Ca sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà (nghệ danh: Hà MyO, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2021): Kết nối thế hệ trẻ với văn hóa dân tộc
Từ trước đến nay tôi rất thích tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội và các chương trình thiện nguyện. Đi với Đoàn, Hội có sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và các chương trình với các bạn trẻ giúp mình có thêm rất nhiều năng lượng tích cực.
Tôi hy vọng tổ chức Đoàn sẽ quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động văn hóa dành cho thế hệ trẻ, tổ chức thêm các cuộc liên hoan, cuộc thi, giao lưu kết nối giữa các đoàn viên thanh niên để chia sẻ về những nét văn hóa dân tộc, từ âm nhạc, hội họa, phục trang, ẩm thực Việt.
Đoàn tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng, tuyên dương những cá nhân có mong muốn, có thành tích đóng góp cho văn hóa truyền thống để tạo động lực cho thế hệ trẻ nói chung.
Tôi cho rằng trường học là cầu nối chính, thiết thực nhất để kết nối giữa thế hệ trẻ với văn hóa dân tộc. Do đó, tôi mong muốn có thêm nhiều các hoạt động mang tính văn hóa được tổ chức ở các trường học, giúp các bạn trẻ có cơ hội trực tiếp tiếp cận với văn hóa dân tộc.
Nhạc sĩ trẻ Mai Trâm (Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM): Đi với Đoàn để trái tim biết rung cảm
Với tôi, Đoàn như một người bạn thân thương, gắn bó từ khi bắt đầu được đeo trên mình chiếc huy hiệu Đoàn đến nay.
Được đi cùng Đoàn trên nhiều chuyến đi, đến nhiều nơi xa xôi của Tổ quốc, trái tim mình biết rung cảm hơn và những khúc ca tuổi trẻ của tôi qua những tháng ngày gắn bó với màu áo xanh đã được Đoàn đón nhận. Đó là niềm vui, vinh dự cho tôi trong suốt những năm tháng tuổi trẻ.
Để văn nghệ sĩ trẻ thêm "yêu Đoàn", sẵn sàng góp sức cho Đoàn trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, theo tôi, tổ chức Đoàn cần tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ trẻ được tham gia vào những hành trình về nguồn, đến những nơi xa xôi của Tổ quốc như biên giới, biển đảo…
Qua những chuyến đi, cảm xúc trong mỗi người sẽ được vun bồi, tình yêu với quê hương đất nước sẽ là nền tảng cho mỗi chúng ta để làm việc và cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc mình.
Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Nga (22 tuổi, ở Hà Nội): Đưa gìn giữ văn hóa Việt thành phong trào trong giới trẻ
Bản thân tôi hay nhiều người trẻ khác rất thích việc tìm hiểu văn hóa của đất nước mình cũng như học hỏi văn hóa từ các nước khác. Từ trăn trở đó, tôi quyết tâm biến thành hành động theo hướng khôi phục cổ phục Việt, góp phần gìn giữ nét văn hóa đẹp của Việt Nam.
Ở góc độ một người trẻ làm văn hóa, tôi mong muốn rằng Đoàn có thể giúp các hoạt động quảng bá văn hóa phát triển mạnh hơn nữa, biến nó thành phong trào trong giới trẻ.
Những người trẻ đang đi làm văn hóa như chúng tôi tuy có niềm đam mê, sức trẻ, sự nhiệt huyết nhưng rất muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm từ các bậc tiền bối.
Mong rằng tổ chức Đoàn sẽ là cầu nối, kết nối người trẻ làm văn hóa với thế hệ đi trước, tạo cơ hội để những người trẻ yêu văn hóa được tham gia các sự kiện có quy mô hơn để lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp gìn giữ văn hóa Việt.
Bạn Phan Đức Bình (25 tuổi, đồng sáng lập câu lạc bộ Đại Việt Phong Hoa, Long Thành xạ nghệ): Hỗ trợ người trẻ theo đuổi đam mê văn hóa Việt
Những người trẻ làm về văn hóa Việt đang gặp phải nhiều khó khăn như rào cản ngôn ngữ, khả năng tiếp cận tài liệu, hiện vật, điều kiện tài chính. Thậm chí, họ thường bị gắn mác là "âm lịch", nhiều người bị chính gia đình họ ngăn cản, cấm đoán tham gia, hoạt động trong lĩnh vực này.
Trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, tôi mong muốn Đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ những người trẻ trên con đường theo đuổi đam mê với văn hóa Việt.
Song song với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho các bạn trẻ, Đoàn có thể đưa thêm nhiều hoạt động kết nối những người trẻ có niềm đam mê với văn hóa, đưa thêm các hoạt động tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa vào nội dung sinh hoạt Đoàn.
Tôi cũng kỳ vọng nhiệm kỳ tới, Đoàn sẽ đề ra những phương hướng nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng người trẻ trong công cuộc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam ta.
Theo TT