Đang là giảng viên Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Đà Nẵng, chị Võ Thị Ngọc Thư (Sn 1984) lại quyết định về quê khởi nghiệp sau một lần đi siêu thị. Từ bỏ công việc gắn bó với mình gần 15 năm, chị bắt đầu một công việc mới khi nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ mô hình này.
“Trong một lần đi siêu thị, tôi tình cờ nhìn thấy những sản phẩm làm từ xơ mướp với giá rất cao, lại còn được nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, ở địa phương tôi sinh sống thì mọi người chỉ thu hoạch mướp non để ăn hoặc bán, quả già thì lấy hạt làm giống, xơ mướp thường vứt đi, không có giá trị gì”, chị Thư nói.
Từ xơ mướp, chị Thư tạo ra hàng loạt sản phẩm bền đẹp, có giá trị kinh tế cao.
Thấy vậy, chị Thư liền về nhà, tìm hiểu về xơ mướp và quá trình làm ra các sản phẩm từ xơ mướp. Chị nhận ra xơ mướp dạng sợi rất dai, nhanh khô, không ám mùi, mềm, các sản phẩm từ xơ mướp rất thân thiện với môi trường nên được thị trường trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, đặt mua với giá cao. Tuy nhiên, trên địa bàn nơi chị sinh sống vẫn chưa có cơ sở nào làm các sản phẩm từ xơ mướp.
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ loại quả này, chị Thư quyết định nghỉ việc, dành thời gian nghiên cứu cách làm xơ mướp, kết hợp với bà con nông dân trồng mướp để chủ động nguồn nguyên liệu và tìm thị trường tiêu thụ.
“Nghĩ thì đơn giản nhưng bắt tay vào làm gian nan lắm. Không phải giống mướp nào cũng có thể lấy xơ làm thành sản phẩm được. Có xơ mướp rồi để làm nên một sản phẩm cũng không hề đơn giản. Tôi đã mất nửa năm để có thể làm ra sản phẩm đầu tiên và mất cả năm trời mới tối ưu được toàn bộ quy trình làm ra sản phẩm, không biết đã bỏ đi bao nhiêu trái mướp nữa”, chị Thư cho hay.
Những sản phẩm nhà bếp, nhà tắm, thời trang từ xơ mướp do chị Thư sản xuất.
Chọn được giống mướp quả to, nhiều xơ, chị Thư lại tìm đến một số hộ dân ở Duy Xuyên (Quảng Nam) đặt vấn đề nhờ họ trồng mướp. Chị sẽ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và kí hợp đồng bao tiêu đầu ra với giá ổn định.
Theo chị Thư, trước khi trồng mướp lấy xơ, bà con thường trồng các loại cây rau màu theo mùa, mướp trồng cũng để hái quả non bán, giá cả bấp bênh. Chưa kể, một cân mướp non khoảng 4-5 quả có giá từ 8-10 nghìn đồng/kg, mỗi quả chỉ có giá khoảng 2 nghìn đồng. Tuy nhiên, nếu để mướp già, mỗi quả mướp có thể bán được từ 3-5 nghìn đồng với giá ổn định.
Những quả mướp sau khi già và phơi khô tự nhiên khoảng 80% sẽ được thu hoạch và tiến hành sơ chế, lột vỏ, giũ hạt, giặt, cắt, phân loại, ép, may định hình, đóng gói.
Mỗi tháng, chị Thư cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn sản phẩm từ xơ mướp.
Có sản phẩm, chị Thư lại tiến hành đăng bán trên các sàn thương mại điện tử, tham gia các hội chợ, hội thảo để tiếp cận khách hàng. Dần dần, những đơn đặt hàng gửi về ngày càng nhiều. Từ 0,5ha trồng mướp ban đầu, chị Thư đã liên kết với hàng chục hộ dân tại Quảng Nam và các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk trồng mướp trên tổng diện tích 4,5ha.
Đến nay, sau 2 năm khởi nghiệp, chị Thư đã xây dựng nên xưởng sản xuất xơ mướp rộng hơn 200m2 với tổng số vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng, có đầy đủ các loại máy móc như máy cắt, máy dập, máy may, máy viền, máy thêu…
Mỗi tháng, xưởng sản xuất của chị có thể tiêu thụ được khoảng 20.000 trái xơ mướp, cung cấp ra thị trường trên 10.000 sản phẩm với hơn 20 loại sản phẩm phục vụ nhà tắm, nhà bếp, thời trang và trang trí nhà cửa từ xơ mướp có giá từ 25 nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Khởi nghiệp từ loại quả nhiều người vứt đi, chị Thư đã mang sản phẩm xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Không chỉ phục vụ trong nước, các sản phẩm từ xơ mướp của chị Thư còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, được khách hàng đón nhận nhiệt tình.
Hiện tại, cơ sở sản xuất xơ mướp của chị Thư đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức lương trên 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của cơ sở đạt trên 200 triệu đồng/tháng, lợi nhuận đạt khoảng 20%.
Đầu tháng 6/2024, dự án khởi nghiệp từ xơ mướp của chị Thư cũng đã đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024” do Hội liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tổ chức.
Tháng 8/2024, ý tưởng khởi nghiệp từ xơ mướp của chị cũng đã đạt giải Nhì hội thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2024” do Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức.
“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường vì mỗi sản phẩm xơ mướp được sử dụng sẽ thay thế một sản phẩm nhựa. Việc phát triển các sản phẩm từ xơ mướp cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, tạo công ăn việc làm cho người dân, phát triển kinh tế từ loài cây đã gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam”, chị Thư nhấn mạnh.
Theo NDT