Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan
* Trong nhiều năm qua, việc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đã trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Theo ông liệu vấn đề này sẽ có ảnh hưởng thế nào đến an ninh khu vực?
- Biển Đông, về bản chất là đường vận tải xương sống quan trọng cho tất cả các quốc gia trong khu vực, cả đông và tây. Có từ 80-85% nguồn năng lượng cho các quốc gia Đông Á, cho dù đó là Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều đi qua khu vực này. Hầu hết các hàng hóa được xuất khẩu ra thế giới đều phải đi qua khu vực biển Đông.
Chúng ta không hề cường điệu về tầm quan trọng của an toàn, an ninh và tự do hàng hải ở biển Đông cho tất cả các nước trong khu vực. Do vậy bất cứ sự mất ổn định nào ở khu vực này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lòng tin trong khu vực và ảnh hưởng to lớn đến thương mại, đầu tư và du lịch trong khu vực. Đó là lý do vì sao đây là vấn đề được quan tâm.
Vấn đề biển Đông đã được thảo luận từ hơn 10 năm qua kể từ khi tôi còn làm ngoại trưởng (Thái Lan). Đầu tiên, chúng tôi muốn có được sự rõ ràng để kiểm soát được bất cứ xung đột tiềm năng nào. Cái đó gọi là Bộ quy tắc ứng xử. Thực tế đã có những tham vấn thường xuyên để đảm bảo rằng sẽ không có xung đột nào giữa các bên tuyên bố chủ quyền.
Và tôi biết rằng tháng trước đã có một cuộc làm việc nhóm về vấn đề biển Đông ở Việt Nam. Vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận trong ASEAN cũng như các bên có liên quan; được ưu tiên cao trong nghị trình của ASEAN. ASEAN muốn thấy hòa bình, an ninh tự do hàng hải ở biển Đông...
* Ông đánh giá thế nào về triển vọng đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
- Thực tế là chúng ta đã duy trì được hòa bình ở biển Đông. Không có xung đột, không có bạo lực thực sự đã là thành công. Phải mất bao lâu để có thể đạt được một giải pháp cuối cùng cho biển Đông, thực sự là chúng ta chưa biết. Tôi nghĩ hy vọng của chúng ta là có thể duy trì hòa bình, ổn định và an toàn hàng hải ở khu vực này. Đó là điều quan trọng cho tất cả chúng ta, cả Đông và Tây.
* Về những khó khăn cho việc xây dựng cộng đồng ASEAN tới 2015, xin cho biết ý kiến của ông.
- Đó là sự đa dạng trong cộng đồng ASEAN, không chỉ trong mức độ phát triển mà còn trong lịch sử, văn hóa và các giá trị khác... Do những khác biệt này chúng ta chưa thể trở thành giống như EU.
Về phương diện kinh tế, có khoảng cách rất lớn giữa các nước...
Chúng ta tìm cách vượt qua khoảng cách đó bằng nhiều cách và thực hiện việc đó bằng chính khả năng của mình. Chúng ta có cái để mà kêu gọi khởi đầu cho sự hội nhập của ASEAN. Các nước ASEAN phát triển có thể giúp đỡ các nước kém phát triển hơn. Sau đó, chúng ta mở vấn đề này cho các đối tác đối thoại trong khu vực Mê Kông. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU và Mỹ đã và đang đóng góp cho một cơ sở hạ tầng tốt hơn. Trong đó có hạ tầng mềm gồm lập pháp, pháp luật, các quy định...; và hạ tầng cứng như đường sá, hàng không...
Với những sự hỗ trợ này hy vọng khả năng hội nhập các nền kinh tế của chúng ta sẽ tốt hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Thanh niên