Học chuyển đổi số qua Làng số

CTG - Cuốn sách Làng số viết về những câu chuyện chuyển đổi số của người dân bình thường đã tự mình sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hằng ngày trong cuộc sống.

Những câu chuyện này sẽ truyền cảm hứng, giúp mọi người cùng tham khảo, học hỏi, áp dụng, lan tỏa và quan trọng nhất là có thể tự làm, để từ đó tự giúp chính mình chuyển đổi số mà không phụ thuộc vào người khác. Sách do Bộ Thông tin - Truyền thông chỉ đạo biên soạn.

Những ngôi làng số

Cuốn sách giới thiệu khoảng 30 nền tảng số "Make in Vietnam" và 50 câu chuyện gắn với hơn 100 con người điển hình có thể truyền cảm hứng, gợi mở cách làm cho người dân, mỗi làng, xã, hợp tác xã về chuyển đổi số. Mỗi câu chuyện khắc họa con người, công việc, vấn đề, cách làm, công cụ và kết quả cụ thể. Sau từng câu chuyện, người dân sẽ tự làm để giúp chính mình, sau đó giúp gia đình và những người xung quanh. Từ đó sẽ dần hình thành nên những công dân số, gia đình số, ngôi làng số và quốc gia số.

Học chuyển đổi số qua Làng số- Ảnh 1.
 

Một hoạt cảnh trong sách Làng số thể hiện việc thanh niên giúp người dân tham gia chuyển đổi số

SÁCH LÀNG SỐ

Mỗi làng, mỗi xã sẽ là một cộng đồng khác biệt, vì thế sẽ không có mô hình làng số phù hợp cho tất cả. Tuy nhiên, từng câu chuyện đều gắn với bối cảnh, cách làm và kết quả để người dân, chính quyền tham khảo, học hỏi, áp dụng và từ đó giúp lan tỏa, nhân rộng, từng bước hình thành nên các làng số trên khắp cả nước.

Mỗi nền tảng số được giới thiệu trong cuốn sách là một "viên gạch", hướng tới giải quyết các nhu cầu trong cuộc sống của người dân. Mỗi nền tảng số được giới thiệu giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, tiện ích, thụ hưởng thành quả do công nghệ mang lại. Mỗi người dân, mỗi làng, dựa trên nội lực, văn hóa, đặc điểm địa phương có thể lựa chọn những "viên gạch" này để xây dựng nên ngôi làng số của chính mình.

Đọc từng câu chuyện trong cuốn sách, mọi người sẽ đi từ cảm giác ngạc nhiên đến trầm trồ vì chính những người dân bình thường, họ đã tự mình sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hằng ngày trong cuộc sống. Chính họ đã làm "sang" cho công việc nông nghiệp vốn chân lấm tay bùn, thay đổi diện mạo làng quê trở nên văn minh, hiện đại và phát triển hơn. Để từ đó, nhiều người đã tự tin làm giàu trên chính làng quê của mình.

Học chuyển đổi số qua Làng số- Ảnh 2.

Thanh niên áp dụng khoa học công nghệ trên đồng ruộng

SÁCH LÀNG SỐ

Chuyện của những nhà nông số

Đến với Làng số các bạn sẽ thấy được câu chuyện của học sinh vùng quê học trực tuyến, các cô chú nông dân trên những cánh đồng không dấu chân người, hay đi chợ không cần tiền mặt, ở nhà vẫn có thể được khám bệnh… Ở đó có già làng số, chợ số, nhà văn hóa số, thư viện số… và vô vàn những câu chuyện chuyển đổi số của người dân ở chính những làng quê xa xôi.

Trong đó, có câu chuyện về mô hình "Cây xoài nhà tôi" của những nông dân HTX Xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, H.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Họ đã nghĩ ra cách bán trái cây qua mạng cho khách hàng khắp cả nước. Mô hình này sau đó đã nhân rộng ra toàn tỉnh, mang lại thu nhập cao, thay đổi tư duy làm kinh tế của những người nông dân trồng xoài.

