Làm gì để lúc nào cũng muốn lao vào bàn học?

(CTG) 'Có một hormone được gọi là hạnh phúc và nó giúp học sinh lao vào bàn học cả ngày mà vẫn không thấy chán'.

Minh chia sẻ về hormone hạnh phúc giúp học sinh có động lực ngồi vào bàn học mà không thấy chán /// NVCC
Minh chia sẻ về hormone hạnh phúc giúp học sinh có động lực ngồi vào bàn học mà không thấy chán
 

Trong chương trình tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức tại TP.Đà Lạt vừa qua, Quang Trọng Minh (thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mở TP.HCM) đã có chia sẻ rất độc đáo về hormone giúp học sinh lao vào bàn học cả ngày mà không thấy chán.

Với kinh nghiệm 3 năm học tập, nghiên cứu các tài liệu về tư duy não bộ và trí tuệ cảm xúc, thủ khoa Quang Trọng Minh đã chia sẻ cặn kẽ về loại hormone Dopamine. Bên cạnh đó, Minh cũng chia sẻ những cách thức giúp học sinh có thể tăng cường sản xuất hormone này để ôn thi hiệu quả hơn.

Để lúc nào cũng muốn học!

Minh cho biết hormone động lực, hạnh phúc có tên gọi khoa học là Dopamine. Cảm giác hạnh phúc, có động lực dưới góc nhìn khoa học thực chất là do tác động, ảnh hưởng của các chất dẫn truyền thần kinh, chất truyền tín hiệu hóa học đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe não bộ và cả cơ thể.

“Trong khoa học thần kinh, một trong những thành phần trung tâm cho mọi hoạt động của não bộ,  Dopamine - “mùi vị chiến thắng” là hormone khi được giải phóng với số lượng lớn trong cơ thể khiến người học có cảm giác thích thú, hưng phấn, tràn đầy cảm hứng khi học tập. Ngược lại, mức độ hormone dopamine khi thấp sẽ làm giảm động lực phấn đấu, giảm sự nhiệt tình, giảm khả năng tập trung, trí nhớ “cá vàng”, tư duy chậm khi học và dễ gây ra cảm giác “lười biếng” ở người học như mệt mỏi, thiếu năng lượng, uể oải, thiếu động lực”, Minh cho biết.

Theo Minh một số triệu chứng dễ gặp khác có thể kể đến khi thiếu hụt hormone này là tâm trạng dễ thay đổi, cảm xúc không ổn định, mất cảm giác ăn uống, khó ăn khó ngủ, và thậm chí dẫn đến trầm cảm, muốn tự tử. Do đó, việc hiểu rõ tác động của Dopamine và cách bổ sung các thực phẩm cần thiết để tăng lượng “phân tử động lực” này giúp các bạn học tập hiệu quả là vô cùng quan trọng.

Độc đáo hormone giúp học sinh vào bàn học cả ngày mà không chán - ảnh 1

Học sinh vây quanh để hỏi Minh về bí quyết ôn thi và học bài hiệu quả

Lý giải cụ thể hơn về chức năng của hormone Dopamine giúp cho học sinh lúc nào cũng muốn lao vào bàn học, Minh cho biết Dopamine có tác động quan trọng đến cảm xúc và tư duy của con người bằng các nơ ron có phần thân nằm ở não giữa gắn với các sợi trục thần kinh kéo dài đến nhiều khu vực khác nhau của não, giúp truyền Dopamine từ bộ phận này đến bộ phận kia của não (đường truyền Dopamine).

“Các đường truyền Dopamine sẽ giúp truyền “động lực, hạnh phúc” đến phần vỏ não trước trán, đây là khu vực quan trọng ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề, tư duy cảm xúc, trí nhớ, trí thông minh. Các đường truyền tín hiệu Dopamine còn kết nối với hạch hạnh nhân ở não bộ có vai trò quan trọng trong quá trình xử lý cảm xúc và kiểm soát trí nhớ của não. Một cách đơn giản, Dopamine có ảnh hưởng lớn, giúp người học khao khát và nỗ lực để đạt được một mục tiêu nhất định. Khi đạt được, não bộ sản sinh ra Dopamine như một “phần thưởng”, giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu, vui mừng và thôi thúc được lặp lại cảm giác đó”, Minh cặn kẽ hơn.

Làm gì để có hormone động lực?

Thủ khoa Quang Trọng Minh cho biết để duy trì hàm lượng Dopamine cao giúp bản thân cảm thấy phấn chấn, bắt tay vào học ngay thì phương pháp học đó chính là hãy chia các mục tiêu lớn mỗi ngày thành nhiều đề mục nhỏ, dễ dàng hoàn thành từ đó làm tăng thêm Dopamine mà không cần tốn quá nhiều công sức và thời gian, vừa an toàn lại hiệu quả. Do đó, thay vì chỉ cho phép bộ não của bạn “ăn mừng” khi đạt đến vạch đích là thi đậu đại học, thì bạn có thể tạo ra một loạt các dòng thành tích nhỏ, vạch đích ngắn hạn chẳng hạn như đọc hết một chương sách một ngày để sản sinh Dopamine thường xuyên.

Độc đáo hormone giúp học sinh vào bàn học cả ngày mà không chán - ảnh 2

Học sinh thích thú nghe Minh chia sẻ bí quyết học đại học

“Hiểu đơn giản, Dopamine được nạp vào cơ thể bằng cảm giác hoàn thành, hân hoan khi đạt được một thành tựu nào đó. Ở môi trường đại học, các bạn sinh viên có thể đối xử tốt với mọi người xung quanh, tham gia công việc tình nguyện cũng có thể làm tăng Dopamine. Đó là bản chất của “cho đi là nhận lại", não bộ sẽ hiểu rằng bạn vừa làm một điều tốt và tạo động lực làm việc để có lại cảm giác phấn chấn đó một lần nữa”, Minh bật mí.

Để tăng cường sản xuất Dopamine trong cơ thể, từ những kiến thức đã nghiên cứu của mình, Minh khuyên người học nên bổ sung socola đen, sữa chua (lợi khuẩn probiotic có tác động tới sản xuất Dopamine), nghệ (curcumin, thúc đẩy sản xuất Dopamine tự nhiên) thịt bò, trứng, sữa, đậu nành, và các loại đậu khác trong chế độ ăn uống hằng ngày. Ngoài ra, các thực phẩm như dưa hấu, đậu xanh, táo và chuối cũng chứa nhiều Dopamine... Việc ngủ đủ giấc, nghe nhạc Baroque, tập thể dục (đi bộ 10 phút,..)  trước khi thi cũng có tác động quan trọng đến Dopamine. Trong đó, nên tránh tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, bơ, sữa béo, dầu cọ, dầu dừa vì chúng dễ gây phá vỡ các liên kết hormone Dopamine.

Nguồn: TNO