'Khởi nghiệp: chọn đường dài hay đi lối tắt?': Cô gái 'Bản Thổ' trồng rừng khởi nghiệp

(CTG) Đã làm việc 5 năm tại Hà Nội, Nguyễn Lê Ngọc Linh thấy xót xa khi nhiều cánh rừng quê mình dần thành đồi trọc. Bạn quyết định quay về, khởi nghiệp trồng rừng ở xã Hóa Quỳ, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa).

'Khởi nghiệp: chọn đường dài hay đi lối tắt?': Cô gái 'Bản Thổ' trồng rừng khởi nghiệp - Ảnh 1.

Nguyễn Lê Ngọc Linh với gian hàng giới thiệu sản phẩm từ “Vườn rừng Bản Thổ” - Ảnh: NVCC

Thoắt cái mà gần bốn năm quay về, trồng rừng rồi lập hợp tác xã. Dự án "Vườn rừng Bản Thổ" của Linh được trao giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp tại tỉnh, Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của và mới đây là giải thưởng Vừ A Dính.

 
Ngày trở về bắt tay trồng rừng, ai cũng cản, nói tôi "dở người", tự dưng lao đầu vào cái khó, nhưng tôi có niềm tin mình cứ đi là sẽ thành đường.

NGUYỄN LÊ NGỌC LINH

Khởi nghiệp như chú ong thợ cần mẫn

Mỗi lần về quê, Linh lại thấy đất đai quê mình rộng lớn nhưng gần như chỗ nào cũng khai thác theo kiểu tận diệt. Và nhiều người trẻ vẫn phải đi tha phương. Linh nghĩ đến thế hệ con cháu mình, làm sao để chúng vẫn có những mảng rừng xanh. "Mượn" 3ha đồi trọc của cha mẹ, mỗi ngày cô gái lại cuốc từng lỗ trồng từng cây mình chọn mà đa số là dược liệu có giá trị.

Linh trồng cả nhiều loài cây gỗ quý, cây ăn trái đan xen, giữ nguyên hiện trạng rừng. Linh không diệt cỏ mà để phủ đất, giữ độ ẩm cho cây. Rồi cô bạn nuôi thêm gà, trồng bắp để có cái "lấy ngắn nuôi dài". Nhiều hôm Linh ngồi thẫn thờ, rơi nước mắt và muốn bỏ cuộc vì như càng làm càng hụt, cảm giác chậm tới độ mọi người thấy như cô chẳng tiến lên tí nào.

"Một số bạn bè còn ngao ngán lắc đầu bảo Linh đi vào ngõ cụt, chọn gì không chọn lại đi trồng rừng, đòi sản xuất sản phẩm với nguyên liệu canh tác hoàn toàn không hóa chất, không chất bảo quản, không phụ gia và cả chuyện sinh kế cho cộng đồng. Vốn mình cũng không bao nhiêu, lại cầu toàn nhưng mình cứ lầm lũi đi một cách bền vững", Linh bộc bạch.

Từ khu đồi trọc 3ha không điện, không nước, đường cũng không, mô hình vườn rừng Bản Thổ hiện đã có hơn 100 loài cây với nhiều loại quý như lim, trám, dẻ cùng cây ăn trái, dược liệu. Bạn liên kết với bà con sống cạnh rừng nuôi ong lấy mật, đó cũng là sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã "Vườn rừng Bản Thổ" với tiêu chí đảm bảo ong nuôi tự nhiên.

Khởi nghiệp hái trái ngọt từ rừng

Mật ong nuôi hoàn toàn tự nhiên, Linh đã kết hợp với những nhà khoa học để hoàn thiện công nghệ chế biến. Sản phẩm mật ong lên men kết hợp với các loại dược liệu bản địa như gừng ré, tỏi tía, nghệ, chùm ngây, lá bạc hà sấy lạnh... tạo ra các sản phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, vừa đảm bảo dinh dưỡng, có nguồn thu để vận hành hệ thống.

Hành trình khởi nghiệp cứ làm rồi dần hoàn thiện, Linh cùng cộng sự nỗ lực chỉn chu nhất với nguồn lực có được. Sản phẩm mật ong lên men được kiểm nghiệm, kiểm soát từng bước theo từng lô sản xuất, tạo được thiện cảm cho khách hàng với dòng sản phẩm này. Nhưng để thương mại hóa sản phẩm là hành trình không đơn giản mà một cô gái chọn con đường khởi nghiệp như Linh phải rất kiên nhẫn vì hầu như trước đó bạn có hiểu gì về kinh doanh, thị trường đâu.

Nhờ Linh hướng dẫn, bà con biết trồng dược liệu, nuôi ong lấy mật dưới tán rừng. Chưa kể, chú ong giống bản địa này góp phần tăng thêm sự đa dạng sinh học, ong giúp thụ phấn cho cây, bà con có thêm mật ngọt. Như một vòng tròn khép kín, các sản phẩm từ ong được thương mại hóa, đi xa sẽ tạo nguồn thu cho bà con, cho chính cô gái ấy để hoàn thiện giấc mơ về những cánh rừng xanh trở lại.

Vì không có nhiều kiến thức khoa học, Linh bù đắp bằng việc kết hợp với nhà khoa học, cứ dư đồng nào lại đầu tư cho nghiên cứu hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nỗi có ông tiến sĩ về vi sinh còn bảo Linh tí gì cũng kiểm nghiệm, phân tích, cứ như "đốt tiền".

Nhưng kệ, Linh lầm lì, cần mẫn vay tiền nâng cấp nhà xưởng, tậu thêm máy móc rồi lại kiểm nghiệm nhiều chỉ tiêu hơn. Cứ cho là "đốt tiền" mà nâng cấp được chất lượng sản phẩm, ra thị trường dòng sản phẩm mật ong lên men cùng với các dược liệu quý được khách hàng ưa chuộng, tìm mua là thấy vui rồi.

Mô hình Linh đang làm mỗi năm có doanh thu khoảng 1,5 tỉ đồng, lợi nhuận chừng 400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 15 bạn trẻ. Để mở rộng sản xuất, cô gái vừa làm hồ sơ xin vay nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Khoản vay đó, Linh sẽ mở xưởng chế biến nông sản lớn trên địa bàn, trồng thêm 4ha vườn rừng Bản Thổ nữa. Cách làm của cô gái ấy phần nào nâng giá trị cho dược liệu quý, nông sản, đặc sản địa phương, cũng là tạo thêm việc làm cho bà con. Quan trọng hơn giúp nâng cao nhận thức cho người dân miền núi về việc bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ môi trường.

Theo TT