Cần trở thành chiến lược của quốc gia
(Lê Anh Tiến, CEO Chatbot Việt Nam - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019)
Anh Lê Anh Tiến |
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan diễn ra mọi mặt đời sống, trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến sinh hoạt, học tập, làm việc và phát triển của các bạn trẻ. Công nghệ, các nền tảng số và năng lực số cho các bạn trẻ trở thành những nhân tố đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng số trở thành lực lượng vô cùng quan trọng, có tính quyết định. Do vậy, việc đầu tư nâng cao năng lực số cho bạn trẻ nên cần được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ, và trở thành chiến lược của quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đóng góp với vai trò hạt nhân chính trị quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết, xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, cổ vũ thanh niên thi đua học tập, khởi nghiệp, lao động sáng tạo trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm góp phần tạo nên những thành tựu mới to lớn và có ý nghĩa cho nước nhà. Những bạn trẻ có đam mê và yêu thích các lĩnh vực công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, thực tế ảo/thực tế tăng cường, chuỗi khối, in 3D hay các lĩnh vực về khoa học công nghệ, kỹ thuật, toán học, kinh doanh cần được Nhà nước ưu tiên phát triển. Ngoài ra, tổ chức Đoàn cần mạnh dạn kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư để giải phóng năng lực tuổi trẻ, cống hiến, vì sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc nhờ vào phát triển kinh tế số và khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, mỗi bạn trẻ cần liên tục cập nhật, trang bị kiến thức và hiểu biết về cách thức vận hành, luật lệ của nền kinh tế số (ví dụ các vấn đề liên quan đến mối quan hệ khách hàng-nhà cung cấp với các nền tảng toàn cầu), sở hữu trí tuệ… Đồng thời, nâng cao bản lĩnh chính trị, tự trang bị cho mình kiến thức để có “vắc xin” trước các luồng thông tin xấu, độc, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng xã hội, internet…
Xây dựng hệ thống học trực tuyến mở cho ĐVTN
(Trần Hoàng Lộc, giảng viên Khoa Kỹ thuật máy tính, Ủy viên Ban thường vụ Đoàn Trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia TPHCM)
Anh Trần Hoàng Lộc |
Kể từ sau đại dịch COVID-19, chúng ta dần ý thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của vấn đề chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong giáo dục và các dịch vụ công. Là một giảng viên đại học dành nhiều thời gian trong công tác triển khai các bài giảng số, tôi càng nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng việc nâng cao năng lực số, đặc biệt là với đối tượng ĐVTN. Trong thời đại hiện nay, lực lượng ĐVTN sẽ là động lực thúc đẩy lớn nhất cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Bởi thế hệ trẻ là đối tượng dễ tiếp cận với các công nghệ mới, có thể tạo ra nhiều đột phá nhờ sự sáng tạo, nhạy bén với thời cuộc và lan tỏa, hỗ trợ những người xung quanh mình.
Do đó, tôi rất đồng tình với một trong ba nhiệm vụ đột phá mà Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đặt ra. Đó là “Nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên có nhận thức, thái độ đúng đắn về chuyển đổi số; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Nhiệm vụ này đặt ra một thách thức lớn cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp ở khắp mọi miền đất nước. Tại những vùng sâu, vùng xa, chúng ta cần phải hỗ trợ phổ cập các kỹ năng cơ bản về việc vận dụng các công cụ để tham gia vào quá trình làm việc, học tập trên nền tảng số. Đó không chỉ đơn thuần là những kiến thức trong môn Tin học mà còn là những kỹ năng thiết thực từ việc sử dụng mạng xã hội, email, đến vận dụng các công cụ quản lý công việc và gia tăng hiệu suất học tập, lao động. Với đối tượng ĐVTN tại các thành phố, vấn đề mà đội ngũ cán bộ Đoàn cần phải giải quyết chính là bài toán về nâng cao năng lực khai thác thông tin, bảo mật thông tin, đặc biệt là vấn đề đạo đức/tác phong trên mạng xã hội.
Là một giảng viên, tôi ấp ủ tham vọng về việc xây dựng một hệ thống học trực tuyến mở. Đây là một cổng học liệu mở cung cấp các kiến thức cơ bản về các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau mà tại đó, bất kỳ ĐVTN nào cũng có thể đăng ký một tài khoản, tham gia khóa học và gặt hái kiến thức từ đó. Tôi mong rằng, Đại hội Đoàn XII có thể cân nhắc thảo luận và đưa vào chương trình hành động mô hình cổng học liệu mở này được lan tỏa, nhân rộng ra toàn quốc.
Theo TP