Khai mạc phiên làm việc thứ nhất Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII

(CTG) Với khẩu hiệu “Tuổi trẻ Việt Nam Khát vọng – Tiên phong - Đoàn kết - Bản lĩnh - Sáng tạo”, sáng nay 14/12/2022 đã diễn ra phiên khai mạc đầu tiên của Đại hội toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027.

 

Khai mạc phiên làm việc thứ nhất Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII.

Tham dự ngày hội lớn của tuổi trẻ cả nước là 981 đại biểu đại diện cho hơn 22 triệu đoàn viên, thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước.

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.

Phát biểu khai mạc Đại hội, anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa XI cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của tuổi trẻ Việt Nam. Trong những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Đại hội Đoàn là chủ đề thu hút sự quan tâm rất lớn của nhân dân và tuổi trẻ cả nước.

Anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn khóa XI, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội chủ trì và phát biểu tại phiên làm việc đầu tiên của Đại hội.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII là Đại hội của “Khát vọng – Tiên phong – Đoàn kết – Bản lĩnh – Sáng tạo”. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017 - 2022, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2022 - 2027; thảo luận, cho ý kiến Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sửa đổi, bổ sung và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XII. “Với vinh dự và trách nhiệm trước tuổi trẻ cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ và sức lực, tham gia đầy đủ các công việc của Đại hội, góp phần vào thành công chung của Đại hội”, anh Huy nói.

Đại hội đã tiến hành biểu quyết bầu Đoàn Chủ tịch và Đoàn Thư ký Đại hội.

Đại hội đã tiến hành biểu quyết bầu Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm 19 anh chị và Đoàn Thư ký Đại hội gồm 5 anh chị.

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI trình bày dự thảo Chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII.

Tiếp đó, Đại hội đã được nghe anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI trình bày dự thảo Chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII.

Theo đó, Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 14-16/12), với 5 phiên làm việc, bắt đầu từ sáng 14/12. Phiên thứ 3 là phiên trọng thể đại hội sẽ diễn ra vào sáng 15/12, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, phát thanh trực tiếp trên VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam và tường thuật trực tiếp trên hệ thống báo chí của Đoàn.

Dự kiến sẽ có 200 đại biểu khách mời tham gia phiên trọng thể. Đại hội sẽ bế mạc vào sáng 16/12.

Anh Ngô Văn Cương, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI, trình bày dự thảo Quy chế Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI, điều hành nội dung bầu Ban Thẩm tra tư cách đại biểu. Đại hội biểu quyết thông qua số lượng và danh sách Ban Thẩm tra tư cách đại biểu.

Đại hội đã được nghe trình bày dự thảo Quy chế Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII; bầu Ban Thẩm tra tư cách đại biểu. Đại hội biểu quyết thông qua số lượng và danh sách Ban Thẩm tra tư cách đại biểu gồm 21 anh, chị.

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI, thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày tờ trình tóm tắt về dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI trình Đại hội.

Đại hội đã được nghe anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI, thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày tờ trình tóm tắt về dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI trình Đại hội.

Theo đó, Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027, đã được Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa XI chủ động chuẩn bị sớm với nhiều bước, nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện.Cụ thể: 5 lần xin ý kiến tại các Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn; 4 lần xin ý kiến tại các Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn; lấy ý kiến thảo luận tại đại hội đoàn cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh; tổ chức 14 hội nghị chuyên đề xin ý kiến góp ý trong các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn các thời kỳ; cựu cán bộ Đoàn và các khối đối tượng đoàn viên, thanh niên; lấy ý kiến của các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương; các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa XI; lấy ý kiến rộng rãi trong thanh niên và các tầng lớp nhân dân. Báo cáo, xin ý kiến các ban Đảng Trung ương, Ban Bí thư T.Ư Đảng theo đúng trình tự, thủ tục.

Quá trình xin ý kiến diễn ra dân chủ, cởi mở với hình thức phong phú, tập hợp được gần 200.000 ý kiến góp ý sâu sắc, tâm huyết. Đa số các ý kiến cho rằng dự thảo Báo cáo chính trị được chuẩn bị chu đáo, công phu, nghiêm túc, khoa học, chất lượng. Các ý kiến đã được kịp thời tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa phù hợp trong suốt quá trình hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị.

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI cho thấy, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đoàn viên, thanh thiếu nhi. Các phong trào hành động cách mạng “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” và các chương trình đồng hành với thanh niên được triển khai đồng bộ, sâu rộng, hiệu quả. “Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tổ chức Đoàn các cấp và đoàn viên, thanh niên đã khẳng định rõ vai trò và tính tiên phong, sáng tạo của mình”, anh Triết nhấn mạnh.

Cùng với đó, nhiệm kỳ qua, nhiều nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong thanh niên được phát hiện, tôn vinh, lan tỏa rộng rài góp phần cổ vũ, khích lệ sự phấn đấu, xây dựng hình mẫu đẹp về lớp thanh niên Việt Nam thời kỳ mới.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua còn một số tồn tại, hạn chế: Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng thanh thiếu nhi có thời điểm còn chưa chủ động, chưa kịp thời, đặc biệt là thanh niên khu vực đặc thù, thanh thiếu nhi yếu thế. Vẫn còn một số cơ sở đoàn chưa chủ động đổi mới hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phong trào. Việc triển khai các chương trình đồng hành với thanh niên yếu thế, khu vực đặc thù chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Vai trò của tổ chức đoàn ở một số nơi, nhất là trên địa bàn dân cư còn chưa rõ nét. Nội dung, phương thức sinh hoạt, hoạt động của chi đoàn, đoàn cơ sở chậm được đổi mới, thiếu hấp dẫn. Còn có chỉ tiêu nhiệm kỳ không đạt…

Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII đặt ra mục tiêu trọng tâm: Bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và mục tiêu trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, gồm 3 thành tố: Bồi dưỡng thanh niên; phát huy thanh niên và xây dựng Đoàn vững mạnh.

