Làng Thanh niên bên đường Hồ Chí Minh: Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng

(CTG) Sau năm năm, Làng Thanh niên miền tây Vĩnh Linh (Quảng Trị) có 110 hộ gia đình trẻ an cư lạc nghiệp. 30 hộ cuối cùng của dự án sẽ nhập làng trong năm 2009.

Một trong những gia đình cuối cùng vừa xóa nhà tạm


Anh em trong Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) Quảng Trị đã rảnh tay để tập trung sức lực cho làng mới ở huyện Đakrong  mới khởi công.

Những đồi lau lách, cỏ tranh, rừng cây bản địa thoái hóa được thay bằng những khu vườn nhà, cánh rừng cao su, rừng tràm hoa vàng. Hai năm  nữa làng sẽ  có vàng trắng. Một sự lột xác đến bất ngờ.

Ngay từ ngày đầu khai canh khẩn hoang, Ban quản lý chỉ đạo tập trung cho cao su. Mỗi gia đình đội viên được giao ít nhất ba hécta đất nhưng chỉ tiêu được tính bằng số cây. Hộ trồng nhiều nhất xấp xỉ 6.000 cây. Một doanh nghiệp ở thị xã Đông Hà đã đầu tư nhà máy chế biến mủ cao su ở trong khu quy hoạch của làng để đón lõng những lô vàng trắng đầu tiên.

Tôi đến rừng cao su bốn tuổi của gia đình anh Lê Đức Tính. Là một trong những hộ khá giả nhất làng, anh Tính được giao sáu hécta đất. Từ vườn rừng đến vườn nhà anh phủ kín toàn cao su. Nỗi lo lớn nhất của gia đình anh bây giờ là huy động vốn để đầu tư phân bón và chăm sóc cho đến ngày thu hoạch.

Rừng cao su của gia đình anh Tính


Gia đình anh Trần Văn Thắng ở phía ngoài đường Hồ Chí Minh được giao hơn 5 héc ta.

Vườn cây ăn quả, các loại cây ngắn ngày đã thu hoạch được vài lứa, chuồng heo gần chục con mỗi năm  xuất ba lứa.

Cơ ngơi này tổng kinh phí đầu tư cho đến hôm nay chưa tới 200 triệu đồng tiền mặt nhưng công sức bỏ ra thì không thể tính được.

Vợ chồng Trương Minh Tuấn, cán bộ thú y của làng, mời chúng tôi bữa cơm trưa với món gà ta kho sả ớt thấm hương vị của đất rừng. Bát canh măng chua thì nấu với cá nuôi dưới hồ của ban quản lý dự án.

Rổ rau sống chủ lực là diếp cá và rau má mọc như hoang dại quanh vườn nhà. Mớ rau tàu bay hái dưới bờ khe luộc chấm  muối giã với ớt xanh gợi nhớ một thời chiến tranh giữa đại ngàn Trường Sơn.

Cây công nghiệp làm giàu cho ngày mai và nền kinh tế tự cung tự cấp song hành trong cuộc sống của mỗi gia đình làng thanh niên. Tuy nhiên rau màu, cây ngắn ngày cung chỉ cần đủ cầu. Mục tiêu trước mắt và lâu dài của cả làng vẫn ưu tiên hàng đầu cho cây cao su.

Bao quanh trạm hạ thế điện của làng là ba cột ăng ten của VinaPhone, MobiFone, Viettel và bưu điện văn hóa xã. Nhà nào cũng có điện thoại cố định, xe máy, ti vi. Trong năm nay, ba gia đình cuối cùng sẽ xóa nhà tạm. Trường mầm non của làng có 30 cháu, bên cạnh là lớp 1 năm nay có tám học sinh. Lên THCS con em  của làng đi học trường xã cách năm km  theo đường Hồ Chí Minh.

Từ nghĩa trang Trường Sơn, từ Bến Tắt đi vào, những con suối ngọn nguồn  sông Bến Hải - như một vỉa quặng xanh đối với làng Thanh niên khi du lịch sinh thái bùng nổ.

Buổi chiều, khi tôi chuẩn bị trở về thì gặp các bạn trẻ từ trường trung học nông nghiệp kéo lên. Họ đi khảo sát thực địa để trồng thí điểm một số loài cây mới di thực ở quả đồi ven hồ đối diện khu trung tâm của làng.

Tôi lại mơ về những vườn cây trĩu quả ở bìa làng dọc đường Hồ Chí Minh huyền thoại, bên hồ nuôi cá, bên con suối nhỏ thấp thoáng nhà sàn. Đó là một ý tưởng đầu tư để vừa níu chân du khách, vừa giữ đặc trưng của Làng thanh niên bên đường Trường Sơn. 

Theo Tien Phong