Học nghề bài bản, việc làm bền vững

CTG - "Bạn trẻ muốn có việc làm bền vững, thu nhập ổn định thì phải kiên trì và đầu tư học nghề nghiêm túc, bài bản 1 - 2 năm", ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, trao đổi tại Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023.

Diễn đàn do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ LĐTB&XH, T.Ư Đoàn tổ chức mới đây.

Kiên trì học nghề nghiêm túc

Trao đổi tại Diễn đàn, chị Nguyễn Thị Huyền Minh, Trưởng phòng Tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Bắc Ninh, bày tỏ băn khoăn, hiện các bạn thanh niên tham gia thị trường lao động từ rất sớm. “Ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, nhiều bạn trẻ vào làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ sử dụng lao động đến một độ tuổi nhất định. Các bạn lại phải loay hoay tìm kiếm công việc khi tuổi đời không còn trẻ, đặt ra không ít thách thức”, chị Minh nói.

Học nghề bài bản, việc làm bền vững ảnh 1

Bạn trẻ tham gia Ngày hội tư vấn và giới thiệu việc làm năm 2022

 

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho rằng, lao động bị sa thải khi hết độ tuổi thanh niên là thực tế đã và đang diễn ra ở các khu công nghiệp. Điều này xuất phát từ chính nhu cầu muốn kiếm tiền nhanh của các bạn trẻ. Nhiều bạn ngại học nghề, chỉ muốn học nhanh 1 - 2 tháng rồi đi làm kiếm tiền, như vậy sẽ khó kiếm được nghề bền vững.

“Bạn trẻ muốn có nghề bền vững, thu nhập ổn định thì phải kiên trì và đầu tư học nghề nghiêm túc, bài bản 1 - 2 năm. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, thanh niên phải biết tận dụng, kiên trì và có quyết tâm cao để học nghề”, ông Thanh nói. Những bạn trẻ muốn chuyển đổi nghề có thể đến trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để đăng ký đào tạo, được tư vấn giới thiệu việc làm.

Ông Thanh cho biết, trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, Bộ LĐTB&XH đang triển khai dự án phần mềm kết nối cung - cầu của người lao động. Với dự án này, tất cả những người đến độ tuổi lao động sẽ được tự động cập nhật thông tin, dữ liệu đầy đủ vào hệ thống cho nhà quản lý, công ty, doanh nghiệp chủ động nắm bắt. Bên cạnh đó, phần mềm cập nhật kịp thời, đầy đủ tất cả thông tin, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đơn vị.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kêu gọi các bạn trẻ hãy mạnh dạn khởi nghiệp, chọn con đường trở thành doanh nhân. Ông cho rằng, bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay không còn đơn độc khi đã có nhiều cộng đồng khởi nghiệp. “VCCI có chương trình Khởi nghiệp quốc gia với quy mô, tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, luôn chào đón và sẵn sàng hỗ trợ các bạn thanh niên khởi nghiệp”, ông Phòng cho biết.

Hỗ trợ sinh viên làm thêm

Bạn Trần Thị Kiều Anh, Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nêu thực tế, phần lớn sinh viên sau giờ học đều tranh thủ đi làm thêm bên ngoài để có kinh nghiệm thực tiễn và thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc quản lý sinh viên làm thêm chưa được các ngành quan tâm. Kiều Anh đặt câu hỏi, thời gian tới có chính sách gì về quản lý việc làm thêm của sinh viên hiện nay?

 

Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên - Bộ GD&ĐT, khẳng định, nhu cầu làm thêm của sinh viên hiện nay rất lớn. Thực tế, có một bộ phận thanh niên đi làm thêm sau giờ học chỉ đơn thuần là kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nhiều công việc các em làm không liên quan, không hỗ trợ cho ngành đang học. Do thiếu kinh nghiệm, hiểu biết, nhiều sinh viên làm thêm không được đảm bảo quyền lợi, thậm chí bị lợi dụng, không ký kết hợp đồng lao động dẫn tới khó khăn trong hỗ trợ các em khi xảy ra vấn đề. Đặc biệt, có nhiều việc làm thêm trên mạng xã hội, trang web lợi dụng lòng tin, mong muốn làm việc lương cao của sinh viên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã giao các cơ sở giáo dục hướng dẫn sinh viên tìm kiếm nhu cầu tuyển dụng, tự đánh giá kỹ năng nghề nghiệp, cũng như trang bị kỹ năng, kiến thức cho các em. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH cùng các bộ, ngành sẽ nghiên cứu quy định cụ thể, quy trình thủ tục, cách thức để quản lý tốt hơn việc làm thêm của sinh viên, qua đó, bảo vệ quyền lợi cho các em.

Bà Nhung mong muốn, bên cạnh sự quản lý của nhà trường cần có sự chung tay của gia đình, quan tâm sâu sát hơn nữa việc làm thêm của sinh viên để đảm bảo quyền lợi và không ảnh hưởng đến việc học của các em. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý doanh nghiệp lừa đảo sinh viên làm thêm.

Theo TPO