Học trò sáng chế máy phơi giúp nông dân bớt cực

(CTG) Hai học sinh Nguyễn Thế Phong và Nguyễn Vũ Phương Uyên (lớp 8A1, Trường THCS Hoài Sơn, xã Hoài Sơn, TX.Hoài Nhơn, Bình Định) sáng chế máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng giúp nông dân giảm được sức lao động trong mùa thu hoạch.

Theo em Nguyễn Thế Phong, ý tưởng chế tạo máy phơi, giê và thu gom nông sản xuất phát từ nhu cầu thực tế công việc nhà nông. Hầu hết người dân xã Hoài Sơn đều mưu sinh bằng nghề trồng lúa, bắp, đậu phộng, trồng rừng… Dù đã áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch nông sản nhưng nhiều công việc của nhà nông trong mùa thu hoạch như phơi, giê, thu gom nông sản vẫn phải làm thủ công, tốn nhiều thời gian, công sức và rất vất vả.

“Bà con nông dân quê em quanh năm làm việc nặng nhọc, phơi nắng, phơi sương nhưng thu nhập không cao. Đến mùa thu hoạch thì công việc càng nhiều, trưa nắng cũng ở ngoài trời phơi lúa. Khi trời mưa bất ngờ lại không kịp thu gom nên lúa bị ướt, thậm chí bị trôi mất. Từ đó, em nảy ý tưởng làm nên chiếc máy tích hợp 3 chức năng phơi, giê, thu gom nông sản với giá rẻ để giúp bà con giảm bớt công việc trong mùa thu hoạch”, Phong nói.

Học trò sáng chế máy phơi giúp nông dân bớt cực - ảnh 1

Học sinh Nguyễn Thế Phong và máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng của mình

HOÀNG TRỌNG

Được sự hỗ trợ của giáo viên Dương Đức Thắng (dạy môn vật lý, Trường THCS Hoài Sơn), Phong và Uyên lên kế hoạch chế tạo chiếc máy phơi, giê, thu hoạch nông sản. Linh kiện sử dụng để chế tạo máy chủ yếu tận dụng từ những thiết bị cũ của xe gắn máy, thiết bị máy gặt liên hợp, các puli, dây curoa… Sau hơn 3 tháng mày mò, tìm kiếm vật liệu, chế tạo, chiếc máy đã hoàn thành.

Cơ chế hoạt động của loại máy này khá đơn giản. Khi thu gom, nông dân chỉ cần kéo cần số liên hợp, dây curoa bám vào puli làm hai trục gắn hai chổi quay ngược chiều quét nông sản vào máng, đưa lên ống đứng trước khi đổ vào thùng chứa. Đồng thời, trước khi nông sản vào thùng chứa, quạt quay tạo gió thổi hạt lép và bụi bẩn ra ngoài cửa thải, đổ vào bao đã bố trí sẵn. Nhờ thanh thép đàn hồi, tạo độ rung để nông sản rải đều trên máng rồi đổ xuống sân phơi.

Tuy nhiên, đưa máy vào hoạt động thử nghiệm, khâu thu gom lại gặp trục trặc vì hạt nông sản (bắp, lúa) bị nát. Nguyên nhân do trục xoắn gắn chổi quét có kích cỡ không phù hợp, ma sát với thân trục làm nát lúa, bắp… Sau khi mài trục xoắn có kích thước phù hợp thì máy chạy êm, không làm nát nông sản. “Kinh phí để hoàn thiện chiếc máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng khoảng hơn 2 triệu đồng. Máy gọn, dễ dàng di chuyển, người dân lao động đều sử dụng được, phù hợp từng nông hộ ở địa phương”, Phong cho biết.

Mô hình máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng của Nguyễn Thế Phong và Nguyễn Vũ Phương Uyên được trao giải nhất trong lĩnh vực các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em tại Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ 9 (năm 2022).

Theo ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định, máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng của Nguyễn Thế Phong và Nguyễn Vũ Phương Uyên xuất phát từ thực tế sản xuất ở địa phương. Tại vùng nông thôn Bình Định, nhiều hộ gia đình thường phơi khô các loại nông sản trên các sân, bãi, công việc này tương đối nặng nhọc và mất nhiều thời gian, công sức. Với máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng, các công đoạn rải phơi và thu gom nông sản đều được làm tự động, máy thay thế được sức người, giúp nông dân đỡ tốn công sức, mang lại hiệu quả lao động thiết thực.

Theo TN