Lo ngại các vấn đề về sức khỏe
Theo như Thanh Niên đã thông tin trước đó, đến ngày 5.1, không chỉ Hà Nội mà TP.HCM cũng lọt vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới của IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - PV).
Tình trạng ô nhiễm không khí ở mức báo động khiến nhiều người lo ngại về vấn đề sức khỏe. “Sáng dậy đi làm thấy trời trắng đục mình cứ nghĩ là sương mù nhưng tới tận trưa hay thậm chí đến chiều tình trạng ấy vẫn còn, tìm hiểu thì được biết là bụi mịn. Bình thường chạy xe ngoài đường chỉ dùng một cái khẩu trang y tế nhưng gần đây mình đã trang bị thêm một chiếc khẩu trang vải để tăng tính bảo vệ, hạn chế hít phải bụi mịn”, Huỳnh Ngọc Vân (23 tuổi), ngụ tại đường số 5, P.10, Q.Tân Bình (TP.HCM) chia sẻ.
Suốt 1 tuần nay, Võ Thị Tố Trinh (20 tuổi), ngụ tại đường Nguyễn Thái Học, P.Tân Thành, Q.Tân Phú (TP.HCM) luôn trong tình trạng sụt sùi vì chảy nước mũi. “Gần đây, thời tiết chuyển mùa cộng thêm chất lượng không khí không được tốt nên mình cứ bị hắt hơi, sổ mũi. Khoảng 1 tuần nay, ngày nào mình cũng phải vệ sinh và dùng thuốc nhỏ mũi. Để hạn chế hít phải bụi mịn, mình ít đi ra ngoài và nếu ở nhà cũng không dám mở cửa”, Trinh cho biết.
Nguyễn Bảo Trung, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ: “Bình thường buổi sáng mình rất thích dậy sớm để chạy bộ, đánh cầu lông nhưng dạo gần đây do khá lo ngại về vấn đề bụi mịn nên không dám tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều. Cuối tuần vừa rồi nhóm bạn mình có kế hoạch đi cắm trại nhưng đành hủy vì chất lượng không khí xấu. Nhìn bầu trời trắng đục, đậm đặc bụi mịn mình cũng ngại bước chân ra khỏi nhà”.
Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết các hạt bụi mịn có kích thước nhỏ và siêu nhỏ sẽ tồn tại rất lâu trong không khí, khi ta hít thở thì càng truyền sâu vào trong khí quản gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Cụ thể ảnh hưởng nhiều nhất là đường hô hấp, gây ra các triệu chứng ho, hắt hơi, khò khè, chảy nước mũi, viêm xoang… Các bệnh lý cấp và mãn tính tai, mũi, họng, hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản, cũng như làm nặng hơn tình trạng bệnh hiện có. Nếu thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm không khí và nhiều bụi mịn sẽ gây các tác động đến tâm lý, ảnh hưởng về khả năng nhận thức, suy giảm trí nhớ, trầm cảm. Ngoài ra, còn có nguy cơ làm tăng những bệnh lý tim mạch, xơ gan và các bệnh chuyển hóa”, bác sĩ Lợi cho biết.
Hà Nội ô nhiễm không khí nặng: Người dân ra đường tưởng ‘đi trong sương mù'
Những giải pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả trước bụi mịn
Chia sẻ về những cách bảo vệ bản thân trước thực trạng ô nhiễm không khí, bác sĩ Lợi cho biết: “Đầu tiên là hạn chế việc tiếp xúc với nguồn bụi mịn bằng cách đeo khẩu trang chuyên dụng, hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm, nhiều khói bụi. Thứ 2, hạn chế đeo kính áp tròng bởi các hạt bụi có thể kẹt giữa con ngươi và mắt kính, dẫn đến tình trạng viêm và gây tổn thương giác mạc. Thứ 3, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, vệ sinh tai, mũi, họng để mũi luôn duy trì khả năng lọc bụi tốt nhất. Cuối cùng, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, cải thiện sức đề kháng; uống đủ nước, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin A và C”.
Tình trạng không khí ô nhiễm như hiện tại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của những người có bệnh lý nền về hô hấp nên bác sĩ Lợi cũng lưu ý cần tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp bảo vệ, theo dõi tình trạng sức khỏe về các bệnh lý mãn tính đang điều trị. “Tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc đầy đủ, đúng liều và đúng cách. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi tình trạng chất lượng không khí, hạn chế ra khỏi nhà. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời”, bác sĩ Lợi chia sẻ.
Vị bác sĩ này cũng chỉ ra những cách mọi người có thể áp dụng để hạn chế sự tác động của bụi mịn, như: thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ốc sạch sẽ; giữ môi trường sống được thông thoáng; thay đổi thói quen sinh hoạt bằng cách chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng và có nhiên liệu thân thiện với môi trường; hạn chế dùng bếp than, đốt vàng mã. Bên cạnh đó, nên trồng cây xanh trong và xung quanh nhà để giúp ngăn bụi, làm sạch không khí.
Theo TN