Chiều nay 15/12/2023, tại Hà Nội, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về Chương trình Mạng lưới đổi mới sáng tạo Y tế - Chuyển đổi số vì sức khoẻ phổi.
Quang cảnh chương trình. |
Tham dự chương trình có anh Nguyễn Hữu Tú, Uỷ viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực – Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; anh Nguyễn Xuân Hiếu, Uỷ viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Trưởng ban ĐKTHTN Trung ương Đoàn; anh Nguyễn Trọng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội; cùng đại diện lãnh đạo Hội LHTN Việt Nam; Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam…
Các đại biểu chủ trì phần trao đổi báo chí. |
Thông tin tại chương trình, anh Trương Văn Đạt, Phó Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào Thầy thuốc trẻ năm 2023, thiết thực triển khai Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân trong tình hình mới, được sự đồng ý chủ trương của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Thường trực Đoàn chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam xây dựng và ra mắt Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Y tế.
Chương trình hướng đến mục tiêu là tập hợp các cá nhân, tổ chức y tế, cùng chung tay đóng góp trí tuệ và nguồn lực, sáng tạo và ứng dụng hiệu quả những thành quả của cuộc Cách mạng Khoa học kỹ thuật lần thứ IV vào công cuộc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nỗ lực này là một bước nhảy vọt đáng kể về đổi mới chăm sóc sức khỏe và chuyển đổi kỹ thuật số trong tương lai.
Anh Trương Văn Đạt, Phó Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thông tin về chương trình tới các cơ quan báo chí. |
Mục tiêu của chương trình là phát hiện kịp thời các trường hợp có khả năng mắc bệnh ung thư phổi và các bệnh lý nguy hiểm về phổi, hỗ trợ can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam; phát huy việc ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động tình nguyện và phát huy vai trò tiên phong, xung kích trong chuyển đổi số của thanh niên ngành Y tế; phát huy tinh thần trách nhiệm xã hội của ngành Y tế, tổ chức xã hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Y tế.
Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao nhận thức về bệnh ung thư phổi, bệnh lão và phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh lý liên quan đến phổi, khuyến khích tự chăm sóc bản thân cũng như tăng cường vận động thể chất, thực hành lối sống lành mạnh.
Trong giai đoạn 1 của chương trình được triển khai tại TP. HCM đã khám cho hơn 12 ngàn người dân đăng ký (tính đến hết 30/11), trong đó có 283 ca chụp CT phát hiện 21 ca có u, có kiểm tra lại với CT liều cao có cản quang, giai đoạn 1-3; 193 ca đo CNHH phát hiện đc 11 ca COPD trong đó 03 ca Khí phế thũng và 08 ca Viêm phế quản mãn tính.
Trong giai đoạn 2, được triển khai từ nay đến hết ngày 30/01/2024, chương trình triển khai tại các tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế sẽ khám sàng lọc nguy cơ bệnh ung thư phổi và các bệnh lý về phổi khác cho hơn 50,000 người dân (có ứng dụng sàng lọc qua bộ câu hỏi sử dụng AI, có so sánh kết quả X-quang của bác sĩ và kết quả do AI đọc); hơn 1000 y bác sĩ trên địa bàn 04 Tỉnh, thành phố tham gia các hoạt động khám bệnh, tư vấn miễn phí và hỗ trợ người dân nhận biết, tầm soát bệnh ung thư phổi và các bệnh lý về phổi khác; 1000 y bác sĩ trên địa bàn 04 Tỉnh thành phố đăng ký tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo Y tế; ít nhất 10 bệnh viện trên địa bàn 04 Tỉnh thành phố và 1000 y bác sĩ được tiếp cận với nền tảng chẩn đoán, sàng lọc bệnh qua Trí tuệ nhân tạo (AI).
Đặc biệt, thông qua chương trình sẽ có hơn 2 triệu người dân trên địa bàn TP Hà Nội, TP Cần Thơ, TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế được tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức về bệnh ung thư phổi và các bệnh lý về phổi.
