Khánh Hòa: Gieo tình yêu thương cho trẻ khuyết tật, chậm phát triển

CTG - Tình yêu của giáo viên dành cho các học sinh dặc biệt ở Trung tâm Phục hồi chức năng giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa là nguồn động viên lớn để các em vượt qua chính mình.

Một giờ học của học sinh khuyết tật khiếm thính khối 2-3, cô giáo hướng dẫn học sinh diễn đạt từ ngữ bằng ngôn ngữ ký hiệu. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Một giờ học của học sinh khuyết tật khiếm thính khối 2-3, cô giáo hướng dẫn học sinh diễn đạt từ ngữ bằng ngôn ngữ ký hiệu. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Những lớp học ở Trung tâm Phục hồi chức năng giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa (số 7 Tản Viên, phường Phước Hòa, thành phố Nha Trang) rất đặc biệt, bởi có những học sinh hiếu động, la hét, thậm chí có những hành vi bất thường tự ngược đãi bản thân, bạn bè và thầy cô.

Điểm chung của những lớp học này là tình yêu của giáo viên dành cho học sinh đang là nguồn động viên lớn để các em vượt qua chính mình.

Mỗi lớp học mỗi cách dạy

Trong tiết Chào cờ đầu tuần của Trung tâm, điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là đội cờ, đội trống và đội nghi thức Đội.

Tiếng trống theo nhịp điệu, bài Quốc ca được các bạn khiếm thính “hát” bằng ngôn ngữ ký hiệu. Không khí khu vực chào cờ trang nghiêm. Sau đó, các học sinh được thầy giáo của Trung tâm chia sẻ về chủ đề của Ngày lễ 8/3 cùng với một giáo viên khác sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để diễn tả cho khối học sinh khuyết tật khiếm thính hiểu.

Tiếp đến, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc (Chủ nhiệm khối lớp 2-3 khuyết tật trí tuệ) mời nhiều học sinh có thành tích học tập tốt trong tuần lên trước toàn trường và đọc lời khen ngợi của giáo viên, động viên các em bằng những món quà nhỏ.

Cô Trúc cho biết giờ học vận động cho các học sinh cũng giống như tiết thể dục, thể chất. Ở đây, các thầy cô tùy tình hình sức khỏe của học sinh, chọn các hoạt động phù hợp. Trẻ khuyết tật chậm phát triển trí tuệ nên đối với mỗi hành động, giáo viên phải nhắc nhở hoặc để trẻ thực hành rất lâu mới thành thạo.

Đối với đội trống nghi thức Đội của Trung tâm, để tập cho các em đánh được, đánh đúng nhịp điệu, thầy cô phải rèn luyện khoảng 1 năm mới thành thạo và luôn tập luyện thường xuyên để tránh quên bài.

TTXVN_0703khuyettatKhanhHoa2.jpg
Trong giờ chào cờ được các học sinh khuyết tật hát và thể hiện bằng ngôn ngữ ký hiệu bài Quốc ca. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
 

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với cô Trúc, mỗi ngày gặp trẻ là một niềm vui lớn. Sự động viên, chia sẻ kịp thời của các đồng nghiệp cũng giúp cô tự tin với nghề. Cứ thế, cô đã gắn bó 10 năm với nghề giáo dục đặc biệt này.

Lớp 4 khối khiếm thính do cô Trần Thị Mỹ Ái chủ nhiệm đang trong giờ học về chiếc áo dài Việt Nam. Các học sinh chăm chú lắng nghe, thích thú khi được cô giáo đọc, hành động ngôn ngữ ký hiệu kết hợp với xem trực tiếp chiếc áo dài. Khi được cô giáo yêu cầu, các em nhanh nhẹn dùng ngôn ngữ ký hiệu để diễn tả nội dung bài học.

Theo cô Mỹ Ái, để học sinh khuyết tật khiếm thính đạt được trình độ như trong buổi học vừa qua là cả một quá trình dài các em học và rèn luyện cùng gia đình, thầy cô tại Trung tâm.

Hiện tại, các học sinh đang được học bằng hình thức trực quan, âm thanh, ký hiệu và ngôn ngữ chữ viết. Ngoài giờ học trên lớp theo chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có lược giản các bài học phù hợp với học sinh khuyết tật), các học sinh còn được hướng nghiệp nghề.

Cô Mỹ Ái tin rằng cứ yêu trẻ, trẻ sẽ yêu mình. Cứ như vậy, 27 năm qua, cô gắn bó với nghề, với Trung tâm. “Chúng tôi mong muốn làm sao, mỗi học sinh khuyết tật sau khi rời Trung tâm đều có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân, có được công việc mưu sinh nuôi sống bản thân. Như vậy là chúng tôi thấy hạnh phúc,” cô Mỹ Ái chia sẻ.

Giúp trẻ, trẻ sẽ tự giúp mình

Lớp học nhà trẻ “siêu quậy” của thầy Trương Hoài Lương gây ấn tượng khá lớn cho chúng tôi. Lớp học này có những học sinh đa khuyết tật hoặc tuổi rất lớn nhưng nhận thức chỉ dừng lại ở độ tuổi 2-3 (khuyết tật trí tuệ-chậm phát triển trí tuệ).

