Làm thế nào để thanh niên thực hiện khát vọng?

(CTG) Tại tọa đàm “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên”, các chuyên gia đã làm rõ định nghĩa về khát vọng và lẽ sống, đồng thời đưa ra những tiêu chí để thanh niên thực hiện được khát vọng.

Chiều 7.12, T.Ư Đoàn tổ chức tọa đàm khoa học “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” với sự tham dự của anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý.

Những câu hỏi về khát vọng và lẽ sống

Phát biểu tại tọa đàm, anh Nguyễn Tường Lâm cho biết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu ra khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu. Ý thức sâu sắc điều đó, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã phát động đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong thanh niên cả nước với chủ đề “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên”.

Đợt sinh hoạt chính trị sẽ kéo dài cho đến năm 2026, gắn với những giải pháp quan trọng trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách

Bác Hồ, với mong muốn thông qua đó, mỗi đoàn viên, thanh niên đặt cá nhân mình hòa chung với dòng chảy của đất nước, của dân tộc, tạo sức mạnh cộng sinh to lớn mang lại những giá trị phát triển mới cho đất nước.

Làm thế nào để thanh niên thực hiện khát vọng? - ảnh 1
 

Buổi tọa đàm với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. NGUYỆT ÁNH

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình, tại một số diễn đàn của tuổi trẻ, nhiều vấn đề đã được các bạn thảo luận, đặt câu hỏi. Đó là về những khái niệm khoa học, những tiêu chí của khát vọng và lẽ sống nào phù hợp với thanh niên hiện nay; hay làm thế nào để xác định môi trường sẽ thúc đẩy ươm mầm khát vọng. Đặc biệt, có nhiều em học sinh mong muốn được gợi mở các dấu mốc thời gian điển hình để lấy đó làm mục tiêu nuôi dưỡng khát vọng cống hiến và lẽ sống của chính mình”, anh Lâm chia sẻ.

Anh Lâm cho biết Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn ghi nhớ và làm theo lời Bác, xác định các chương trình hành động lấy thanh niên làm trung tâm, tiếp tục đề xuất các giải pháp hướng đến mục tiêu không ngừng chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, sức khỏe, tinh thần cho đoàn viên, thanh niên. Tổ chức Đoàn thường xuyên nghiên cứu nhằm kịp thời định hướng, khơi thông những trăn trở, chắp cánh những hoài bão để ngày càng có nhiều thanh niên bằng khát vọng và cống hiến, với dòng máu nhiệt huyết của tuổi trẻ tham gia vào các phong trào, cuộc vận động lành mạnh, tích cực, thúc đẩy các giá trị tiến bộ và phát triển xã hội.

“T.Ư Đoàn tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” nhằm thảo luận một trong những hệ giá trị sống cơ bản của thanh niên, góp phần định hướng tuyên truyền, giáo dục thanh niên tự rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, cơ hội để phấn đấu trở thành người công dân có ích, nêu cao khát vọng, lẽ sống tích cực, cao đẹp của tuổi trẻ, cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc, cho nhân dân”, anh Lâm nói.

Phải bắt nguồn từ thực học

Tại chương trình, các đại biểu cho rằng tọa đàm “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” diễn ra trong bối cảnh rất ý nghĩa, nhất là trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII; chủ đề tọa đàm đánh đúng tâm nguyện của tuổi trẻ. GS-TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng khát vọng của thế hệ trẻ ngày nay chính là khát vọng phát triển đất nước, để dân tộc, đất nước phồn thịnh, trường tồn. Làm thế nào để thanh niên thực hiện khát vọng cống hiến? Theo ông Bảo, phải có 5 yếu tố như: có lý tưởng chính trị; có tình cảm cách mạng trong sáng; có trí tuệ khoa học; có tư duy sáng tạo đổi mới; và có tâm thế hội nhập.

