Học sinh sáng chế thiết bị phát hiện bệnh ở cây lúa

(CTG) Nhóm học sinh ở Trường THCS Hiếu Phụng (H.Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã sáng chế thiết bị kịp thời ngăn chặn và chủ động phòng trừ, hạn chế thấp nhất do sâu bệnh gây ra cho cây lúa.

Sản phẩm "Hệ thống tự động phát hiện bệnh ở lúa" do Nguyễn Thị Như An (lớp 9/1) và Nguyễn Ngọc Ngân (lớp 9/2) sáng chế đã góp phần giúp nông dân đỡ nỗi lo bệnh tật trong quá trình canh tác lúa.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ chứng kiến cha mẹ thường xuyên đi thăm đồng rất vất vả, Như An mong muốn góp phần giúp cha mẹ đỡ nhọc công nên nảy sinh ý tưởng tạo ra thiết bị cảnh báo bệnh trên cây lúa từ giữa năm 2021.

Học sinh sáng chế thiết bị phát hiện bệnh ở cây lúa  - Ảnh 1.

Thiết bị phát hiện bệnh trên cây lúa do An và Ngân sáng chế đã mang lại hiệu quả cao cho người dân

 

Hệ thống tích hợp sử dụng camera thu thập hình ảnh và gửi dữ liệu để người nông dân phát hiện ra các loại bệnh sớm. Ngoài ra, thiết bị còn tích hợp các chức năng giúp kiểm soát độ mặn, nhiệt độ đất, đồng thời có thể bơm nước ra vào ruộng, điều chỉnh lượng nước hợp lý trong sản xuất nông nghiệp.

Về cấu tạo, thiết bị gồm camera, thiết bị phát sóng 4G, thiết bị cảm biến, máy bơm, các cảm biến nhận diện dịch bệnh.

"Hệ thống sẽ theo dõi điều kiện đất, tình trạng phát triển của cây lúa, điều khiển từ xa thiết bị máy bơm bằng cách sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu dùng AI và IoT, giúp tăng năng suất và chất lượng hạt gạo, tiết kiệm chi phí sản xuất góp phần bảo vệ môi trường hướng tới một nền nông nghiệp 4.0", Ngân chia sẻ và cho biết thiết bị dễ dàng phát hiện chính xác 4 loại bệnh phổ biến trên cây lúa như đạo ôn, khô vằn, cháy bìa lá, thối cổ dé… đạt tỷ lệ chính xác hơn 90%. Ngoài ra, thiết bị sử dụng pin năng lượng nên việc lắp đặt, di chuyển dễ dàng.

"Ở ngoài thị trường chỉ có các hệ thống giám sát như camera nhưng chỉ quay được các hình ảnh về lúa và nếu lúa có bị bệnh thì camera không thể đưa ra cảnh báo được. Hệ thống này tự động đưa ra cảnh báo kịp thời về tình trạng cây lúa và gửi về điện thoại cho người nông dân. Đó là bước tiến bộ mới của sản phẩm", An cho biết.

Cách vận hành và hoạt động dễ dàng, khi khởi động, hệ thống sẽ ghi hình ảnh lúa từ camera, tự động đưa ra cảnh báo về tình trạng cây lúa kịp thời và gửi về điện thoại cho nông dân.

Hệ thống đã được triển khai ứng dụng trên cánh đồng lúa ở xã Hiếu Phụng (H.Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) từ tháng 5 - 10.2021 và nhận được hưởng ứng tích cực từ nông dân. Được đánh giá cao bởi sự hiệu quả, tiện ích, hệ thống được nhiều nông dân mong muốn mở rộng thêm nữa.

Sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục cải tiến, tích hợp chức năng nhận diện thêm nhiều loại bệnh hơn trên cây lúa và có thể nhận diện thêm được các bệnh ở các loại cây ăn trái giúp nông dân có thể tăng hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp.

Với sản phẩm ứng dụng thiết thực vào thực tiễn, nhóm giành giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh, giải ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2022 và được vào vòng chung kết Cuộc thi lập trình quốc tế tại Malaysia.

 
Thầy Nguyễn Thế Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Hiếu Phụng, đánh giá thiết bị áp dụng vào thực tiễn cao và nhiều tiện ích hỗ trợ nông dân trong quá trình canh tác. Thầy cũng ghi nhận những nỗ lực của thầy và trò để sản phẩm sáng tạo này ngày càng hoàn thiện.
theo TN