Anh Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực – Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát biểu tại chương trình. |
Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực – Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, việc phát hiện sớm ung thư phổi thông qua sàng lọc là vô cùng quan trọng để tăng hiệu quả điều trị và giảm chi phí. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc phát hiện sớm, tỉ lệ tử vong vẫn còn cao. Do đó, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tư vấn sức khỏe và sàng lọc cho người có yếu tố nguy cơ, với các hoạt động: khám bệnh tổng quát, chụp X-quang, siêu âm, điện tim, kiểm tra đường huyết, và các chương trình y tế công cộng cho người dân.
Các thầy thuốc cũng tư vấn sức khỏe và dinh dưỡng cho người dân, hướng dẫn người dân tự chăm sóc sức khỏe và sử dụng những nền tảng chăm sóc sức khỏe tại nhà, tư vấn sức khỏe từ xa cho người dân. “Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng sẽ ứng dụng sàng lọc qua bộ câu hỏi sử dụng AI, có so sánh kết quả X-quang của bác sĩ và kết quả do AI đọc”, anh Tú thông tin.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Y tế, các bệnh viện tham gia chương trình sẽ được giới thiệu các phần mềm kỹ thuật số (trí tuệ nhân tạo) phục vụ sàng lọc và chẩn đoán bệnh ban đầu theo bộ câu hỏi hoặc hình ảnh học như X-quang với trí tuệ nhân tạo AI. Nhân viên y tế tham gia chương trình sẽ được tăng cường năng lực về y tế số, được trang bị kiến thức và hướng dẫn về các ứng dụng tiên tiến trong bệnh viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Tp. Hà Nội, việc sử dụng AI trong chương trình sẽ hỗ trợ người dân phát hiện sớm các bệnh lý về phổi. Đặc biệt là những người có triệu chứng bệnh nhưng chưa có điều kiện đi khám ở những bệnh viện tuyến trung ương. “Tham gia hỗ trợ khám sàng lọc tại chương trình sẽ có các y bác sĩ tại Bệnh viện K, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phổi Hà Nội và các đơn vị y tế trên địa bàn. Việc có trí tuệ nhân tạo hỗ trợ những khâu khám sàng lọc sẽ góp phần giúp các y bác sĩ nhận diện triệu chứng bệnh ban đầu nhanh hơn, đảm bảo quá trình khám toàn diện cho người dân”, Bác sĩ Sơn nói.
Chương trình Lễ ra quân cấp Trung ương sẽ diễn ra vào sáng ngày 17/12/2023, tại Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm hoặc Phố đi bộ Trần Nhân Tông, Thành phố Hà Nội.
Người tham gia chương trình cần đăng ký qua hệ thống như sau: 1 – Đăng ký thông tin trên website - https://phoikhoe.net/ 2 – Người khám đến bệnh viện hoặc điểm khám tại cộng đồng theo ngày lựa chọn 3 – Người tham gia khám sàng lọc sẽ được hướng dẫn hoàn thiện bộ câu hỏi sàng lọc bệnh, khám và chụp X-quang phổi miễn phí, kết luận tình trạng và tư vấn sức khỏe miễn phí. 4 – Nếu có dấu hiệu bệnh lý hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người tham gia khám sẽ được chỉ định đo chức năng hô hấp miễn phí. 5 – Nếu có dấu hiệu gợi ý ung thư phổi, người tham gia khám sẽ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính liều thấp miễn phí. Với người có kết luận bệnh lý sau khám, người bệnh sẽ được giới thiệu tham gia các chương trình hỗ trợ về điều trị và tư vấn, theo dõi sức khỏe thường xuyên. Ngoài ra, khi tham gia chương trình khám tại cộng đồng, người tham gia khám còn được khám tổng quát, đánh giá các nguy cơ về bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường như là các yếu tố bệnh nền. |
CTG