'Học vẹt' tiếng Việt

(CTG) Không một chút tiếng Anh, Minh theo mẹ sang Australia khi vừa học xong lớp một tại Việt Na

Ba tháng đầu là thời gian rất khó khăn. Hầu như ngày nào về nhà con cũng khóc vì không có bạn, không thể giao tiếp, và cũng không hiểu bài học trên lớp. Nhưng từ tháng thứ tư, con bắt đầu có bạn và hòa nhập được với môi trường mới, và hơn nữa, có thể giao tiếp và học được bằng tiếng Anh. Chỉ sau hơn một năm, Minh đã tự tin tham gia thi hùng biện tiếng Anh ở trường cùng các bạn bản xứ khác và nhận được giấy khen từ hiệu trưởng.

Từ khi vào trường, hàng tuần ngoài các hoạt động học tập trên lớp, con thường mang về nhà 2-3 quyển truyện mượn từ thư viện. Là nghiên cứu sinh ngành Giáo dục, tôi tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động học tập của học sinh trong lớp con gái mình.

Lớp học của con rất ấm cúng, có thảm trải sàn, tường treo tranh ảnh của học sinh và đặc biệt là giá sách gồm rất nhiều truyện. Truyện có tranh ảnh minh họa sinh động và chủ đề thú vị về thế giới tự nhiên, xã hội, môi trường xung quanh, các mối quan hệ gia đình, bạn bè; các hoạt động trong cuộc sống, giá trị và bài học đạo đức thông qua các câu chuyện... Điều quan trọng là các quyển sách và truyện được đánh số dựa trên độ khó và lượng từ vựng tăng dần (graded books).

Hàng ngày, ngoài giờ giáo viên giảng bài là giờ tự đọc sách. Giáo viên cũng như một vài phụ huynh tình nguyện như tôi sẽ giúp các em thêm trong quá trình đọc hiểu. Bên cạnh đó, mỗi tuần học sinh đều lên thư viện đọc và mượn sách, truyện về nhà (trung bình 2-3 cuốn). Các em không chỉ được học ngôn ngữ, kiến thức về tự nhiên, xã hội mà còn mở rộng trí tưởng tượng, sáng tạo.

Đó là câu chuyện của 10 năm trước khi tôi còn là nghiên cứu sinh ở Sydney và Minh theo mẹ sang học tại một trường tiểu học công trong khu phố.

Bây giờ, Lâm, con trai thứ của tôi, bước sang 6 tuổi. Vào lớp một, với môn Tiếng Việt tập một, con được phát hai cuốn, một cuốn học buổi chính trên lớp (sáng) và một cuốn để học buổi chiều. Các bài học được thiết kế để luyện âm và vần. Đối với cuốn học chính thì bài học là một số từ, câu và đoạn có vần cần học, được minh họa bằng một vài tranh ảnh; có thêm một bài kể chuyện theo tranh. Đối với cuốn hai, mỗi bài luyện âm và vần chứa hàng chục từ ngữ, với nhiều khái niệm trừu tượng hoặc xa lạ (rất ít tranh ảnh minh họa) để phục vụ luyện âm và vần (ví dụ: kỷ luật, nghệ thuật, huân chương, sắc xuân, quyết tâm, duyệt binh...).

Mỗi tối hai mẹ con vật lộn để luyện đọc từ và bài đọc trong cuốn hai, nhiều từ con đọc mà không hiểu bởi các khái niệm trừu tượng, hoặc xa lạ với những trải nghiệm non nớt ở tuổi của con. Sau một học kỳ, với nỗ lực của cô trò trên lớp và của mẹ con ở nhà, Lâm biết đọc ở mức cơ bản, nhưng con tỏ ra không thích học tiếng Việt, cũng không thể hiện nhiều tiến bộ trong giao tiếp hay kiến thức tự nhiên, xã hội.

Sang kỳ hai, các bài học trong cuốn Tiếng Việt tập hai được thiết kế theo các chủ điểm về Bản thân, Trường lớp, Gia đình, Thế giới xung quanh với những bài đọc, viết, luyện âm và vần. Tuy nhiên, các bài đọc thường nhằm giới thiệu những âm vần khó, nhiều bài chứa các câu phức và từ mới, trong đó nhiều từ không được minh họa, giải thích hay luyện tập đủ để các em nắm rõ ý nghĩa, khái niệm. Các từ tưởng chừng đơn giản với người lớn nhưng với các em sẽ không dễ hiểu như: thân quen, lạ lẫm, thân thiết, gần gũi; hồi hộp, ấm áp; liên hoan, dỗ dành, nâng đỡ...

