Học nghề theo xu hương mới của giới trẻ ngày nay

(CTG) Ngày 15/7 được coi là ngày kỹ năng thanh niên thế giới, đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức, thảo luận về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, đào tạo và phát triển các kỹ năng nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các quốc gia và toàn cầu.

 

Trong những năm gần đây, việc hưởng ứng Ngày kỹ năng thanh niên thế giới được thực hiện thông qua nhiều hoạt động như việc ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nói chung và cho thanh niên nói riêng. Trong đó tập trung triển khai đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, ban hành khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, đồng thời đánh giá cấp chứng chỉ và chuẩn hóa bậc kỹ năng nghề của người lao động làm cơ sở cho việc chuẩn hóa lực lượng lao động, phát triển kỹ năng nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động một cách thiết thực, hiệu quả.

Một Trung tâm tư vấn, dạy nghề tại Nam Định.

Năm nay, 2019 Việt Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế, các chuyên gia về lao động, giáo dục nghề nghiệp tổ chức tọa đàm về phát triển kỹ năng nghề trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 vào ngày 15-7  nhằm tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên, tôn vinh những lao động trẻ có kỹ năng xuất sắc.

Trong bối cảnh hiện nay, thực tế cơ cấu lao động theo bằng cấp của Việt Nam còn có sự bất hợp lý. Đó là chưa kể tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nước ta hiện nay là một vấn đề nan giải. Nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế, Diễn đàn Kinh tế thế giới... đã khuyến cáo Việt Nam cần tập trung đặc biệt vào phát triển kỹ năng, phát triển giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề để hội nhập quốc tế.

Để thực hiện được, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung làm tốt công tác dự báo, kết nối cung - cầu lao động trong ngắn hạn và dài hạn theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ sản xuất; xác định các ngành nghề không còn phù hợp, ngành nghề mới và có kế hoạch, giải pháp đào tạo, bồi dưỡng gắn với các yêu cầu về kỹ năng của thị trường lao động; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; tiếp tục xây dựng, cập nhật các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng theo yêu cầu của thị trường lao động, hội nhập quốc tế.

Theo xu thế ngày nay, các em học sinh thường chọn học nghề. (Ảnh tại buổi tư vấn tuyển sinh trường Cao đẳng Y tế Hà Nội)

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết một trong những điểm quan trọng là gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo nhân lực. Đẩy mạnh đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật công nghệ mới cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp; đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động do sự phát triển của công nghệ.

Giải pháp tiếp theo là đẩy mạnh hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tăng cường hợp tác quốc tế; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, trước hết là ở các trường chất lượng cao và các ngành, nghề trọng điểm.

 

Hoàng Long