Họ muốn thay đổi nhưng không biết thay đổi như thế nào, muốn phát triển cũng không biết làm cách nào phát triển, bởi họ chỉ được học một ít lý luận chính trị mà chưa được học làm kinh tế. Thật may, có cán bộ cấp trên về thăm.
Cán bộ địa phương giết gà, mổ lợn, bày tiệc chiêu đãi thịnh soạn rồi khom lưng, xoa tay, xin cấp trên ý kiến chỉ đạo để làm ăn thoát nghèo. Cán bộ cấp trên có hơi men nên hùng hồn, bảo:
- Cần trồng cây mũi nhọn.
Cán bộ cấp trên đi rồi, cán bộ địa phương tức tốc họp để quán triệt chỉ đạo sáng suốt của cấp trên. Họ vắt óc suy đoán ra rằng, cây mũi nhọn là tre, trúc, liền phát động phong trào trồng tre, trúc rầm rộ. Tre, trúc xanh tốt thì nhiều người giàu có cuối tuần hay đi câu cá. Chặt trúc bán làm cần câu được khối tiền. Lại chặt trúc bán làm cán chổi lông cho những ngôi biệt thự cũng thu khá. Nhưng thu lớn nhất là bán măng cho nhà hàng quán nhậu phục vụ các đại gia thèm chất xơ, cứ gọi là đếm tiền mỏi tay.
Cán bộ cấp trên lại về. Lần này địa phương đưa đến cơ sở tiểu thủ công nghiệp sinh ra từ thời bao cấp, đến thời kinh tế thị trường đang sống dở chết dở. Cán bộ địa phương lại chắp tay xin ý kiến chỉ đạo sáng suốt và cán bộ cấp trên lại hùng hồn:
- Cần xác định sản phẩm mũi nhọn.
Lãnh đạo địa phương họp để suy đoán. Sản phẩm mũi nhọn thì lưỡi cày, lưỡi bừa không còn phù hợp bởi đã cày bừa bằng máy, làm kim thì tinh vi quá không làm được, thế là làm đinh. Họ vay vốn mua máy, mua thép, sản xuất ra đinh to, đinh nhỏ đủ cỡ. Vừa lúc thiên hạ sính đồ dùng bọc da, cần rất nhiều đinh để đóng. Đinh đóng từ phần gỗ bên trong, vì không ai hơi đâu đục mộng, đóng đến mút, xốp, giẻ rách ở giữa, và vải, da bên ngoài. Cơ sở làm đinh khấm khá.
Còn có trại chăn nuôi, cũng sinh ra từ thời bao cấp, nuôi lợn, gà đều lỗ vì cha chung không ai khóc, nuôi bò sữa cũng lỗ vì trong nước nhập sữa bột về khuấy rồi dán nhãn “sữa tươi” bán kiếm lời lớn hơn. Cũng do ngành y tế và nhiều ngành chức năng khác cho phép làm như thế. Chẳng thể nào kêu thấu những cái tai đã quen nghe đô-la, ơ-rô, lãnh đạo địa phương lại rước cán bộ cấp trên về tiệc tùng khoản đãi để xin ý kiến chỉ đạo tài tình sáng suốt. Cán bộ cấp trên mỉm cười ý nhị, nói vẫn rất hùng hồn:
- Cần nuôi con mũi nhọn.
Không cần tốn nhiều thời gian suy nghĩ, lãnh đạo địa phương biết ngay đó là con chuột. Giống này sống khỏe, đẻ nhanh, chẳng mấy chốc đầy làng, đầy đồng. Quán nhậu ăn tối ngày vẫn thua khả năng sinh đẻ của chúng. Thế là chuột cắn phá lung tung, phá nát lúa khoai ngoài đồng đến cây cối trong vườn, đồ đạc trong nhà.
Tre, trúc được khai thác đến cạn kiệt để làm sào đập chuột. Cơ sở sản xuất đinh quay ra sản xuất bẫy chuột. Dĩ nhiên, cái kiểu lòng vòng “tự cung tự cấp” này không thúc đẩy cuộc sống đi lên nhưng còn hơn để chuột hoành hành tàn phá. Thời gian dài vẫn không tiệt nọc được giống chuột đẻ quá nhanh và quá tinh khôn. May sao lúc đó, một nông dân phát hiện ra mình có năng khiếu diệt chuột. Ông thành lập Đại công ty Trừ Tí ngày đêm làm không hết việc. Diệt xong lũ chuột, dân địa phương trở lại nghèo như cũ. Riêng ông chủ Đại công ty Trừ Tí thì giàu to, các sản phẩm mũi nhọn rốt cuộc dồn hết lợi ích cho ông, ông trở thành một doanh nhân thành đạt. Chỉ tiếc là sự giàu có ấy không xuất khẩu được, tài năng ấy không liên doanh liên kết được với thế giới bên ngoài để phát huy nên kém bền vững.
Theo Tầm nhìn