Nhóm học sinh sản xuất thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng gồm Nguyễn Thanh Thúy (lớp 10CB1), Võ Phương Thùy, Phan Nguyễn Thảo Vy (lớp 11CB1), Võ Trần Anh Huy (lớp 12CB1), Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, H.Bình Đại, Bến Tre.
Chia sẻ về ý tưởng, Anh Huy cho biết những năm gần đây, giá nguyên liệu tăng cao nhưng giá vịt lại giảm, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Trong khi đó, xu hướng sống xanh ngày càng phát triển và lan tỏa, nhu cầu thịt vịt an toàn tăng cao. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy vỏ sầu riêng có thể thay thế một phần nguyên liệu trong sản xuất thức ăn hữu cơ nên Huy cùng 3 bạn hình thành ý tưởng sản xuất thức ăn từ vỏ sầu riêng.
Sau thời gian nghiên cứu, phát triển ý tưởng, nhờ sự hỗ trợ của thầy cô, nhóm đã sản xuất thành công. Sản phẩm làm ra đầu tiên được thí nghiệm trên 4 đàn vịt. Sau đó, nhóm bán vịt và nhận được phản hồi tích cực từ người sử dụng. Đó là thịt vịt thơm, tỷ lệ mỡ thấp hơn so với loại vịt nuôi bằng thức ăn thông thường. Từ đó, nhóm đề ra kế hoạch kinh doanh với 2 dòng sản phẩm song song là thức ăn hữu cơ và thịt vịt hữu cơ.
Nguyên liệu sản xuất gồm vỏ sầu riêng, bắp vàng, cá vụn, thức ăn đậm đặc. Vỏ sầu sầu riêng gọt bỏ phần xanh, lấy phần trắng xay nhuyễn; sau đó đem trộn với men vi sinh cho lên men rồi phối trộn với nguyên liệu, nén thành viên. Do thức ăn không chứa chất bảo quản nên chỉ có thể bảo quản được từ 10 - 15 ngày.
Các sản phẩm thức ăn hữu cơ do nhóm làm ra được một số hộ chăn nuôi ưa thích đặt hàng bởi giá thành rẻ, khoảng 8.500 - 9.000 đồng/kg. "Chúng em mong muốn cải thiện kinh tế cho các hộ chăn nuôi và giảm tác động đến môi trường. Do sản phẩm có nhiều ưu điểm nên các hộ chăn nuôi đặt mua, nhóm cũng đã chuyển giao công nghệ sản xuất cho các hộ nuôi vịt theo phương pháp hữu cơ", Anh Huy cho biết.
Vừa qua, nhóm đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL lần thứ 2, năm 2023 (INNOBE 2023, do Mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL tổ chức tại Trường ĐH Trà Vinh).
Thầy Mai Hữu Thuần, trợ lý thanh niên Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, cho biết để làm ra loại thức ăn này, nhóm học sinh trên đã tốn nhiều công sức, thậm chí thí nghiệm đến 4 lần trên các đàn vịt. Nhiều người dân cũng đặt mua để nuôi vịt sử dụng cho gia đình. Sắp tới, nhóm sẽ liên kết với các trường đại học và sự hỗ trợ từ các đơn vị hỗ trợ phòng thí nghiệm. Dự án đã mở ra hướng xử lý vỏ sầu riêng, nếu được đưa vào sản xuất sẽ giúp giải quyết vấn đề rác thải và tăng giá trị kinh tế cho trái sầu riêng.