Anh Triết thông tin, các chỉ tiêu trọng tâm nhiệm kỳ 2022 - 2027 thay vì đặt ra chỉ tiêu về những công việc do tổ chức Đoàn thực hiện (đặt tổ chức Đoàn là chủ thể trong thực hiện các chỉ tiêu) như nhiệm kỳ Đại hội XI, các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ Đại hội XII được xây dựng hướng đến những kết quả tác động đến đoàn viên, thanh niên, đặt thanh niên ở vai trò chủ thể hoạt động hoặc là đối tượng được thụ hưởng).

Hệ thống chỉ tiêu nhiệm kỳ 2022 - 2027 gồm 12 chỉ tiêu đảm bảo dễ nhớ, gắn với nhiệm kỳ XII của Đoàn.

Điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị của nhiệm kỳ này là xác định 3 nhiệm vụ đột phá, gồm:

Một là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn có bản lĩnh chính trị, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực, uy tín, tiên phong, gương mẫu; chú trọng rèn luyện, tu dưỡng, thực hành đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đoàn; thực hiện tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ.

Hai là, triển khai sâu rộng chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, nhất là khởi nghiệp sáng tạo. Trọng tâm là phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, tham gia kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển đất nước trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ba là, nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên có nhận thức, thái độ đúng đắn về chuyển đổi số; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Giai đoạn 2022 - 2027, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai 10 chương trình, đề án trọng điểm, trong đó 7 chương trình, đề án thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 (5 chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và 3 đề án do Trung ương Đoàn xây dựng.

Anh Triết cho biết, để dự thảo Báo cáo chính trị tiếp tục được hoàn thiện, Đoàn Chủ tịch Đại hội đề nghị đại biểu đại hội tập trung thảo luận một số vấn đề sau:

Một, xin ý kiến Đại hội về tổng thể bố cục, kết cấu, tiêu đề, nội dung của dự thảo Báo cáo chính trị.

Hai, xin ý kiến đại hội về đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Trong đó, tập trung vào một số nội dung, cụ thể như sau:

- Tính toàn diện, đầy đủ, trung thực, khách quan của các nhận định, đánh giá trên các mặt công tác.

- Đánh giá việc triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; sự tham gia của tổ chức Đoàn vào các nhiệm vụ chính trị mới, khó được cấp ủy, chính quyền giao phó.

- Bổ sung các phương thức, mô hình, cách làm mới đã được triển khai, mang lại hiệu quả trong nhiệm kỳ 2017 - 2022 chưa được đề cập hoặc chưa được phân tích rõ nét trong dự thảo Báo cáo chính trị.

- Đánh giá, bổ sung những hạn chế, khó khăn (nếu có) trong triển khai các chủ trương của nhiệm kỳ.

- Tính chính xác, phù hợp của các bài học kinh nghiệm với thực tiễn công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Ba, xin ý kiến Đại hội về dự báo tình hình đất nước và thanh thiếu nhi. Đánh giá tính chính xác, đầy đủ của dự báo. Đề xuất bổ sung những vấn đề của đất nước, đặc điểm của thanh thiếu nhi thời kỳ mới có tác động sâu sắc đến công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Bốn, xin ý kiến Đại hội về các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu trọng tâm trong nhiệm kỳ 2022 - 2027. Trong đó, tập trung thảo luận các vấn đề sau:

- Nghiên cứu, đánh giá tính toàn diện, khả thi, phù hợp với thực tiễn của các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu trọng tâm trong nhiệm kỳ 2022 - 2027.

- Đề xuất giải pháp thực hiện các chủ trương, nghị quyết mới của Đảng, Nhà nước gắn với các mảng công tác của Đoàn, nhất là những giải pháp nhằm xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, khơi dậy khát vọng vươn lên xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; các giải pháp phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên để góp phần hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các giải pháp xây dựng Đoàn vững mạnh toàn diện, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Đánh giá tính cần thiết, phù hợp của 3 nhiệm vụ đột phá lần đầu tiên được tổ chức Đoàn đề ra để thực hiện trong nhiệm kỳ.

Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư BCH Trung ương Đoàn khóa XI thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày tóm tắt Báo cáo việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn.

Tại phiên làm việc thứ 2 của Đại hội, chiều 14/12, sẽ diễn ra 6 diễn đàn thảo luận, góp ý Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, gồm: Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên; Thanh niên xung kích, sáng tạo dựng xây đất nước; Tổ chức Đoàn - Người bạn đồng hành với thanh niên; Xây dựng Đội vững mạnh - Vì đàn em thân yêu; Thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập; Xây dựng Đoàn vững mạnh, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 14-16/12), với 5 phiên làm việc. Phiên thứ 3 là phiên trọng thể Đại hội diễn ra vào sáng 15/12, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, phát thanh trực tiếp trên VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam và tường thuật trực tiếp trên hệ thống báo chí của Đoàn. Dự kiến sẽ có 200 đại biểu khách mời tham gia phiên trọng thể. Đại hội bế mạc vào sáng 16/12.

Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017 - 2022; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2022 - 2027; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; bầu Ban Chấp hành T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa XII.

 

Ban Biên tập