TTXVN_0703khuyettatKhanhHoa3.jpg
Giáo viên của Trung tâm hướng dẫn cho học sinh cách giao tiếp bằng hình ảnh, chọn các loại nước uống giải khát khi giao tiếp với khách hàng ở " Góc Thương" - nơi thực hành hướng nghiệp cho các em học sinh khuyết tật. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Các em có những hành động bất thường và chỉ khi thầy gọi tên, dùng hình ảnh ra tín hiệu mới dừng lại.Ban đầu, thầy Lương nghĩ đây đơn thuần là một công việc để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình và làm đúng với nghề đã học (giáo dục đặc biệt).

Tuy nhiên, càng tiếp xúc với trẻ và gia đình trẻ, thầy càng có sự đồng cảm, sẻ chia và gắn bó với nghề. Tình thương dành cho các em không may bị khiếm khuyết đã dần bồi đắp tình yêu nghề trong thầy.

 

Năm 2017, những ngày đầu nhận lớp nhà trẻ ở Trung tâm, các bạn dù lớn nhưng vẫn chưa thể tự vệ sinh, chăm sóc bản thân khiến thầy trăn trở. Giờ đây, sau một thời gian rèn luyện chia sẻ cùng trẻ, nề nếp của các học sinh đã ổn định hơn.

Thầy Lượng chia sẻ giáo viên phải yêu thương trẻ, xem trẻ như là người trong gia đình thì mới chăm sóc cẩn thận, chu đáo cho các em. Mỗi một hành động yêu thương của thầy cô chính là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp trẻ dần ổn định cảm xúc, bắt chước và học theo những gì được dạy.

Khi trẻ không làm chủ được hành vi, sẽ nổi nóng, đánh bạn hoặc tự ngược đãi bản thân. Lúc đó, chính giáo viên phải là người vỗ về, yêu thương, khuyên nhủ trẻ.

“Trung tâm có khẩu hiệu: Hãy giúp trẻ, trẻ sẽ tự giúp mình. Tôi luôn lấy phương châm này để thực hành mỗi ngày lên lớp. Ở lớp học nhà trẻ, việc tạo cho trẻ khuyết tật trí tuệ ý thức tự vệ sinh, chăm sóc và tự ăn uống là công việc tuy dễ nhưng rất khó vì tùy tình hình của mỗi em,” thầy Lương tâm sự.

Năm học 2023-2024, Trung tâm có 145 học sinh khuyết tật nhập học; trong đó có 101 học sinh khuyết tật trí tuệ, 44 em khuyết tật nghe nói. Chương trình dạy học cho trẻ khuyết tật ở Trung tâm từ lớp 1 đến lớp 5 dạy trong 10 năm. Khi trẻ đủ nhận thức theo trình độ Tiểu học sẽ được “tốt nghiệp”. Những năm gần đây, Trung tâm vừa dạy kiến thức vừa hướng nghiệp cho các em.

“Góc Thương” là một nơi để các em thực hành pha chế đồ uống, phục vụ khách hàng. Ở đây, các em được phân công công việc theo trình độ, chuyên môn. Bạn nào cũng làm rất tốt. Trung tâm còn tổ chức những buổi can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Hai chị em ruột Lê Thị Quỳnh (sinh năm 2008) và Lê Thị Quỳnh Trang (sinh năm 2010) đều không may bị khuyết tật khiếm thính và học tại Trung tâm từ những năm 2016.

Đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6, hai em theo mẹ từ thị xã Ninh Hòa vượt khoảng gần 40km có mặt tại lớp học. Để trò chuyện với các em, chúng tôi nhờ cô giáo chủ nhiệm hỗ trợ ngôn ngữ ký hiệu. Khi được cô giới thiệu, các bạn có thể dùng chữ viết để trả lời và cuộc trò chuyện bắt đầu đỡ lúng túng hơn. Chị gái Quỳnh khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, nhanh nhẹn viết ra giấy. Trong khi đó, em gái Quỳnh Trang còn phải nhìn ngôn ngữ ký hiệu của chị gái mới hiểu hết nội dung.

Em Quỳnh cho biết, em rất yêu các thầy cô. Mỗi ngày đến Trung tâm, em được học và hiểu biết thêm nhiều kiến thức mới. Em mong muốn, khi kết thúc chương trình Tiểu học ở Trung tâm sẽ tiếp tục được theo đuổi con chữ để lên học ở cấp Trung học dành cho trẻ khuyết tật.

Mong muốn của hai em chính là mong muốn của rất nhiều phụ huynh có con em bị khuyết tật. Sau mỗi giờ lên lớp của con em mình, họ thấy trẻ lớn lên, hiểu biết và ý thức về cuộc sống hơn.“Mỗi hành động khen ngợi sẽ giúp ích rất nhiều cho các cháu khuyết tật. Các cháu cảm nhận được tình thương của thầy cô và gia đình sẽ cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt lên những khó khăn. Mỗi giáo viên, bảo mẫu, nhân viên tại Trung tâm đều là những người tự chọn nghề, yêu nghề và gắn bó với nghề nhờ sự tiến bộ của học sinh mỗi ngày,” cô Phan Thị Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa nhận định.

Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, các chương trình hợp tác quốc tế hỗ trợ trẻ khuyết tật, có nội dung liên quan, Sở sẽ hướng dẫn để Trung tâm học tập, tiếp nhận và cùng phối hợp thực hiện. Qua đó, trẻ không may bị khuyết tật có cơ hội tiếp nhận trị liệu, học tập trong môi trường thích hợp./.

Theo Vietnamplus