Cậu học trò Trần Quốc Khanh đã tạo ra phân hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao. GIANG PHƯƠNG
Khanh vẫn "quăng" mình vào các công đoạn làm phân bón hữu cơ từ cây lục bình như một cách để thư giãn và kiếm tiền ăn học. Bởi toàn bộ phân bón hữu cơ từ cây lục bình do Khanh làm ra đều được các nhà vườn tiêu thụ sạch.
Nói về nghiên cứu của mình, Khanh hào hứng kể do nhà ở gần sông Vàm Cỏ Đông nên em hiểu rất rõ về vấn nạn lục bình thường xuyên xuất hiện dày đặc, nhất là vào mùa khô khiến ghe tàu thường xuyên bị “mắc cạn” khi lưu thông trên tuyến sông này.
"Em thường thấy nông dân lấy cây lục bình ủ bên dưới gốc cho mát cây trồng. Khi lục bình mục ra thì trở thành phân bón cho cây. Trong khi lục bình ở gần nhà có sẵn với số lượng rất lớn nên nếu tận dụng làm được phân bón hữu cơ cho cây thì tiện lợi hơn", Khanh kể.
Nghĩ vậy, Khanh tìm tòi cách làm phân bón hữu cơ từ cây lục bình trên mạng. Chưa thỏa mãn, em còn tìm gặp các thầy cô trong trường để nhờ tư vấn thêm về lợi ích của cây lục bình khi dùng để làm phân bón. Được thầy cô chỉ dẫn cặn kẽ, Khanh lấy tiền tiết kiệm mua 1 máy xay cỏ và bắt đầu thử nghiệm với công trình của mình. Những cây lục bình sau khi được vớt từ mé sông gần nhà, cho xay nhuyễn và trộn với xơ dừa theo một tỷ lệ riêng. Đây chính là mấu chốt làm nên sự thành bại cho toàn mẻ phân hữu cơ lúc ủ.
Khanh cho biết thêm công đoạn ủ phân lúc đầu không đơn giản chút nào. Do chưa có kinh nghiệm nên Khanh không biết theo dõi về nhiệt độ và độ ẩm khiến mẻ phân không tạo ra được nhiều chất dinh dưỡng. Thông thường, cứ sau 3 - 4 ngày ủ, mẻ phân chuyển sang màu nâu đen, khi đó có thể dùng để bón cho cây. Hiện tại, sản phẩm phân hữu cơ từ cây lục bình của Khanh đã được nhiều bà con nông dân, cũng như một số chủ vựa tại địa phương sử dụng và đặt hàng số lượng lớn.
Một trong những người tâm huyết hỗ trợ kiến thức cho học trò thực hiện đề tài nghiên cứu, thầy Đoàn Minh Quang, giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ, hào hứng chia sẻ: “Trước đây, phân hữu cơ từ cây lục bình có rất nhiều người đã làm nhưng chủ yếu làm bằng cách sử dụng men vi sinh. Khuyết điểm của cách làm này là có mùi hôi do thời gian ủ khá lâu nhưng hàm lượng dinh dưỡng không cao. Phương pháp làm của Khanh đã cơ bản khắc phục các nhược điểm này và chất lượng của phân hữu cơ từ cây lục bình cũng được nâng cao”.
Cách làm phân hữu cơ từ cây lục bình của Khanh từng nhận giải khuyến khích Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh và giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, nghiên cứu của Khanh được các ngành chức năng tỉnh Tây Ninh đánh giá cao, góp phần xử lý vấn nạn lục bình nghẽn sông Vàm Cỏ Đông từ hàng chục năm qua.
Theo TNO