Minh cho nhuộm những sợi raffia này bằng rau củ - Ảnh: L.I.

Minh đặc biệt yêu thích raffia (một dạng cói từ Madagascar, châu Phi) bởi những đặc tính chống tia cực tím, không ẩm mốc, dẻo dai nên nếu có bị nếp gấp hay mất form vẫn có thể ủi lại được, có thể giặt tay nhẹ với nước...

Hải Minh nói: "Có quan niệm cho rằng những sản phẩm thủ công, thời trang từ các chất liệu tự nhiên là kém bền vững, mau hỏng, không thời trang. Nhưng chúng tôi đang nỗ lực chứng minh điều ngược lại rằng các sản phẩm này vẫn có độ bền cao, dễ sử dụng và cực kỳ thời trang, thậm chí là sang trọng vào hàng "Couture" nếu thiết kế khéo, chọn lựa chất liệu đúng và sử dụng đúng cách".

Yêu lối sống xanh, muốn chung tay bảo vệ môi trường, nhiều bạn trẻ ngày nay đã chọn các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường cùng mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh: L.I.

 

Để phát triển bền vững, Hải Minh đã xây dựng những tiêu chuẩn cho thương hiệu của mình như: Luôn sử dụng nguyên liệu tự nhiên có thể phân hủy trong môi trường; Định hướng cho khách yêu mến và giữ gìn các thiết kế đã mua trong thời gian lâu dài (tập trung vào các giá trị thủ công, truyền thông các thông tin về sự bền vững);

Xây dựng chương trình chăm sóc khách hàng, giúp khách hàng giữ bền được các thiết kế đã mua; Các bao bì đóng gói mang tính bền vững, khuyến khích khách sử dụng lại bao bì (không in tên thương hiệu lên bao bì);

Dành một khoản lớn trong doanh thu cho việc nghiên cứu và phát triển tính bền vững của chất liệu cũng như cách sản xuất (15-20%)...

Mức lương và điều kiện làm việc tốt cho thợ thủ công cũng là một trong những tiêu chuẩn "bền vững" mà Minh hướng tới.

Theo TT