Leo núi trồng cây

(CTG) Nhiều tháng nay, học sinh nhóm STEAM Nha Trang cùng các thầy cô leo núi nhặt hạt cây Cẩm Liên ươm mầm và đem trồng trở lại cho núi Cô Tiên (ở phường Vĩnh Hoà, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

 

Leo núi trồng cây ảnh 1
Học sinh hào hứng khi được trải nghiệm hoạt động trồng cây trên núi Cô TiênẢnh: THỤC HIỀN

Một chiều hè, chúng tôi có mặt tại núi Cô Tiên để theo chân thầy trò nhóm STEAM Nha Trang trải nghiệm buổi leo núi trồng cây. Khoảng 16 giờ, mọi người tập hợp tại chân núi Cô Tiên. Các bạn học sinh kiểm tra lại đồ đạc và tự phân công người mang nước, người mang đất, mầm cây, đèn pin… để chuẩn bị cho chuyến leo núi. Mọi thứ sẵn sàng, chúng tôi cùng nhau lên đường.

Mất hơn 20 phút, chúng tôi leo đến một khoảng đất gần đỉnh núi. Nơi đây đất đai cằn cỗi, nhiều đá và ít cây cối xung quanh, được nhóm chọn làm nơi gieo trồng cây con. Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, các bạn học sinh dọn cỏ quanh khu vực rồi đào hố, vun thêm đất trồng cây.

Sau đó, các bạn cùng nhau lấy bình tưới nước nhỏ giọt đã chuẩn bị sẵn để duy trì nước tưới cho cây. Đây là loại bình tưới được các bạn học sinh tự chế theo sự gợi ý của các thầy cô. Bình tưới gồm có phần thân được làm từ chai nhựa, nắp chai được đục lỗ để luồn một sợi dây dẫn nước, nước sẽ tự động chảy nhỏ giọt để cung cấp đủ ẩm cho cây con. Một bình tưới đầy nước có thể đảm bảo giữ nước cho cây trong thời gian 3 - 4 ngày.

Em Trịnh Vân Nghi (học sinh lớp 9/1, Trường THCS Võ Văn Ký, TP Nha Trang), thành viên của nhóm STEAM Nha Trang chia sẻ: “Tụi em chia nhau thành nhiều nhóm, cách khoảng 3 - 4 ngày sẽ có một nhóm cùng thầy cô lên núi thay bình tưới nước cho cây. Chuyến đi thực tế giúp em biết được cách ươm mầm, kỹ thuật tưới nhỏ giọt tự động cho cây xanh. Đây là một trải nghiệm thú vị đối với em”.

Thầy Phạm Vũ Thanh An (giáo viên Trường THCS Võ Văn Ký) cho biết, thời gian tới, ngoài việc tự trồng cây, các bạn học sinh sẽ ươm thêm nhiều cây con và đặt dưới chân núi để khách du lịch khi đi tham quan sẽ đem theo mỗi người một cây, cùng nhau trồng để giữ màu xanh cho núi Cô Tiên.

“Chúng tôi hy vọng thông qua hoạt động này, khách tham quan sẽ nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường để phố biển Nha Trang luôn là địa điểm du lịch xanh, thân thiện và mến khách”, thầy An nói.

STEAM Nha Trang là nhóm tập hợp nhiều thầy cô và học sinh từ các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP Nha Trang. Các thầy cô sẽ là người tạo ra các sân chơi, hướng dẫn các em học sinh hình thành và rèn luyện kiến thức, kỹ năng thông qua các đề tài, các bài học theo những chủ đề gắn liền với thực tế cuộc sống theo phương pháp giáo dục STEAM.

Theo TP