Đó là câu chuyện một buổi chiều cuối năm 2022 khi vừa bước qua tuổi 27, với tư cách giám đốc Công ty Cổ phần Mirari Việt Nam, Lê Thúy Ngọc đĩnh đạc ngồi vào bàn ký kết hợp tác toàn diện với đại diện General Vibronics, nhà sản xuất thiết bị plasma lạnh cầm tay đầu tiên trên thế giới.
Từ bông hoa nhỏ của khán giả nhí đến giọng ca vàng tiếng hát sinh viên
Sinh năm 1995 trong một gia đình bình thường ở tỉnh lẻ, nhưng Lê Thúy Ngọc có những “vết son” kỳ lạ mà đến bây giờ nhìn lại, ngay cả các thành viên trong gia đình cũng không thể hình dung được.
Doanh nhân Lê Thúy Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Mirari Việt Nam. V.K |
“Lên sóng” từ tuổi mới lên 10, bông hoa nhỏ Lê Thúy Ngọc gắn bó với đội nghệ thuật măng non nhà thiếu nhi tỉnh và đội MC măng non Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương suốt nhiều năm liền.
Từ 2006 đến 2013, hầu như các thành tích cao của các phong trào văn hóa văn nghệ tỉnh Bình Dương tổ chức đều về hết tay cô bé này. Từ giải nhất Hoa phượng đỏ tỉnh năm 2007, giải nhất Kể chuyện sách hè tỉnh năm 2009, giải nhất Tuyên truyền viên thông tin lưu động tỉnh năm 2010... đến thành viên đội tuyển tỉnh tham gia và cũng giành hết giải cao tại Liên hoan Búp sen hồng toàn quốc, hội thi Giai điệu tuổi hồng toàn quốc, Chương trình Khi tôi 18 của T.Ư Đoàn và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức...
Tổng kết năm học 2010 - 2011, Trường THPT An Mỹ (Thủ Dầu Một, Bình Dương) dù không phải là trường chuyên, trường điểm… nhưng bất ngờ nổi tiếng vì có một nữ sinh duy nhất của tỉnh được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo về thành tích xây dựng “Trường học thân thiện học sinh tích cực”. Em nữ sinh đó cũng chính là Lê Thúy Ngọc. Và cũng năm đó, Lê Thúy Ngọc là đại biểu chính thức tham dự chuyến giao lưu văn hóa học sinh - sinh viên Bình Dương và thành phố Deajon (Hàn Quốc).
Là cộng tác viên Chương trình Văn hóa - văn nghệ Đài Phát thanh truyền hình Bình Dương suốt những năm tháng búp măng non và quàng khăn đỏ, dấu ấn Lê Thúy Ngọc có lẽ cũng không dễ gì quên được trong ký ức những khán giả nhí đất Bình Dương ngày ấy.
Thi đậu vào Trường đại học Kinh tế TP.HCM và trở thành sinh viên lớp cử nhân Victoria của Viện Đào tạo quốc tế, Lê Thúy Ngọc tiếp tục có những năm tháng tỏa sáng rực rỡ tại môi trường được coi là “cái nôi đào tạo các doanh nhân thành đạt” cho tương lai này. Ngọc giành giải nhất Hội thi đơn ca tiếng hát sinh viên kinh tế UEH Idol năm 2014, giải nhì đơn ca Hội thi văn nghệ sinh viên do Đảng ủy khối các trường đại học - cao đẳng - trung học chuyên nghiệp tổ chức năm 2015, giải thưởng Công dân trẻ tiêu biểu 2015. Và bước qua năm sau (2016) thì rinh luôn huy chương vàng đơn ca Tiếng hát sinh viên toàn quốc.
Chăm con, giúp chồng và những hợp đồng công nghệ vì sự sống
Năm 2018 ra trường, Lê Thúy Ngọc cất tấm bằng tốt nghiệp đại học Western Sydney (Úc) để lấy chồng.
“Em rất nhớ sân khấu, nhớ sự năng động của em hồi xưa. Tuy nhiên em nghĩ mỗi người sẽ có một hướng đi riêng. Và hiện tại em hạnh phúc với quyết định của chính mình. Trong gia đình không cần nói nhiều, miễn hiểu nhau. Ngoài xã hội mình chưa thể làm việc lớn thì cố gắng tốt nhất theo sức mình những cơ hội mình có được…”, Ngọc tâm sự.
Lê Thúy Ngọc cùng ông xã – bác sĩ Đỗ Xuân Trường |
Trên thực tế, làm bạn đời và đồng vợ đồng chồng với bác sĩ Đỗ Xuân Trường, người đã công phu dịch cuốn “Tế bào gốc - bí mật của suối nguồn tươi trẻ” (Stem cell therapy a rising tide của tiến sĩ Neil Riordan - Mỹ) sang tiếng Việt, Lê Thúy Ngọc cũng đã nhanh chóng tiếp cận những tiến bộ mới của khoa học vì sự sống từ rất sớm. Nhận trách nhiệm giám đốc Công ty cổ phần Viện tế bào gốc Sài Gòn, hằng ngày tiếp xúc với các nhà khoa học đỉnh cao và xử lý những hợp đồng khó, “bông hoa nhỏ” ngày nào nay cũng đã trưởng thành không ai kịp nhận ra.
Lê Thúy Ngọc ký kết hợp tác toàn diện với đại diện General Vibronics (Mỹ) chiều 10.12.2022 tại TP.HCM |
Và có lẽ câu chuyện tiếp theo cũng giống như nhiều người thường nói vui là “khi cơ duyên đến thì đỡ không kịp”. Sau đại dịch Covid-19, ai nấy đều nhận ra thế giới đã thay đổi quá nhanh. Thay đổi rõ nét dễ thấy nhất là ở góc độ khoa học công nghệ phục vụ đời sống và chăm sóc sức khỏe. Các nhà khoa học tế bào gốc hầu như ở hội nghị quốc tế nào cũng có những phát hiện mới để công bố và Viện tế bào gốc Sài Gòn của vợ chồng Lê Thúy Ngọc cũng vậy. Nhưng đỉnh cao khiến Lê Thúy Ngọc phải dấn thân lao ra thương trường quốc tế là khi hay tin thiết bị tạo ra plasma lạnh được cấp bằng sáng chế và bảo hộ độc quyền ở Mỹ.
Đó cũng là thiết bị plasma lạnh cầm tay đầu tiên và duy nhất trên thế giới sử dụng vì mục đích y tế mà bằng việc đặt bút ký lên hợp đồng hợp tác toàn diện với phía Mỹ, Lê Thúy Ngọc đã chính thức mở ra cơ hội nhập khẩu về Việt Nam, giúp cho việc chữa bệnh hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Theo TN