Làm thế nào để thanh niên thực hiện khát vọng? - ảnh 2

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại tọa đàm. DƯƠNG TRIỀU

“Phải có lý tưởng sống đẹp, sống đúng gắn với mục đích, động cơ hành động của mình. Lý tưởng phải là hệ giá trị phát triển của đất nước, đó là: độc lập, tự do, hạnh phúc. Tuổi trẻ là phải có ước mơ, được dấn thân hành động vì sự nghiệp chung”, ông Bảo nói.

Ông cũng nhấn mạnh muốn thực hiện khát vọng, tuổi trẻ cần có trí tuệ khoa học, có học vấn, văn hóa. Nếu trí tuệ, học vấn, văn hóa càng cao thì càng có hành động ý nghĩa. “Tuổi trẻ cần nâng cao học vấn để trở thành nhân cách có văn hóa. Bắt nguồn từ thực học, thành thực lực, thành thực tài, trở thành tiềm năng để phát triển đất nước; khắc phục tình trạng học giả, bằng thật, lệch lạc về lẽ sống”, ông Bảo gửi thông điệp tới thanh niên.

Đồng thời, GS-TS Hoàng Chí Bảo đề nghị tổ chức Đoàn cần đổi mới nội dung phương pháp để tạo ra môi trường, sân chơi sáng tạo để kích thích sự cống hiến của đoàn viên thanh niên và kiến nghị với Đảng, Nhà nước đổi mới cơ chế chính sách để tuổi trẻ bộc lộ tài năng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Khát vọng là ngọn đèn, lẽ sống là lối đi

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS-TS Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng khát vọng và lẽ sống có nhiều định nghĩa. Ở góc độ tâm lý, khát vọng thể hiện niềm tin cá nhân, nếu mục tiêu càng lớn khát vọng càng lớn.

“Nếu không có mục tiêu thì như câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Khát vọng chính là ngọn đèn, là sự dẫn đường để thực hiện ước mơ. Lẽ sống là phạm trù đạo đức thể hiện ý nghĩa cuộc sống mà cá nhân theo đuổi. Lẽ sống không phải tự nhiên sinh ra mà là kết quả quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện, vượt qua khó khăn. Sự thành công không tự nhiên mà có. Khát vọng và lẽ sống là động lực quan trọng để thực hiện ước mơ của mình”, ông Hà nói.

Theo ông, có lẽ sống cá nhân và lẽ sống đạo đức cộng đồng, trong đó nguy hại nhất là chủ nghĩa cá nhân. Cần phải vượt qua cá nhân để sống cao đẹp và thấy được trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng. “Khi nói đến khát vọng cống hiến chính là lẽ sống vượt qua cá nhân hướng đến cộng đồng. Nếu không có khát vọng, không có động lực vươn lên”, ông Hà khẳng định.

Cho rằng hiện ở đâu đó có một bộ phận thanh niên chạy theo những giá trị vật chất hào nhoáng, mất đi khát vọng, ý chí để tạo ra giá trị thực sự, ông Hà chỉ rõ: “Không phải trang sức, quần áo là giá trị, mà giá trị thực sự là trí tuệ, phẩm giá, tâm hồn trong sáng và yêu thương mọi người”.

Đồng ý với quan điểm này, ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, cũng cho rằng thanh niên cần nhận thức được chân lý của khát vọng. “Nếu khát vọng khởi nghiệp mà không có tri thức, trí tuệ, thậm chí làm điều sai trái thì sẽ thất bại”, ông Linh nói. Theo ông, khát vọng soi đường cho lẽ sống.

“Ngày nay thanh niên đa dạng hơn khi biểu đạt lẽ sống và có nhiều khát vọng, như khát vọng làm kinh tế, khát vọng học tập... nhưng đều vì sự phát triển của đất nước. Vì thế phải ghi nhận, đặt niềm tin vào thanh niên thế hệ mới”, ông Linh nói.

Theo TN