Năm 2015 tốt nghiệp trường Cao đẳng Xây dựng số 2, Đỗ Văn Phúc từng kỳ vọng sẽ tìm được công việc ổn định từ chính ngành mình theo học. Anh sang Nhật Bản thực tập, với hy vọng học hỏi và cải thiện kinh tế. Tuy nhiên, cuộc sống nơi đất khách không như mơ. Sự khắc nghiệt của môi trường làm việc cùng cảm giác xa lạ đã khiến anh nhận ra bản thân không phù hợp.
Phúc bên vườn hoa cẩm cù. |
Tháng 11/2017, Phúc trở về quê hương trong tâm trạng rối bời, không biết lên bắt đầu từ công việc gì và đối diện với suy nghĩ tìm ra hướng đi mới. “Mình nhận ra, quê hương mới là nơi mình thuộc về. Chỉ ở đây, mình mới cảm thấy bình yên và có thể xây dựng một tương lai thuộc về chính bản thân mình”, Phúc chia sẻ.
Ngày đầu trở về, Phúc tham gia lực lượng công an xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập. Công việc này giúp anh tiếp cận sâu hơn với đời sống của người dân địa phương, nhìn thấy cảnh đồng ruộng quê hương, tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ đây, Phúc đã thấy tình yêu dành cho nông nghiệp mà bản thân gắn bó từ bé trỗi dậy.
Cũng trong một chuyến tình nguyện tại vùng biên giới Bù Gia Mập, Phúc vô tình bắt gặp loài hoa cẩm cù. Đây là một loại cây cảnh với hình dáng độc đáo. Anh tìm hiểu kĩ hơn và nhận thấy, đây là loài hoa có giá trị kinh tế cao, đặc biệt được ưa chuộng ở thị trường quốc tế như Thái Lan, châu Âu và châu Mỹ.
Từ đây, ý tưởng khởi nghiệp từ hoa cẩm cù bắt đầu nhen nhóm. Dẫu vậy, hành trình khởi đầu không hề dễ dàng. Phúc thiếu kinh nghiệm nông nghiệp, nguồn vốn hạn hẹp và thị trường tiêu thụ còn mới mẻ. “Khó khăn lớn nhất chính là bản thân chưa biết gì về hoa cẩm cù, từ kỹ thuật trồng cho đến cách tiếp cận thị trường. Nhưng mình tin rằng, nếu quyết tâm học hỏi và gắn bó với quê hương, mọi thứ đều có thể vượt qua”, Phúc chia sẻ.
Với quyết tâm của chàng trai trẻ là làm giàu chính mảnh đất quê hương mình. Năm 2019, Phúc bắt đầu xây dựng vườn hoa đầu tiên của mình. Với số vốn ít ỏi, anh tận dụng những nguyên liệu tái chế như lưới B40 cũ, ly nhựa để làm giàn trồng và hệ thống chậu. Đồng thời, anh áp dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, như sử dụng vi sinh bản địa và phân bón sinh học…
Với tinh thần cầu tiến, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, tìm hiểu đặc tính từng loài hoa và kết nối với các cộng đồng yêu hoa cẩm cù trên cả nước. Chỉ sau vài năm, Phúc đã xây dựng thành công một vườn hoa rộng lớn, với gần 400 loài cẩm cù khác nhau, trong đó có nhiều giống bản địa quý hiếm như Hoya lockii, hay Hoya thuathienhuensis.
Hiện nay, vườn hoa của anh không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản và châu Âu. Thành công này không chỉ giúp anh ổn định cuộc sống mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Bình Phước đến bạn bè quốc tế.
Đỗ Văn Phúc nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2024. |
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế, Đỗ Văn Phúc còn chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhiều bạn trẻ khác tại địa phương trong hành trình lập nghiệp. Anh tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, gắn bó với quê hương.
Trong tương lai, Đỗ Văn Phúc dự định mở rộng quy mô vườn hoa và đưa hoa cẩm cù trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Anh cũng hy vọng sẽ xây dựng được một thương hiệu hoa cẩm cù mang đậm bản sắc Bình Phước, góp phần đưa hình ảnh quê hương vươn ra thế giới.
Anh Kiệt