Hơn 80% sản phẩm đầu lân của chàng trai miền Tây được xuất khẩu

(CTG) Khởi nghiệp với nghề làm đầu lân, mỗi tháng, anh Phạm Viết Lãm (24 tuổi, ngụ TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng) xuất bán hàng chục sản phẩm ra ngoài nước.

Khởi nghiệp từ niềm yêu thích nghệ thuật múa lân

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chúng tôi đến tham quan cơ sở làm đầu lân của anh Lãm. Tại đây, chúng tôi choáng ngợp với những đầu lân đầy màu sắc, kích cỡ được xếp ngăn nắp chờ giao cho khách hàng trong và ngoài nước.

Hơn 80% sản phẩm đầu lân của chàng trai miền Tây được xuất khẩu- Ảnh 1.
 

Anh Lãm chế tác đầu lân

ẢNH: DUY TÂN

Anh Lãm cho biết từ niềm yêu thích nghệ thuật múa lân, anh đã mày mò học hỏi và từng bước phát triển kỹ thuật chế tác đầu lân. Sau thời gian học hỏi, năm 2017, anh khởi nghiệp với mô hình làm đầu lân. Tuy nhiên, mãi đến năm 2023, khi đã tích lũy kinh nghiệm làm ra sản phẩm một cách chuyên nghiệp, anh mới quyết định mở rộng kinh doanh, cung ứng số lượng nhiều hơn ra thị trường.

Theo anh Lãm, trên thị trường hiện có rất nhiều mẫu đầu lân, nhưng cơ sở của anh chuyên về mẫu của Malaysia. Mẫu này mới du nhập vào VN thời gian gần đây và được thị trường rất ưa chuộng. Ngoài ra, anh còn làm nhiều mẫu để đa dạng sản phẩm như: Lofochi, tung hội, mỏ tròn, mỏ vảnh, những mẫu truyền thống, tỳ hưu… với giá bán từ 5,5 triệu đến hơn 10 triệu đồng mỗi sản phẩm.

"Để đáp ứng nhu cầu thị trường, mỗi ngày tôi cập nhật mẫu trong và ngoài nước; sau đó cải tiến công đoạn hoàn thiện, làm cho giống mẫu đầu lân Malaysia. Tuy nhiên, các công đoạn vẫn làm theo cách thủ công truyền thống", anh Lãm nói.

Hơn 80% sản phẩm đầu lân bán ra nước ngoài

 

Để làm một chiếc đầu lân với nguyên liệu bằng mây, tre, giấy không phải là điều đơn giản. Từng công đoạn phải tỉ mỉ, từng chi tiết nhỏ phải trau chuốt để giữ được cái hồn của lân, vừa giữ được sự vững chãi, cứng cáp sau bài múa.

Hơn 80% sản phẩm đầu lân của chàng trai miền Tây được xuất khẩu- Ảnh 2.

Những mẫu đầu lân tại cơ sở của anh Lãm

 

Công đoạn làm đầu lân cũng lắm phức tạp. Trong đó, uốn khung sườn là công đoạn quyết định gương mặt con lân chỉn chu, đều và đẹp. Khâu vẽ đầu lân là quan trọng nhất, thể hiện cái hồn của sản phẩm và đầu lân làm ra với biểu cảm hiền hay dữ.

"Sự phối hợp màu sắc, trang trí từ đầu đến đuôi lân rất quan trọng để làm nổi bật thần thái, sự dũng mãnh, uy vũ của linh vật này. Thường thì những đầu lân mặt hung dữ được phối theo gam màu tối", anh Lãm nói.

Các công đoạn lên khuôn tạo hình, vặn sườn, đan, dán giấy, tô màu nền, vẽ hoa văn đều cần sự chịu khó, kiên nhẫn của người thợ. Người thợ phải như họa sĩ tạo hình. Mỗi đầu lân, anh Lãm và thợ làm từ 2 - 3 ngày mới hoàn thiện.

Ngoài làm đầu lân có kích thước theo tiêu chuẩn để cung ứng cho các đoàn biểu diễn trong và ngoài nước, anh Lãm còn thực hiện "phóng to, thu nhỏ" đầu lân ở mọi kích cỡ để đáp ứng nhu cầu trưng bày hoặc làm quà lưu niệm của khách hàng.

"Với đầu lân thu nhỏ, các công đoạn đều đầy đủ như đầu lân kích thước tiêu chuẩn, rất kỳ công và tốn nhiều thời gian. Vì vậy, giá trị sản phẩm thu nhỏ vẫn tương đương với bản tiêu chuẩn", anh Lãm cho biết.

Hiện sản phẩm đầu lân được anh xuất bán chủ yếu ra nước ngoài như Malaysia, Mỹ, Singapore, Brunei…; số còn lại cung ứng cho các đoàn lân trong nước. Để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho khách hàng, anh thuê 6 thợ có tay nghề để gia công đầu lân.

"Sản phẩm đầu lân tại cơ sở của tôi được bán ra nước ngoài khoảng 80%, còn lại bán cho các đoàn lân trong nước. Ở các nước, tôi liên kết với những chi nhánh bên đó để cung ứng hàng, số khác thì mua theo dạng xách tay", anh Lãm cho biết thêm.

Theo TN