Không những thế, trên mỗi cây xoài đều có gắn mã QR, các nông hộ tham gia mô hình "Cây xoài nhà tôi" được tạo lập cơ sở dữ liệu riêng, quản lý tất cả các cây xoài. Đối với thông tin định danh của từng cây xoài gồm có: giống, mã định danh, tuổi, giá bán, thời gian sở hữu, hình ảnh về cây xoài. Khách hàng có thể vào website: https://nongsancaolanh.vn để chọn 1 cây xoài mà mình vừa ý và đặt mua. Tùy vào chủng loại và năm tuổi mà từng cây xoài sẽ có giá bán khác nhau.

Học chuyển đổi số qua Làng số- Ảnh 3.

Livestream bán hàng

SÁCH LÀNG SỐ

Hay câu chuyện về trồng rau bằng điện thoại thông minh. Tháng 2.2022, HTX Tuấn Ngọc bắt đầu ứng dụng hệ thống internet vạn vật (IoT) vào sản xuất rau thủy canh. Với bộ điều khiển được gắn cảm biến đến sát khu vực trồng rau, cho phép biết được nhiệt độ, độ ẩm của cây… Toàn bộ hệ thống IoT được cài đặt chỉ số và điều khiển qua điện thoại kết nối wifi. Nhờ ứng dụng công nghệ đã tạo điều kiện môi trường tốt nhất cho rau sinh trưởng và phát triển nhanh.

Rồi những cánh đồng lúa thông minh không dấu chân người của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Ðông 2 (xã Mỹ Ðông, H.Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp). Khi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh được cài đặt các ứng dụng về bơm tưới và quản lý dịch hại trên đồng ruộng, người nông dân có thể canh tác lúa trên những cánh đồng diện tích rộng lớn mà không cần tốn nhiều công sức chăm sóc, giám sát. Công việc đồng áng có thể thực hiện ngay từ xa qua điện thoại thông minh kết nối mạng.

Ngay cả với công đoạn phun thuốc trừ sâu, máy móc cũng dần thay thế con người. Giờ đây, người dân đã có thể phun thuốc trừ sâu sử dụng các thiết bị máy bay không người lái được điều khiển từ xa, tiết kiệm công sức và tránh được các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

 

Cũng không khỏi ấn tượng với hệ thống chiếu sáng thông minh cho nông sản của người dân tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, cây thanh long là loại cây ăn quả phổ biến và đem lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh Bình Thuận. Nhằm giúp cây thanh long tăng sản lượng và chất lượng tốt, bà con nông dân đã áp dụng các giải pháp chiếu sáng công nghệ cao, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng năng suất cây trồng.

Học chuyển đổi số qua Làng số- Ảnh 4.

Gia đình cùng tham gia chuyển đổi số

SÁCH LÀNG SỐ

Trong cuốn sách cũng có câu chuyện về ứng dụng công nghệ vào trồng cây ăn trái, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tối ưu hiệu suất lao động cho nông trại Thiên Nông, tỉnh Bình Phước.

Bình Phước là tỉnh có tiềm năng lớn về mặt nông nghiệp. Xuất thân trong một gia đình nhà nông, ngay từ nhỏ anh Đặng Dương Minh Hoàng đã trăn trở khi thấy gia đình và những bà con xung quanh quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để làm nông nghiệp nhưng sản phẩm đầu ra lại có hiệu quả kinh tế không cao.

Có cơ hội được học tập tại Pháp với chuyên ngành tự động hóa. Sau khi tốt nghiệp, anh Minh Hoàng quyết định trở về để phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững ngay trên chính quê hương mình. Nông trại Thiên Nông do anh thành lập đang áp dụng các công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp từ giai đoạn sản xuất đến tiêu thụ như: tưới tiêu tự động sử dụng internet vạn vật (IoT), điện năng lượng mặt trời áp mái, hệ thống camera giám sát toàn vườn, máy bay không người lái xịt thuốc phòng và trị bệnh cho cao su, nhật ký điện tử AutoAgri truy xuất nguồn gốc thông qua tem nhãn, mã QR, sử dụng tiếp thị số thông qua các nền tảng mạng xã hội, nguồn phân hữu cơ tự sản xuất. Sản phẩm đầu ra được phân phối trên các kênh siêu thị truyền thống và các sàn thương mại điện tử với truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Và còn rất nhiều câu chuyện chuyển đổi số ấn tượng khác, có thể tìm đọc tại các địa chỉ: https://langso.dx.gov.vn; Facebook https://www.facebook.com/lang.so.mic; Zalo: https://zalo.me/3554979280957564525.

Theo TNO