Dạy trẻ đọc viết dựa trên ngữ âm (phonics) là một trong những phương pháp mà khoa học đã chứng minh là hiệu quả và được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Đây là phương pháp dạy học giúp trẻ nhận biết mối liên hệ giữa chữ cái, vần và âm. Ngược lại với cách tiếp cận dạy ngữ âm, phương pháp dạy nguyên từ (whole-word) dựa trên quan niệm học ngôn ngữ là quá trình tự nhiên, tức trẻ em sẽ học được các khái niệm, ý nghĩa, phát âm và cách viết từ thông qua các bài đọc trong bối cảnh cụ thể, ở các trình độ phù hợp. Trẻ sẽ tích lũy được từ vựng nhờ tiếp xúc nhiều lần với những từ đó qua việc đọc các cuốn sách, truyện được thiết kế theo trình độ, tăng dần lượng từ và độ khó, ở trình độ bậc thấp hơn sẽ có nhiều tranh ảnh minh họa, hỗ trợ. Ngoài ra, học tập gắn với trải nghiệm cá nhân, kết hợp các kỹ năng nghe-nói, đọc-viết giúp trẻ vận dụng ngôn ngữ vào thực tiễn cũng là cách tiếp cận giúp phát triển năng lực giao tiếp hiệu quả.

Tôi thấy chương trình dạy tiếng Việt lớp 1 hiện tại đang tiếp cận chủ yếu dựa trên phương pháp giúp học sinh luyện âm vần (phonics), có kết hợp phần nào với học nguyên từ trong bối cảnh (whole-word). Tuy nhiên, dạy học theo phương pháp nào thì học sinh cũng cần gắn với đọc hiểu chứ không phải "đọc vẹt" (biết đọc nhưng không hiểu nghĩa). Mục tiêu của học Tiếng Việt là giúp học sinh nắm bắt được các khái niệm, nghĩa của từ cũng như cách sử dụng chúng trong các bối cảnh khác nhau để có thể vận dụng, phát triển năng lực ngôn ngữ và giao tiếp, Chỉ một vài từ hay câu trong sách giáo khoa không đủ để phát triển năng lực đó; và việc luyện đọc vẹt với một loạt từ ngữ, bài đọc chứa các khái niệm xa lạ lại càng không dễ.

Chương trình tiểu học ở nhiều nước thường kết hợp cân bằng giữa phương pháp dạy thông qua phonics, phương pháp whole-word, và phương pháp học trải nghiệm, giúp học sinh từng bước học âm vần, tích lũy vốn từ vựng từ dễ đến khó, học đọc và viết, học tự nhiên và xã hội thông qua các cuốn sách, câu chuyện thú vị, được thiết kế với lượng từ và độ khó tăng dần và các hình ảnh minh họa dễ thương. Ngoài các giờ học và đọc trên lớp, học sinh được tiếp xúc với các nguồn sách, truyện đa dạng, phù hợp với trình độ được mượn từ thư viện và mang về nhà đọc thêm. Việc "tắm mình" trong ngôn ngữ tự nhiên, phù hợp với trình độ, kết hợp với học ngữ âm chính là chìa khóa giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ.

Sẽ cần một nghiên cứu về tiếng Việt mang tính hệ thống và công phu để xác định và phân loại từ vựng theo các cấp độ và thiết kế nguồn sách, truyện nhằm giúp trẻ từng bước tích lũy vốn từ đó để hình thành năng lực ngôn ngữ, giao tiếp, mở rộng kiến thức tự nhiên, xã hội cũng như khám phá, khơi gợi trí tò mò, tưởng tượng, sáng tạo. Đồng thời, cũng cần xác định đâu là từ mới dựa trên trải nghiệm ở lứa tuổi, với những điều kiện sống, điều kiện kinh tế - xã hội để thiết kế các bài đọc và hoạt động học tập giúp các em lĩnh hội vốn từ vựng đó.

Học một ngôn ngữ không phải chỉ để "xóa mù chữ" mà còn hình thành năng lực ngôn ngữ, hình thành thói quen, niềm yêu thích đọc, để nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và phát triển năng lực giao tiếp xã hội.

Nguyễn Thị Hương 

Vnexpress